Năm 2015 đưa hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hoá

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2013 - 2020).
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Hát Xoan. Từng bước bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.  
 Hát Xoan Phú Thọ. Ảnh: Thế Dương
Hát Xoan Phú Thọ. Ảnh: Thế Dương

Mục tiêu cụ thể của Đề án, phấn đấu đến năm 2015 đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; đến năm 2015 đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan gốc kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay trong việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng; tỷ lệ người biết Hát Xoan là thanh, thiếu, nhi (những người dưới 30 tuổi) ở các phường Xoan gốc đến năm 2015 đạt 40%; đến năm 2020 đạt tỷ lệ là 70%.

Từ năm 2015 - 2020, tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi cho 5 di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, khôi phục các lễ hội, tục lệ Hát Xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi cho các di tích còn lại tại các phường Xoan gốc, hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ Hát Xoan truyền thống tại các di tích có Hát Xoan lan tỏa. Đồng thời, 100% người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đề ra nhiệm vụ phục hồi, bảo tồn, truyền dạy và thực hành; sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa và số hoá; quảng bá, phổ biến, tôn vinh di sản; giáo dục Hát Xoan trong trường học; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của Hát Xoan Phú Thọ và năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng Hát Xoan; tu bổ các di tích, phục hồi không gian diễn xướng Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá tỉnh Phú Thọ; phát huy giá trị của Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ thông qua hoạt động trình diễn tại các phường Hát Xoan, các di tích Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tăng cường đưa Hát Xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể.../.
Theo (ĐCSVN) - HL

Tin mới