Du lịch Việt Nam trong mắt người nước ngoài

Cách đây không lâu, trang web Tripadvisor (Tạm dịch: “người mách đường”) đã đặt nhiều thành phố du lịch của Việt Nam vào tốp 10 các điểm đến yêu thích của châu Á.

Theo suy nghĩ chủ quan, nhiều người cho rằng trang web này đã quá ưu ái Việt Nam và cũng có những ý kiến nghi ngờ thông tin không chính xác. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận ra thực tế rằng, “Người mách đường” đã phản ánh đúng sự thực, các thông tin đều chính xác và du lịch của ta còn nhiều tiềm năng mà chính ta còn chưa chú ý.

Rất quan tâm đến Việt Nam

Trang web “Người mách đường” có trụ sở đặt ở Mỹ, nhưng thực tế đã bị khách du lịch từ nhiều nước khác “chiếm” diễn đàn. Điều này cũng xuất phát từ đặc tính “mở” của những trang mạng xã hội, không có gì đáng lạ. Chúng tôi thấy ở trên trang web này khách du lịch từ châu Âu như: Anh, Pháp, I-ta-li-a, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ… vào khá nhiều; hoặc Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có số lượng khá. Trong trang web thường có hai đối tượng chính là: Người hỏi thông tin và người đưa ra lời khuyên.

Những lời khuyên ở trang web này rất xác đáng bởi nó là trải nghiệm thực tế của những người đi trước dành cho người đi sau, bao trùm mọi mặt trong đời sống xã hội. Bạn sẽ gặp nhiều câu hỏi đầy tính riêng tư như: Tôi đi tuần trăng mật ở Hà Nội có được không? Ở Hà Nội có những điểm mát-xa nào? Bao nhiều tiền một cốc bia?..v..v.. Và cả những câu hỏi thể hiện sự trải nghiệm sâu sắc của người hỏi về Việt Nam như: Đặt xe máy ở đâu để có thể đi “phượt” từ Hà Nội lên Hà Giang? Ở đâu có homestay tốt nhất? Kinh nghiệm về các món ăn đường phố?

Trong trang web “Người mách đường” riêng phần Việt Nam có 27 diễn đàn (forum) và 42.022 đề mục (topic), trong mỗi đề mục có hàng chục lượt bình luận và mỗi lượt bình luận có hàng nghìn lượt người xem (view)… và con số này vẫn tăng lên mỗi tuần. Một chút vậy để thấy sự quan tâm rất lớn đến chủ đề Việt Nam trong mắt du khách.

Ba điều “khoái ý” của du khách

Chúng tôi đã làm một khảo sát nhỏ khi chát với những người trong diễn đàn với chung một câu hỏi: Tại sao bạn lại thích đến Việt Nam? Chúng tôi đã nhận được nhiều câu trả lời có thể chia làm 3 nhóm như sau:

1- Phong cảnh đẹp, thức ăn “ngon, bổ, rẻ”

Nữ du khách có biệt danh (nick name) là Dudeiliott, ở Anh, cho biết: Các món ăn ở Việt Nam có thể gọi là “huyền thoại” và cô đã từng thử món ăn của ba miền Bắc, Trung, Nam. Cô có trải nghiệm đặc biệt về tua du lịch ẩm thực tại Hà Nội và Hội An và từ năm 2010 đến nay cô đã không ngừng “tuyên truyền” về món ăn Việt cho bạn bè.

Ở phần ẩm thực này, bản thân tôi cũng rất đồng cảm và chia sẻ với Dudeiliott, vì một lần tôi được gặp đầu bếp trưởng người Pháp của khách sạn Metropole Hà Nội, ông Đi-đi-ê Coóc-lu. Ông cho biết: Món ăn Việt Nam rất đặc biệt, là sự pha trộn của Đông và Tây, Âu và Á, nhưng đặc biệt món ăn truyền thống của Việt Nam là sự kết hợp hài hòa tuyệt vời của thiên nhiên và con người với những đặc điểm: Thanh, vị, bổ dưỡng nhưng không béo.

Ở phần phong cảnh, tôi có một khám khá thú vị trong cách đánh giá phong cảnh của người nước ngoài, đó là họ xếp con người vào phong cảnh. Ví dụ, khi ngắm nhìn đồng bào dân tộc miền núi với trang phục nhiều sắc màu họ coi đó là phong cảnh đẹp. Hầu hết những du khách có trải nghiệm ở Việt Nam đều cho rằng, người Việt thon thả, uyển chuyển, dáng nhỏ nhắn nhưng chuẩn về tỷ lệ tạo hình. Và coi đó là “phong cảnh đẹp”. Hẳn nhiều người sẽ phải đồng ý rằng cách nhìn nhận này (về việc đặt hình thức con người vào mục phong cảnh) cũng có phần hợp lý.

2- Con người hiền hòa, dễ mến, cởi mở

Thật vậy, đi du lịch và đặc biệt là đi du lịch theo kiểu “bụi” (hoặc như ta hay gọi là du lịch ba lô) du khách có nhu cầu rất lớn về giao tiếp với người dân bản địa. Trung bình, 3 tuần, một du khách có kinh nghiệm sẽ đi hết một số điểm du lịch quan trọng ở Việt Nam. Trong ba tuần đó, họ có nhu cầu gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của người bản địa. Hầu hết đều cố làm giống người bản địa nhất có thể. Nghĩa là họ sẽ học từ cách ăn, cách mặc, cách đi đứng, giao tiếp… Và người Việt thường là những chuyên gia trong việc đào tạo du khách này.

Người Việt rất thân thiện trong mắt nhiều vị khách nước ngoài.

Tôi theo dõi hành trình kéo dài hai tuần của ba bạn trẻ người Ô-xtrây-li-a, chuyến đi của họ thực hiện vào cuối tháng 5 vừa rồi. Họ thuê xe máy và một hướng dẫn viên du lịch ở Nha Trang rồi “phượt” ra Hà Nội. Thành viên có tên Jeremy Collins cho biết: Đó là chuyến đi tuyệt vời với nhiều trải nghiệm đặc biệt hiếm có và chúng tôi sẽ còn trở lại Việt Nam và tiếp tục khám phá.

Cũng phải nói thêm rằng cách “phượt” như nhóm của Jeremy là không lạ ở Việt Nam, trong diễn đàn Hà Giang, nhiều khách du lịch từ Mỹ, Anh, Đức đều có bằng lái xe máy ở Việt Nam và họ thường xuyên đi “phượt” ở miền Bắc Việt Nam. Điều căn bản nhất đối với các hành trình “phượt” này là có sự giúp đỡ và hỗ trợ của người dân địa phương.

3- An toàn

Trong 42 nghìn chủ đề về Việt Nam cũng có một vài chủ đề nhắc đến việc đề phòng mất cắp, mất trộm, hoặc tệ hơn là bị chấn lột. Về cơ bản đây là những kinh nghiệm mang tính phòng xa chứ chưa có nạn nhân thực sự lên “tố khổ” ở các diễn đàn. Tuy vậy, cũng cần nghiêm túc thừa nhận rằng nạn chặt chém, móc túi khiến người nước ngoài rất sợ. Họ chỉ dẫn nhau cách may túi nhỏ và dây đeo chắc chắn cho những tài sản quý như ví, máy ảnh, điện thoại… Và chính những người nước ngoài cũng đưa ra lời khuyên rằng: Đừng quá lo lắng, Việt Nam là đất nước rất an toàn theo trải nghiệm của họ.

Có thể nói rằng, khi có được những thông tin này, chúng tôi cảm thấy rất vui và cuối cùng là có thêm nhiều tự tin vào du lịch của nước nhà. Chúng tôi cũng mong muốn nhiều đơn vị làm du lịch nên quan tâm hơn tới những trang web như “người mách đường” để nắm bắt suy nghĩ, nhu cầu của du khách nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thực tế của bạn.

Theo QĐND - LC

Tin mới