Xã thu tiền máy gặt lúa ở Yên Thành: Có hay không việc 'bảo kê' ?

(Baonghean.vn) - Tình trạng cò, bảo kê máy gặt lúa diễn ra âm thầm nhưng hết sức phức tạp trên địa bàn huyện Yên Thành trong thời gian qua. Để ngăn chặn tình trạng này, hiện các xã có những cách làm khác nhau, trong đó có Bắc Thành.

Chuyện ở Bắc Thành

Trong những ngày qua, thông tin xã Bắc Thành (Yên Thành) thu 2 triệu đồng/máy gặt lúa và yêu cầu các chủ máy ký cam kết để được hoạt động gây ra dư luận xấu trong nhân dân. 

Là một trong những người có gọi máy về, ông Nguyễn Duy Bằng - xóm trưởng xóm 3 cho biết: Để được gặt lúa cho người dân thì ông phải ký vào một bản cam kết và nộp 2 triệu đồng gọi là lệ phí đồng ruộng cho Ban công an xã. 

Theo ông Bằng, những ai muốn đưa máy gặt vào gặt lúa cho dân thì phải cam kết thu hoạch lúa cho dân đúng giá cả. Cụ thể, đồng cao không quá 160 ngàn đồng/sào; đối với các vùng rộc, sâu do thỏa thuận nhưng không quá 180 ngàn đồng/sào, tránh tình trạng khoanh vùng, bảo kê.

Để được hoạt động, các chủ máy gặt phải ký cam kết và nộp 2 triệu đồng cho UBND xã Bắc Thành.
Để được hoạt động, các chủ máy gặt phải ký cam kết và nộp 2 triệu đồng cho UBND xã Bắc Thành.

“Những năm trước, tình trạng các đối tượng xấu đến địa bàn bảo kê máy gặt lúa khiến người dân rất bức xúc. Máy nào muốn được gặt lúa thì phải nộp tiền cho chúng và phải gặt theo yêu cầu của chúng. Người dân muốn thuê máy phải chực chờ nhiều ngày. Công an xã đứng ra đảm bảo ANTT đã ngăn chặn được nạn bảo kê và tạo thuận lợi cho nhân dân cũng như những chủ máy ở các địa phương khác đến hoạt động”, ông Bằng cho biết.

Vì sao Ban công an xã lại đứng ra yêu cầu các chủ máy hoặc người gọi máy về phải ký cam kết và thu 2 triệu đồng/máy ?. Ông Trần Danh Lượng – Chủ tịch UBND xã Bắc Thành cho biết: Mục đích yêu cầu người thuê máy, chủ máy phải ký cam kết là nhằm đảm bảo ANTT trong việc thu hoạch lúa, ngăn chặn các hành vi đe dọa, phá hoại tài sản của các đối tượng xấu. Khi có sự việc xảy ra, lực lượng công an sẽ ra giải quyết, tránh việc tranh giành, ẩu đả lẫn nhau.

“Sau khi có ý kiến, xã rà soát lại và thấy rằng việc giao cho công an xã thu tiền của những người thuê máy, chủ máy gặt là chưa đúng. Xã đã thông báo và tiến hành trả lại tiền cho những người ký cam kết", ông Lượng cho biết.

Người dân xã Bắc Thành được hưởng lợi nhiều sau khi xã có biện pháp ngăn chặn vấn nạn bảo kê máy gặt lúa.
Người dân xã Bắc Thành được hưởng lợi nhiều sau khi xã có biện pháp ngăn chặn vấn nạn bảo kê máy gặt lúa.

Khi biết có phóng viên về tìm hiểu, ông Lê Xuân Bính – xóm trưởng xóm 6 cho biết: Trong vụ Đông Xuân, do nạn bảo kê nên người dân phải trả 180-240 ngàn/sào. Nhưng trong vụ Hè thu 2016 thì xã thống nhất mức giá 160-180 ngàn/ sào. Thời gian gặt lúa nhanh, tránh việc ảnh hưởng thời tiết nên người dân lợi biết bao nhiêu. Vì thế, nói công an xã “bảo kê” cho máy gặt là không đúng. Theo tôi, cái chi có lợi cho dân thì nên làm, không nên nhìn vào hiện tượng để đánh đồng bản chất vấn đề. 

Ngày 6/9,  UBND huyện Yên Thành ban hành công văn số 857/UBND –VP về việc xử lý thông tin báo nêu. Chủ tịch UBND huyện Yên Thành yêu cầu trả lại toàn bộ kinh phí đã thu và trực tiếp xin lỗi các chủ máy gặt và nghiêm túc kiểm điểm những cán bộ, thành phần liên quan. Đồng thời đảm bảo ANTT, không để hiện tượng “cò máy gặt”, “bảo kê máy gặt” làm ảnh hưởng đến thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các máy gặt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nhức nhối nạn bảo kê máy gặt

Thực tế,  tình trạng các đối tượng xấu làm cò, bảo kê máy gặt lúa xảy ra trên nhiều địa phương ở huyện Yên Thành trong nhiều năm qua. Tình trạng này diễn ra ngang nhiên, thách thức các cơ quan chức năng và gây khó khăn cho người nông dân vào mỗi dịp thu hoạch lúa.

