Vọng mãi hào khí khởi nghĩa Hoan Châu

(Baonghean) - Cách đây tròn 13 thế kỷ, vào năm 713 tại đất Hoan Châu, Mai Thúc Loan với trái tim chứa chan tình yêu quê hương đất nước đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường, lập chính quyền tự chủ và dựng lên vương triều họ Mai, đưa nhân dân ta hưởng độc lập tự chủ ngót một thập kỷ (713 - 722).

Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, lại từng trải qua năm tháng tuổi thơ không mấy êm đềm, ngoài kế thừa truyền thống văn hoá quê hương và dòng họ, Mai Thúc Loan sớm lăn lộn với cuộc sống tự lập nên có nhiều cơ hội mở mang nhận thức về nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới ách thống trị, bóc lột tàn nhẫn của bọn đô hộ phương Bắc. Khát vọng chống giặc ngoại xâm, cứu nước cứu dân, giành lại độc lập tự chủ cộng hưởng với bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm gang sắt, dám nghĩ dám làm ở Mai Thúc Loan cứ ngày càng rực cháy để rồi thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghĩa Hoan Châu chấn động nhà Đường, vang dội đất An Nam lúc bấy giờ.

Sau khi chuẩn bị cơ bản chu tất, từ đất Hoan Châu (thuộc vùng Hà Tĩnh, Nghệ An nay) vào năm 713, Mai Thúc Loan lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa và nhanh chóng thắng lợi. Ông lên ngôi, xưng là Mai Hắc Đế, thiết lập bộ máy chính quyền tự chủ, đồng thời tiếp tục chiêu tập binh sĩ, xây dựng căn cứ, mở rộng phạm vi khởi nghĩa, tiến quân ra phía Bắc, tấn công phủ thành Tống Bình (thuộc Hà Nội nay), làm cho quan quân nhà Đường ở đây phải tháo chạy về nước. Nhưng đến năm 722, sau khi dẹp xong nội loạn, nhà Đường tập trung lực lượng kéo sang đàn áp khởi nghĩa Hoan Châu, vương triều họ Mai non trẻ theo đó nhanh chóng kết thúc.

Trong vòng không đầy 10 năm, khởi nghĩa Hoan Châu nhanh chóng lan rộng ra nhiều châu khác, không chỉ lôi cuốn nhân dân trong vùng mà còn liên kết với nhiều địa phương tham gia, kể cả quân của nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân. Nhân dân ta giành lại được tự chủ từ tay bọn đô hộ phương Bắc. Hoan Châu tự hào trở thành đất đóng đô của vương triều tự chủ mà người đứng đầu là vua Mai Hắc Đế với thành Vạn An (thuộc Nam Đàn nay) được coi là quốc đô. Thành quả ấy không những thể hiện mưu lược về mặt quân sự, khéo léo vận động tập hợp dân chúng mà còn thể hiện tài năng ngoại giao của vị vua xứ Nghệ - Mai Hắc Đế.

Với chiến công khởi nghĩa Hoan Châu lẫy lừng, thành lập vương triều tự chủ của người Việt, Mai Thúc Loan đã trở thành người con ưu tú đầu tiên của quê hương xứ Nghệ đi vào sử sách với tư cách là một vị vua có công lao to lớn, mở ra một trang mới cho lịch sử vùng đất Hoan Châu xưa và xứ Nghệ nay. Mai Thúc Loan cùng với nhiều danh nhân khác, đặc biệt là cụ Phan Bội Châu và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm rạng danh núi Hồng, sông Lam và cả đất nước ta, tạo cho xứ Nghệ niềm tự hào và kiêu hãnh đối với các vùng quê khác trong cả nước.

Cuộc đời, sự nghiệp của Mai Thúc Loan cùng chiến tích khởi nghĩa Hoan Châu để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng quê hương xứ Nghệ và dân tộc Việt Nam. Không chỉ ở xứ Nghệ mà một số vùng quê khác cũng có những di tích lịch sử - văn hoá liên quan đến sự kiện lịch sử trọng đại này, như nhà thờ họ Mai và đền thờ Mai Thúc Loan ở xã Mai Phụ (Lộc Hà, Hà Tĩnh); lăng mộ Mai Hắc Đế cùng đền thờ và mộ vua Mai, thân mẫu vua Mai, miếu thờ hoàng tử Mai Thúc Huy, đền Nậm Sơn Thượng tướng, đình Khả Lãm, thành Vạn An... ở huyện Nam Đàn (Nghệ An); cụm di tích đền Dục Anh, quận Cầu Giấy (Hà Nội); cụm di tích ở xã Quốc Tuấn, huyện An Dương (Hải Phòng)... Đặc biệt hơn, tại Nam Đàn, đến hẹn lại lên, vào trung tuần tháng Giêng hàng năm lại diễn ra Lễ hội Đền Vua Mai (từ năm nay là lễ hội cấp tỉnh), người người ở khắp các vùng miền lại hội tụ về đây trong sự trang nghiêm với tấm lòng thành kính nhưng không kém phần hân hoan, vui vẻ, phấn khởi, được tắm mình trong không gian sinh hoạt văn hoá cộng đồng đậm tính nhân văn.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu là bằng chứng lịch sử hùng hồn, thể hiện mạnh mẽ khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta, đồng thời thể hiện khí phách anh dũng kiên cường, táo bạo của lớp người xứ Nghệ ngày ấy, có tác dụng cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc khởi nghĩa sau đó. Tiếp theo khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43), khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248) và khởi nghĩa Lý Bí (năm 542), thì khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan là cuộc khởi nghĩa lớn thứ tư trong lịch sử chống Bắc thuộc và được xem là màn mở đầu cho các cuộc khởi nghĩa tiếp theo như khởi nghĩa Phùng Hưng cuối thế kỷ VIII, Dương Thanh đầu thế kỷ IX, cha con Khúc Thừa Dụ - Khúc Thừa Hạo đầu thế kỷ X, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc trường kỳ, dẻo dai để đi đến kết quả giành lại độc lập tự chủ hoàn toàn vào thế kỷ X bằng chiến thắng Bạch Đằng vang dội của Ngô Quyền năm 938.
Công lao của Mai Thúc Loan cùng chiến tích khởi nghĩa Hoan Châu vẫn còn đó với thời gian, vẫn là di sản quý báu để nhân dân xứ Nghệ tự hào với cả nước, để dân tộc ta tự hào với các dân tộc khác. Thời gian dù có lùi xa, nhưng hào khí Hoan Châu ngày ấy vẫn luôn vọng về cùng hồn thiêng sông núi quê hương.

Lê Đức Hoàng (Khoa Sử, Đại học Vinh)

Tin mới