Khám phá Khu dự trữ sinh quyển miền Tây xứ Nghệ

(Baonghean) - Được công nhận ngày 18/9/2007, Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của khu sinh quyển này, một trong những việc quan trọng hàng đầu là tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư.

Phong phú tiềm năng

Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An có tổng diện tích 1,3 triệu ha trải rộng trên phạm vi 9 huyện. Đây là  khu DTSQ có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nơi hội tụ của nhiều yếu tố hệ động, thực vật, tính đa dạng sinh học cao, có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao với sự có mặt của 70 loài thực vật và 80 loài động vật được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm, đặc hữu của khu vực như: sao la, chà vá chân nâu, sa mu dầu và quần thể voi hoang dã.

Du ngoạn thắng cảnh thác Khe Kèm  (Pù Mát,  Con Cuông).
Du ngoạn thắng cảnh thác Khe Kèm (Pù Mát, Con Cuông).

Đây cũng là nơi trộn lẫn, đan xen của các yếu tố địa lý với nhiều hang động, thác nước tự nhiên như thác Sao Va ở Quế Phong; thác Kèm ở Con Cuông; suối Tiên, suối nước nóng ở Tân Kỳ; hang Thẳm Bua - danh thắng quốc gia ở Quỳ Châu; đồng thời là nơi sinh sống lâu đời của 6 dân tộc anh em: Thái, Đan Lai, Khơ Mú, Ơ Đu, Mông và Kinh, trong đó Ơ Đu là dân tộc có số người ít nhất trong 54 dân tộc Việt Nam và chỉ duy nhất có ở Nghệ An.

Lễ hội Đền Chín Gian
Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong) - một nét văn hóa đặc sắc trong Khu dự trữ sinh quyển.

Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có nhiều di tích lịch sử với nhiều nét văn hoá độc đáo như di tích thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa ở Con Cuông, đền 9 gian ở Quế Phong, di chỉ Làng Vạc ở thị xã Thái Hoà,… là  nơi lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hoá đặc sắc.

Du khách tham quan Vườn Quốc gia Pù Mát.	Ảnh: Sỹ Minh
Du khách tham quan rừng săng lẻ nguyên sinh trong Khu sinh quyển. Ảnh: Sỹ Minh

Mặc dù vậy, sự hiểu biết về khu DTSQ cũng như giá trị của nó trong đời sống xã hội, nhất là trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương của đại bộ phận nhân dân và cán bộ xã, bản trong vùng vẫn còn hạn chế, nên người dân chưa có ý thức hành động tốt trong bảo tồn các giá trị của khu DTSQ, nhất là bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Đây đó nạn khai thác, đốt, phát rừng làm rẫy trái phép ở các địa phương trong vùng đệm vẫn xảy ra. Hầu hết tiềm năng, lợi thế của khu dự trữ chưa có các dự án lớn vào tham gia đầu tư khai thác.

Thu hút đầu tư, khai thác

Sau khi thành lập Ban Quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã chủ động tham mưu triển khai các hoạt động, trong đó tập trung đẩy mạnh chiến lược tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư. Nội dung của hoạt động hướng mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế kêu gọi thu hút các dự án đầu tư.

Năm 2015, BQL đã tiến hành xây dựng dữ liệu tài nguyên, sinh thái, môi trường, văn hóa, điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An; Tập bản đồ Khu DTSQ thể hiện các quy hoạch hiện có theo các lớp (sử dụng đất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên văn hóa, chỉ dẫn địa lý về các thương hiệu địa phương, tour - điểm du lịch); Danh mục các cơ quan đầu mối lưu giữ thông tin cấp tỉnh, cấp huyện; Bản sao các chương trình, dự án, quy hoạch hiện có ở miền Tây Nghệ An; băng đĩa, phim ảnh.

Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: P.V
Phóng viên Báo Nghệ An trong một lần tác nghiệp tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: P.V

Bộ dữ liệu được lưu giữ (bản cứng, bản mềm, đĩa CD) tại văn phòng BQL, tạo điều kiện tốt trong việc cập nhật công bố trên các trang thông tin điện tử làm tiền đề cho việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tiềm năng, lợi thế, hình ảnh của Khu DTSQ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trước đó Ban Quản lý khu DTSQ miền Tây Nghệ An cũng đã sớm xây dựng và cho ra mắt bạn đọc trang thông tin điện tử để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế, hình ảnh, hoạt động, công bố các công trình nghiên cứu, kết quả điều tra, khảo sát, hỗ trợ công tác điều hành hoạt động, thu hút đầu tư khu DTSQ.

Bên cạnh đó BQL đã  thực hiện chuỗi hoạt động thiết thực như: biên soạn, in ấn và phát hành cuốn “Cẩm nang về Khu DTSQ miền Tây Nghệ An” giới thiệu các khái niệm về khu DTSQ, cấu trúc và hoạt động BQL; các giá trị (tài nguyên thiên nhiên, văn hóa) và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào khu sinh quyển. Xây dựng và công bố lô-gô biểu tượng đại diện khu DTSQ; thiết kế vật phẩm lưu niệm, huy hiệu và biểu trưng pha lê in hình lô-gô khu sinh quyển.

