Trưng bày kỷ vật của Mẹ Việt Nam Anh hùng

 Mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện gắn liền với sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của Mẹ Việt Nam Anh hùng trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
39 hiện vật về Mẹ Việt Nam Anh hùng và phụ nữ huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) có nhiều đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sẽ được trưng bày, giới thiệu lần đầu với công chúng nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2014).
Mỗi một hiện vật ở đây đều gắn với mỗi câu chuyện cảm động, được các mẹ và người thân gìn giữ cẩn thận trước khi hiến tặng cho bảo tàng.
Bộ đĩa của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thời (thôn Cẩm Văn Tây, Điện Hồng).
Bộ đĩa của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thời (thôn Cẩm Văn Tây, Điện Hồng).
Chẳng hạn, “Hũ gạo nuôi quân” của mẹ Phạm Thị Vân (thôn 7A, xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn) dùng đựng gạo tiếp tế bộ đội. Năm 1968, khi giặc càn, người dân bỏ nhà di tản, mẹ Phạm Thị Vân vẫn cương quyết mang theo hũ gạo, tiếp tục nuôi quân, tham gia kháng chiến tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn cho đến ngày thống nhất.
Hay chiếc dầm ghe của mẹ Nguyễn Thị Nhiểu (khối 3, thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn) và của mẹ Nguyễn Thị Kiệu (thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng) dùng để đưa đón cán bộ sang sông trong kháng chiến chống Mỹ.
Chiếc Radio cũ kỹ của mẹ Phạm Thị Láng (thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn) được mẹ mua cho 3 con của mình là Đỗ Thế Việt, Đỗ Thị Hiền và Đỗ Ngọc Nam (cả 3 đều là liệt sĩ) dùng nghe tin tức và gia đình nắm thông tin để cảnh giới địch trong kháng chiến chống Mỹ, đến nay vẫn được gia đình trân trọng cất giữ trên bàn thờ các anh/chị như báu vật.
Đặc biệt, trong số các hiện vật sưu tầm có hũ ngoáy trầu từng được mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng Trung) sử dụng trong thời gian ngồi cảnh giới địch cho cán bộ hoạt động bí mật. Mẹ Nguyễn Thị Thứ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu của cả nước vì có đến 9 con trai, 1 con rể và 1 cháu ngoại hy sinh.  
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT Điện Bàn, chia sẻ: Mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện gắn liền với sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Việc tổ chức thực hiện sưu tầm, trưng bày, giới thiệu hiện vật góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ cũng như du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về phẩm chất người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng đất Điện Bàn có 1.611 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Theo Chinhphu.vn

Tin mới