Ông Nguyễn Hữu Bằng – Trưởng Công an xã Bắc Thành cho biết: Từ vụ Đông Xuân 2016, tình trạng bảo kê máy gặt lúa trên địa bàn xã hết sức phức tạp. Các đối tượng xấu thao túng, điều khiển giá cả, khoanh đồng gây tâm lý bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Bằng - Trưởng Công an xã Bắc Thành cho biết, các đối tượng xấu sẵn sàng  rải thép dưới ruộng để phá máy nếu bị ngăn cản.
Ông Nguyễn Đức Bằng - Trưởng Công an xã Bắc Thành cho biết, các đối tượng xấu sẵn sàng rải thép dưới ruộng để phá máy nếu bị ngăn cản.

“Như vào ngày 31/8, máy gặt do anh Nguyễn Văn Hương ở xóm Bắc Sơn gọi về đang chuẩn bị gặt cho người dân thì có 2 đối tượng đến hăm dọa, yêu cầu phải nộp cho chúng 20 ngàn/sào mới cho hoạt động. Khi nắm được sự việc, Ban công an xã triển khai lực lượng và bắt giữ được 1 đối tượng và bàn giao công an huyện Yên Thành xử lý”.

Tại xã Hoa Thành, vấn nạn bảo kê máy gặt lúa cũng từng diễn ra khiến người dân lo lắng. Bước vào vụ Hè thu 2016, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Hoa Thành ký hợp đồng đối với những người gọi máy và chủ máy về việc đưa máy gặt vào hoạt động trên địa bàn. Theo hợp đồng, mỗi máy gặt muốn hoạt động phải nộp cho HTX 1,5 triệu đồng gọi là chi phí quản lý đồng ruộng và 5 triệu đồng tiền đặt cọc.

Ông Nguyễn Xuân Triều – Giám đốc HTX cho biết: Số tiền 1,5 triệu đồng được đưa vào quỹ chung và sau này sử dụng để nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh mương. Còn khoản tiền 5 triệu là để những người gọi máy và chủ máy phải thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng về giá cả, đảm bảo cung cấp máy đủ công suất, phải thu hoạch hết số diện tích quy định, thời gian thu hoạch... Nếu không có vi phạm thì sau khi kết thúc hợp đồng, HTX sẽ trả lại số tiền này. Còn nếu vi phạm thì không được trả lại tiền đặc cọc.  

Được biết, việc HTX dịch vụ tổng hợp Hoa Thành ký hợp đồng với những người gọi máy về, chủ máy đã thực hiện từ vụ Đông Xuân 2016. Sau khi triển khai, người dân trên địa bàn xã rất đồng tình vì việc ký hợp đồng tạo nhiều thuận lợi trong việc thu hoạch lúa cũng như ngăn chặn được việc nâng giá vô tội vạ diễn ra lâu nay. Không chỉ người dân được hưởng lợi mà chính những người gọi máy về cũng đồng tình với cách làm này.

Ông Nguyễn Văn Tân, xóm Tân Quang (Hoa Thành) có gọi 2 máy từ Thái Bình về gặt lúa trên địa bàn xã. Để được hoạt động, ông Tân đã nộp cho HTX 3 triệu đồng tiền phí và đặt cọc 10 triệu đồng. “Khi mình làm hợp đồng và nộp tiền thì xã sẽ đảm bảo cho các máy hoạt động đúng, ngăn chặn được tình trạng tranh giành lẫn nhau. Hơn nữa, xóm trưởng sẽ cung cấp diện tích theo bản đồ và thông báo cho người dân trong xóm để thỏa thuận gặt lúa”, anh Tân cho biết.

Tại xã Hoa Thành, HTX sẽ ký hợp đồng và thu 1,5 triệu tiền phí và 5 triệu tiền đặt cọc khi hoạt động trên địa bàn.
Tại xã Hoa Thành, HTX sẽ ký hợp đồng và thu 1,5 triệu tiền phí và 5 triệu tiền đặt cọc khi hoạt động trên địa bàn.

Trở lại vấn đề ở xã Bắc Thành, phải khẳng định, việc UBND xã yêu cầu các chủ máy gặt ký cam kết, nộp 2 triệu đồng mới được hoạt động là sai. Mặc dù mục đích của xã là nhằm đảm bảo ANTT, ngăn chặn tình trạng bảo kê, ổn định mức giá gặt lúa song do cách làm chưa đúng quy định nên gây dư luận xấu.

Còn ở xã Hoa Thành, việc giao cho HTX đứng ra liên kết, ký kết hợp đồng dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất của người dân là hướng đi đúng và cần tiếp tục nghiên cứu để thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, việc xã không cho các máy gặt chưa đăng ký với xã vào gặt lúa cho người dân là chưa đúng quy định.

Trăn trở về vấn đề này, ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng, việc tìm ra giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn bảo kê máy gặt lúa là rất quan trọng và hết sức cấp bách. Đối với sự việc xảy ra ở xã Bắc Thành là sai và ảnh hưởng đến hình ảnh của chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra biện pháp tối ưu nhất vừa đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân được thuận lợi nhưng đồng thời xóa bỏ nạn cò máy gặt hay bảo kê máy gặt trên địa bàn.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới