Nghệ An: Hơn 3.100 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

(Baonghean) - Hai năm gần đây, tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Nghệ An có xu hướng gia tăng. Điều này đòi hỏi cần phải có nhiều chế tài xử phạt mạnh nhằm nâng cao trách nhiệm và ý thức của các đơn vị, doanh nghiệp.

» Top 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm lớn nhất Nghệ An

 » Nghệ An nợ đọng bảo hiểm hơn 169 tỷ đồng

Khó trong xử lý nợ đọng

Công ty CP xây dựng Văn Sơn vừa bị cơ quan BHXH Nghệ An ra quyết định xử phạt mới mức phạt cao nhất dành cho các đơn vị tư nhân là 37.500.000 đồng do chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT tính đến hết tháng 8/2017 với số tiền nợ gần 82.000.000 đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đóng BHXH, đơn vị đóng không đủ số người theo quy định là 2 người, không đóng đúng mức theo quy định.

Đây không phải là trường hợp duy nhất bị cơ quan BHXH tỉnh phạt vì hành vi nợ đọng BHXH. Trong 2 tháng 10 và tháng 11, đoàn thanh tra BHXH tỉnh đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đột xuất về đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 28 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tiến hành xử phạt 8 đơn vị vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH với tổng số tiền xử phạt là gần 260 triệu đồng.

Trước đó, đoàn thanh tra của Sở LĐ-TB&XH cũng đã kiểm tra công tác nợ BHXH, BHYT, BHTN ở 104 đơn vị và lập biên bản 50 đơn vị; tiến hành xử phạt 17 đơn vị vì không chấp hành theo đúng kết luận của Biên bản vi phạm hành chính của ChánhThanh tra Sở LĐ-TB&XH.

Thanh tra BHXH Nghệ An kiểm tra công tác thực hiện bảo hiểm tại các doanh nghiệp. Ảnh: Mỹ Hà
Thanh tra BHXH Nghệ An kiểm tra công tác thực hiện bảo hiểm tại các doanh nghiệp. Ảnh: Mỹ Hà

Việc ngày càng có nhiều đơn vị bị xử phạt cho thấy tình trạng nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng và số đơn vị rơi vào nợ đọng xấu đang ngày càng nhiều. Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2017, toàn tỉnh có 3.148 đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT với hơn 225,2 tỷ đồng, tăng hơn 154,6 tỷ đồng so với cuối năm 2016.

Trong số này, qua rà soát của cơ quan BHXH, có 173 đơn vị mặc dù đang nợ bảo hiểm với số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng chủ doanh nghiệp “chây ì”, “bỏ trốn”, “mất tích” hoặc ngừng hoạt động.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Hồng Phúc (đường Phan Đăng Lưu - thành phố Vinh); doanh nghiệp tư nhân Tân Linh (phường Vinh Tân - thành phố Vinh); Công ty cổ phần Dược phẩm Linh Sơn (140 - Phan Đình Phùng - thành phố Vinh); Công ty cổ phần Đầu tư Đô thị Dầu khí Cửa Lò (134 - Nguyễn Văn Cừ)…

Theo ông Ngô Xuân Dũng - Phó Trưởng phòng Khai thác và thu nợ - Bảo hiểm xã hội, hiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN tập trung chủ yếu ở các đơn vị kinh doanh xây dựng cơ bản, do nguồn vốn thanh toán gặp nhiều khó khăn, lộ trình thanh toán chậm từ các công trình do nhà nước làm chủ đầu tư.

Với những đơn vị cung cấp hàng hoá thương mại chủ yếu nợ bảo hiểm là do chưa thu hồi được tiền nợ từ các công trình; những dự án đã hoàn thành thì chưa được bố trí nguồn vốn và tiến độ giải ngân chậm.

Bên cạnh đó, một số đơn vị nợ bảo hiểm là do chưa hiểu biết về chế độ chính sách, nhận thức sai lệch rằng, BHXH là bảo hiểm thương mại hoặc có nhiều đơn vị cố tình chây ì, không hợp tác, chủ sử dụng lao động không quan tâm đến vấn đề chính sách BHXH. 

