Cần quản lý người ăn xin

(Baonghean) - Thật không mấy dễ chịu khi bước chân vào quán ăn, bạn sẽ thấy xuất hiện... người ăn xin. Và đến quán ăn khác, bạn lại gặp họ, nhất là việc kỳ kèo dai dẳng của những người ăn xin làm không ít người tỏ ra khó chịu.

Hình ảnh này chúng ta không khó bắt gặp, ngày cũng như đêm trên các tuyến đường, các chợ, cửa hàng... trẻ có, già có, người tàn tật có. Không chỉ người già yếu, khuyết tật... tình trạng người lang thang ăn xin biến tướng xuất hiện ngày càng nhiều ở TP Vinh như mượn cớ bán hàng rong, đánh giày, bán vé số, hát rong để xin tiền của khách.

Thử hỏi các em nhỏ bị bệnh tật, cụ già bị cụt hai chân vẫn thường bò la lết ở nơi tập trung đông người như các ngã đường đèn xanh, đèn đỏ hay ở các chợ, nếu không có người đứng đằng sau họ thì không thể dễ dàng di chuyển lúc ăn xin chỗ này, lúc ở chỗ kia. Bên cạnh những trường hợp hoàn cảnh éo le phải trông chờ lòng hảo tâm của cộng đồng, nhiều người cho rằng ăn xin đã trở thành nghề, có cả "bảo kê" đứng đằng sau. Điều đáng nói là hiện tượng này khiến bộ mặt đô thị của TP Vinh trở nên nhếch nhác hơn nhưng chưa được chính quyền các cấp quan tâm siết chặt quản lý.


"Không có người lang thang ăn xin" là 1 trong 5 tiêu chí được Đà Nẵng phấn đấu trong nhiều năm nay. Thành phố từng cho lập đường dây nóng, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân phát hiện người ăn xin báo cho lực lượng chức năng đến xử lý.

Mỗi người dân khi phát hiện, báo tin được thưởng nóng 200.000 đồng. Kết quả từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng đã phát hiện, thu gom gần 1.000 lượt người lang thang xin ăn. Trong đó khoảng 40% đưa về quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, số còn lại được đưa về địa phương.


Cách làm của Đà Nẵng cũng là kinh nghiệm để TP Vinh có biện pháp quản lý hoạt động ăn xin, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng người tàn tật hành nghề để trục lợi.

Tin mới