Nhà chí sỹ Phan Bội Châu trong sách giáo khoa tiểu học Nhật Bản

(Baonghean.vn) - Để tỏ lòng biết ơn đối với vị ân nhân người Nhật Bản, 10 năm sau, Phan Bội Châu đã quay trở lại và dựng “Bia báo ân”. Câu chuyện đã đi vào bài giảng trong sách giáo khoa của học sinh tiểu học ở thành phố Fukuroi (Nhật Bản).

Theo tài liệu tại Khu tưởng niệm cụ Phan Bội Châu có ghi, vào tháng 3 năm 1909, khi phong trào Đông du đang hoạt động có hiệu quả, thì thực dân Pháp cấu kết với Chính phủ Nhật Bản ra lệnh đàn áp, giải tán… toàn bộ lưu học sinh Việt Nam. Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu cũng bị trục xuất khỏi Nhật Bản. 

Một số du học sinh lén lút lưu lại để tiếp tục học tập và hoạt động nên gặp khó khăn gian khổ trăm bề. Với tấm lòng hào hiệp vô tư vì đại nghĩa, bác sĩ Asaba Sakitaro đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho Phan Bội Châu và các chiến hữu trong giai đoạn khó khăn này.

Sau hơn 10 năm rời khỏi Nhật Bản về Trung Quốc hoạt động cách mạng và bị tù tội, Phan Bội Châu đã cùng với các chiến hữu xưa kia cùng hoạt động ở Nhật Bản tìm đường đến tận quê hương của bác sĩ Asaba Sakitaro (lúc này đã qua đời) để dựng bia báo ân vị ân nhân này tại Unuyama, thôn Higashiasaba, tỉnh Shijuoka.

Bác sỹ Asaba (bên trái) và hình ảnh Phan Bội Châu cùng  bên
Bác sỹ Asaba (bên trái) và hình ảnh Phan Bội Châu cùng chiến hữu bên "Bia báo ân". Ảnh: Thành Cường

“Tấm bia báo ân” bằng đá liền khối cao khoảng 2,25m, rộng 0,8m đặt trên bệ xi măng và có nhà bia trùm lên trên. Toàn bộ nhà bia và bia cao đến trên 3,5m, văn bia được khắc bằng chữ Hán, nội dung thể hiện lòng biết ơn của cụ Phan Bội Châu và các chiến hữu đối với vị ân nhân người bản địa này.

Đây cũng là một biểu hiện của mối tình nghĩa sâu sắc giữa nhà yêu nước Phan Bội Châu và nhân dân Nhật Bản, là hành động như những nền tảng đầu tiên cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Bản dập
Bản dập "bia báo ân" của cụ Phan Bội Châu.  Ảnh: Thành Cường

Câu chuyện về một người sỹ phu yêu nước từ phương xa, sau 10 năm trở lại dựng bia báo ân đã trở thành bài học sâu sắc về tình cảm hữu nghị chân thành, được tái hiện lại trong bài giảng sách giáo khoa của các em học sinh tiểu học ở thành phố Fukuroi - quê hương của bác sỹ Asaba.

Trong một chuyến công tác vào đầu tháng 4 năm 2017 để tìm kiếm tư liệu về cụ Phan Bội Châu, đoàn công tác của Sở VH&TT Nghệ An đã được chính quyền thành phố Fukuroi cung cấp nội dung bài giảng về tình bạn của cụ Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakirato trong sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học của thành phố này; cùng nhiều hình ảnh khác về nhà nho yêu nước, người chiến sỹ cách mạng kiên trung vào cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Việt Nam.

Tập tranh dạy lịch sử cho học sinh tiểu học ở thành phố Fukuroi được trưng bày trong ở Khu di tích tưởng niệm Phan Bội Châu
Tập tranh dạy lịch sử cho học sinh tiểu học ở thành phố Fukuroi được trưng bày ở Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu. Ảnh: Thành Cường

Hiện nay, bài giảng đang được trưng bày tại nhà trưng bày phụ trợ thuộc Khu Di tích lưu niệm Cụ Phan Bội Châu - Thị trấn Nam Đàn. 

Nội dung toàn văn tấm bia báo ân dịch như sau:

Bia kỷ niệm Ông Asaba Sakitaro

Chúng tôi vì quốc nạn, chạy sang đất Phù Tang.

Ông thương chí chúng tôi, giúp khi khốn khó, không mong báo đáp. Ông có thể so sánh với người kỳ hiệp đời xưa.

Than ôi! Nay ông không còn nữa! Mênh mông trời biển, lòng này khôn tỏ, mới khắc cảm tưởng vào đá.

Ghi rằng:

“Xưa nay, ít người hào hiệp như ông. Lòng nhân nghĩa của ông bao trùm khắp trong ngoài. Ông giúp chúng tôi như trời, chúng tôi chịu ơn ông như biển. Đến nay, chí chúng tôi chưa thành, mà ông thì không còn nữa. Lòng chúng tôi đau xót vô cùng, ức vạn năm về sau cũng không hề nguôi”.

Tất cả những người của Hội Việt Nam quang phục xin kính ghi.

Mùa xuân năm Mậu Ngọ

Người khắc bia: Osugi Kyokurei.

Thành Cường

TIN LIÊN QUAN

Tin mới