Điều đáng lo ngại là số nợ đọng BHXH của doanh nghiệp càng lớn càng ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Khi doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động ốm đau, thai sản, thất nghiệp không được giải quyết, về hưu không được lấy sổ, chuyển công tác không được chốt sổ bảo hiểm để chuyển…

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dù đang trốn đóng, nợ BHXH nhưng hàng tháng vẫn đều đặn trừ lương của người lao động, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tăng chế tài xử lý vi phạm

 

Để hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm, những năm qua, cơ quan BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng vào các nội dung như giao cán bộ chuyên quản thu phải thường xuyên bám sát đơn vị để đôn đốc thu, thành lập tổ thu hồi nợ, thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành để làm việc với các đơn vị nợ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.

Ngành cũng đã phối hợp với cơ quan thuế cung cấp thông tin để rà soát tình hình sử dụng lao động, quỹ lương, nợ BHXH để trên cơ sở đó lập kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ thuế, nợ BHXH; phối hợp với các ngân hàng để thực hiện thu, thu nợ BHXH, BHYT thông qua tài khoản của các đơn vị mở tại ngân hàng.

Đặc biệt, cơ quan BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với công đoàn các cấp lập hồ sơ các đơn vị nợ để đề nghị khởi kiện ra toà án, phối hợp với công an chuyển hồ sơ các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật để điều tra xử lý.

Với những giải pháp quyết liệt, đến tháng 11/2017, tổ đôn đốc thu nợ đã trực tiếp làm việc được với 56 đơn vị; qua đó, thu được 6,5/82 tỷ đồng tiền nợ. Sở LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với cơ quan BHXH mời làm việc 104 đơn vị; qua đó, đã có 13 đơn vị tiến hành trả nợ với số tiền hơn 11 tỷ đồng (chiếm khoảng 1/3 tổng số tiền nợ).

Mặc dù vậy, trên thực tế công tác thu nợ BHXH vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Ông Trần Văn Phương, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra, BHXH tỉnh cho biết: “Không phải khi nào đoàn thanh tra bảo hiểm cũng thuận lợi trong quá trình làm việc. Thực tế, rất nhiều chủ doanh nghiệp không hợp tác với lý do như giám đốc đi vắng, giám đốc là người nước ngoài nên không có mặt ở Việt Nam hoặc doanh nghiệp từ chối làm việc. Ngay cả khi đã lập biên bản xử phạt hành chính nhưng nhiều đơn vị vẫn cố tình không thi hành, buộc phải thực hiện giải pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt”.

Giải pháp được xem là “mạnh tay” nhất hiện nay là khởi kiện ra tòa cũng chưa đem lại hiệu quả. Hiện, trong số 58 đơn vị được cơ quan BHXH lập hồ sơ để đề nghị Liên đoàn Lao động khởi kiện thì chỉ có 1 đơn vị là Công ty CP VENTURE (Thanh Chương) đồng ý hòa giải và một số đơn vị khắc phục nợ nhưng chỉ với số tiền rất ít.

Bên cạnh đó, việc “kêu gọi” các công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện là điều khó thực hiện bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có tổ chức công đoàn và hầu hết các công đoàn đang chịu sự chi phối của các doanh nghiệp. 

Những bất cập này mới đây cũng đã được các đại biểu quốc hội thảo luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng để tăng tính “răn đe” thì Bộ Công an cần chỉ đạo Công an các cấp nắm tình hình, phối hợp với tổ chức công đoàn phát hiện, điều tra và đề nghị truy tố một số vụ án điểm về trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Phương - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra, BHXH tỉnh Nghệ An khẳng định: “Điều 216, Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và việc thu thập hồ sơ của các đơn vị nợ đọng bảo hiểm đã rất rõ ràng. Chính vì lẽ đó, việc truy tố các đơn vị vi phạm là điều cần thiết nhằm tăng trách nhiệm và ý thức của các đơn vị và bảo vệ chính đáng quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động”./.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới