Hấp dẫn hát ví phường vải ở Nam Đàn

(Baonghean) - Nam Đàn, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa; vừa mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ, vừa có những nét đặc sắc riêng. Nơi đây là nguồn cội nuôi dưỡng tinh thần, trí tuệ, tài năng, cốt cách Hồ Chí Minh vĩ đại và nhiều nhân kiệt như Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Lê Hồng Sơn.... Vốn có rất riêng này luôn được cán bộ và người dân quê Bác tự hào,  trăn trở giữ gìn, phát huy.

Cội nguồn của dân ca ví dặm

Câu lạc bộ phường vải Kim Liên - Nam Đàn.
Câu lạc bộ phường vải Kim Liên - Nam Đàn.
Huyện Nam Đàn trong lịch sử Việt Nam là vùng đất “Trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”. Dòng sông Lam, núi Đại Huệ, trảng lúa, thửa rau, lũy tre xanh, hồ sen và những con đường vốn đã thân thuộc bao đời; nhưng mỗi khi nhắc đến, dường như trong lòng mỗi người dân quê Bác vẫn cứ trào dâng cảm xúc náo nức, tự hào. Tất cả đã đi vào lời ru điệu ví tạo nên sức hút lạ kỳ của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử này. Riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hàng chục năm buôn ba việc nước, bất chợt nghe người mẹ Việt kiều ru con trên đất khách Thái Lan, nỗi nhớ quê hương lại đánh thức da diết lòng Người: “Xa nhà chốc mấy mươi niên/Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”; quê hương đối với Người là “nghĩa nặng, tình cao”, là niềm đau đáu suốt cuộc đời của Người. Bởi thế trước lúc đi xa Người  "vẫn muốn nghe một câu hò Nghệ Tĩnh".... Có thể nói, hát ví phường vải đã trở thành “máu thịt”, là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Nam Đàn. 
Từ xa xưa, bên đôi bờ Lam Giang, với những bãi bồi phù sa trù phú mượt mà nương dâu, người dân Nam Đàn chăm chỉ chăn tằm dệt vải. Họ truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, gửi cho nhau những tình cảm mộc mạc, giản dị, chân tình. Câu hò, điệu ví đã được chọn làm phương tiện chủ yếu để chuyển tải những cung bậc tình cảm đó và là nguồn cổ vũ tinh thần không thể thiếu mỗi khi làm việc hay vui chơi. Họ trò chuyện với nhau bằng lời thơ; thăm hỏi nhau bằng điệu ví và nhất là những lúc hái dâu trên nương, chăm tằm trong vựa, quay sợi cùng xe tơ, xe sót và dệt vải bên khung... cũng luôn có lời ca song hành. Hát ví phường vải được gọi tên từ đó. Loại hình dân gian này đã được coi là "nôi", được mệnh danh là “thổ” đặc sản trong kho tàng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.
Điều đáng nói là hát ví phường vải ở Nam Đàn không chỉ là sản phẩm văn hóa được sản sinh trong lao động sản xuất của nhân dân lao động mà nó còn được hoàn quyện giữa hai xu hướng dân gian hóa và bác học hóa, trở thành phương tiện tập hợp đồng chí, cỗ vũ tinh thần yêu nước trong nhân dân của nhiều anh học, anh nho, anh đồ, anh tú, anh cử... Người tiêu biểu nhất là cụ Phan Bội Châu, vừa hát hay, vừa đặt câu hát tài, lại đưa tinh thần dân tộc vào nội dung câu hát một cách khéo léo. “Phan Bội Châu xứng đáng về mọi phương diện là một nghệ nhân ưu tú trong đám sĩ phu yêu nước đi chơi hát phường vải” - (cuốn sách “Nam Đàn – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Câu lạc bộ Phường vải Kim Liên - Nam Đàn mang đến những điệu ví dặm cổ say đắm lòng người.
Câu lạc bộ Phường vải Kim Liên - Nam Đàn mang đến những điệu ví dặm cổ say đắm lòng người.
Cụ Trần Văn Tư, thôn Trù I, xã Kim Liên, năm nay đã 88 tuổi, mặc dù sức khỏe "cũng giống như thời tiết" ngày nắng, ngày mưa nhưng với hát ví phường vải, ông luôn tràn đầy nhiệt huyết, tâm đắc. Cùng xóm cụ Tư còn có cụ Vương Thị Nhuân (88 tuổi), các thôn kế bên có các cụ Hoàng Thị Út (90 tuổi) và Nguyễn Thị Tam (92 tuổi) đều đã ở tuổi "lúc nhớ, lúc quên" nhưng các làn điệu dân ca vẫn vẹn nguyên trong tâm trí các cụ. Cụ Trần Văn Tư, chia sẻ: “Khi mới 6 – 7 tuổi, tui (tôi) đã theo các O, các chú đi nghe hát. Ngày nớ, phường vải ở đất ni nổi tiếng lắm vì có nhiều người ví hay. Túi (đêm) mô cũng hát, trai thì khăn đóng áo dài, nữ thì yếm đào tứ thân, cứ như thế những làn điệu ngấm vào người và trở thành niềm đam mê theo suốt cuộc đời tui cho đến bây giờ”.