Sao la ở Vườn Quốc gia Pù Mát
Sao la ở Vườn Quốc gia Pù Mát  thuộc Khu dự trữ sinh quyển.

Đặc biệt công tác tuyên truyền được thực hiện qua nhiều kênh truyền thông đa dạng, bao gồm: phóng sự “Khu DTSQ lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp ở miền Tây Nghệ An trong bối cảnh hội nhập TPP”, “Tiềm năng lợi thế khu DTSQ”,... được phát nhiều lần trên sóng truyền hình Nghệ An; tổ chức nhiều chuyên đề bài viết trên các báo chính thống (Báo Nghệ An; Báo Lao động và Báo Nông nghiệp Việt Nam).

Không chỉ tuyên truyền trên báo in, truyền hình mà còn chú trọng tuyên truyền quảng bá trên kênh thông tin điện tử. Nhiều tin, bài viết về Khu DTSQ miền Tây Nghệ An trên các báo Vietnamnet, Dân trí, báo Nghệ An, Tổng cục Lâm nghiệp, Đại học Lâm nghiệp, Tạp chí sinh học, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam... được chuyển tải lên cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, vườn quốc gia và UBND các huyện thuộc khu DTSQ.

Du lịch sông Giăng vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Sỹ Minh
Du lịch sông Giăng vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Sỹ Minh

Ngoài ra, việc tuyên truyền quảng bá còn được thực hiện dưới hình thức pa-nô, áp-phích như: Thiết kế Poster chân chữ X giới thiệu về lịch sử hình thành và cấu trúc khu sinh quyển đặt tại trụ sở các đơn vị thành viên, địa điểm tập trung đông người như sân bay, ga tàu, trường học và cung cấp cho hội thảo.

Kiểm tra, làm việc với Ban giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát
Các ban, ngành liên quan làm việc với Ban giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát.

Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được đặc biệt quan tâm, Ban Quản lý khu DTSQ tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) về kỹ thuật và tài chính để xây dựng, kêu gọi thu hút đầu tư và tổ chức các cuộc khảo sát, tham vấn cộng đồng; mở hội thảo cấp tỉnh vào tháng 9/2015 có đại diện khách mời từ Ủy ban MAB Việt Nam, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và các khu DTSQ thành công  như: Cát Bà, Kiên Giang.

 

Đồng thời tập trung xây dựng hồ sơ Dự án “Bảo tồn và phát triển Khu DTSQ miền Tây Nghệ An” thuộc danh mục “Dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020”.

Bằng cách làm đó, bước đầu đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng khu DTSQ về ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa truyền thống để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đáng lưu ý, với sự vào cuộc của nhân dân và chính quyền năm 2015, đã đưa một số vụ án khai thác rừng trái phép ra xét xử công khai, tạo hiệu ứng tốt, góp phần ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép ở các huyện miền núi cao.

Công tác truyền thông còn góp phần đưa khái niệm khu DTSQ và các giá trị vốn có trở nên gần gũi hơn với cộng đồng, khu sinh quyển đã trở thành lợi thế thu hút đầu tư vào miền Tây của tỉnh Nghệ An. 

Với sự khởi động tích cực đó, các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức liên quan đã có sự quan tâm đầu tư bảo tồn, phát triển Khu DTSQ miền Tây Nghệ An. Bộ Khoa học - Công nghệ đã phê duyệt danh mục “Đề tài xây dựng bảo tàng thiên nhiên - văn hóa mở” tại Khu DTSQ miền Tây Nghệ An theo Quyết định 1850/QĐ-BKHCN. Đề tài do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì dự kiến thực hiện tại Vườn Quốc gia Pù Mát trên cơ sở nâng cấp bảo tàng hiện có, với ý tưởng kết nối các khu vườn thực vật, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

Đồn BP Châu Khê (Con Cuông) phối hợp với Hạt kiểm lâm VQG Pù Mát tuần tra biên giới và bảo vệ rừng.
Đồn BP Châu Khê (Con Cuông) phối hợp với Hạt kiểm lâm VQG Pù Mát tuần tra biên giới và bảo vệ rừng.

Các tổ chức, trường đại học, NGOs... mà cụ thể là Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Hội Khoa học kỹ thuật Nghệ An, Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Nghệ An đã liên kết với địa phương trong công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học, đề xuất các chương trình, dự án trên địa bàn, trong đó có đề xuất Dự án Bảo tồn, phát triển cây dược liệu và cây di sản trong Khu DTSQ miền Tây Nghệ An./.

Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An là cơ quan thường trực đại diện cho BQL Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, là cơ quan tiếp nhận các ý kiến đóng góp vì sự phát triển của khu DTSQ, cơ quan tuyên truyền về hoạt động bảo tồn, phát triển và thu hút đầu tư Khu DTSQ miền Tây Nghệ An.

Địa chỉ: Số 2A, đường Trần Huy Liệu, thành phố Vinh, Nghệ An. 

- Điện thoại: 0383.525.175                           

- Website: sinhquyennghean.vn

Hải Yến

TIN LIÊN QUAN

Tin mới