Và chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt của cụ Tư khi nói đến câu lạc bộ hát ví phường vải Kim Liên hiện tại. Ngoài quy tụ được các nghệ nhân có danh, trở thành nghệ sỹ dân gian như cụ Tư, cụ Hoàng Thị Út, Nguyễn Thị Tam, Vương Thị Nhuân..., câu lạc bộ còn có nhiều người hát ở tuổi 45, 30 thể hiện sự tiếp nối và sức sống trường tồn của hát ví dặm trong dòng chảy không ngừng của sự phát triển xã hội.
Nỗ lực giữ gìn và phát triển 
Một ngày cận kề năm mới Bính Thân 2016, về Kim Liên, chúng tôi được cảm nhận một không gian văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc Nam Đàn. Tôi và nhiều du khách được trải nghiệm mùi hương ký ức với bao nhiêu trầm tích theo dòng chảy thời gian trôi vào hiện tại thông qua những hoạt cảnh, những lời ca sâu lắng do các nghệ nhân trong CLB hát ví phường vải Kim Liên thể hiện.
Những câu hát, điệu ví “Ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục/thì biết sống cuộc đời răng là nhục, là vinh. Đò em lên thác xuống ghềnh/nước non là nghĩa, là tình ai ơi!”; những lời ru con của người mẹ hiền: “Con ơi mẹ dặn câu này/chăm lo đèn sách cho tày áo cơm. Làm người đói sạch rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền”... đã được cất lên và thấm sâu vào xúc cảm mỗi người. 
Ông Phan Văn Tính – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Nam Đàn, cho biết: Bắt đầu từ tháng 9/2015, Nam Đàn triển khai trình diễn dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh – di sản văn hóa phi thể của nhân loại tại Khu di tích Kim Liên vào 2 ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần để phục vụ du khách. Hoạt động này là sự tiếp nối nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy, quảng bá nét văn hóa đặc sắc xứ Nghệ nói chung và Nam Đàn nói riêng”.
Ông Tính cũng cho biết thêm, để bảo tồn, phát huy dân ca ví dặm, những năm qua, Nam Đàn kiên trì tập trung chỉ đạo thực hiện "Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hát ví phường vải” gắn với "Đề án đưa dân ca vào trường học”. Trong các cuộc thi, liên hoan văn nghệ, điển hình Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và Liên hoan Dân ca ví dặm được tổ chức từ cấp xã đến cấp huyện, yêu cầu đặt ra là phải có 50 – 70% tiết mục dân ca ví dặm trong tổng thể chương trình. Toàn huyện cũng đã thành lập được 8 CLB hát dân ca ví dặm hoạt động thường xuyên, hiệu quả. 
Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, khẳng định: Nam Đàn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, vừa mang đặc tính chung của nền văn hóa dân tộc, vừa nổi bật sắc thái riêng của xứ Nghệ, của Nam Đàn, trong đó có Hát ví phường vải. Hát ví phường vải cũng như Dân ca ví dặm là tài sản vô giá, là nguồn nuôi dưỡng tinh thần, là cơ sở văn hóa, là trí tuệ và tài năng của con người Nam Đàn. 
“Không phải ngẫu nhiên Nam Đàn được chọn để xây dựng Huyện điểm Văn hóa và là 1 trong 5 huyện điểm xây dựng Nông thôn mới trong cả nước, tất cả đều xuất phát từ truyền thống và vị thế của Nam Đàn. Nam Đàn trong lòng người dân cả nước và bạn bè trên thế giới rất đỗi thiêng liêng, mỗi con người trên quê Bác càng thấy rõ trách nhiệm để làm cho quê Bác thực sự mạnh về văn hóa, tạo nên hình ảnh đẹp và sự hấp dẫn riêng trong lòng du khách”, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nam Đàn Thái Thanh Quý, nhấn mạnh.
Mai Hoa

Tin mới