Xăng dầu giảm sâu, vì sao doanh nghiệp vận tải Nghệ An chưa giảm cước phí?

(Baonghean.vn) - Cả tháng nay, giá xăng dầu đã giảm gần 1 nửa so với trước. Thế nhưng, đến nay giá cước vận tải và giá vé tàu, xe vẫn chưa được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm tương ứng. Đâu là nguyên nhân?

Giá cước vẫn neo cao dù xăng dầu giảm mạnh

Khảo sát tại các tuyến xe buýt và xe giường nằm của một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong ngày 9/5 cho thấy, cơ bản giá cước và giá vé vẫn chưa có sự điều chỉnh giảm tương ứng với giá xăng dầu trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19.

Khách đi tuyến Vinh Hoàng Mai của Công ty Đông Bắc. Theo hành khách, dù giá xăng dầu giảm sâu nhưng giá vé tháng và vé hàng ngày chưa điều chỉnh là vô lý và chưa công bằng. Ảnh:. N.H
Giá xăng dầu đã giảm sâu nhưng giá vé xe buýt trên các tuyến nội tỉnh chưa điều chỉnh giảm giá. Ảnh: N.H

Cụ thể, các tuyến xe buýt từ Vinh đi các huyện, hành khách vẫn phải trả theo giá niêm yết giá vé cách đây hơn 2 tháng. Đơn cử tuyến Vinh - Giát vẫn 40.000 đồng/lượt và nếu mua vé tháng vẫn là 600.000 đồng/tháng. Trao đổi với chúng tôi, đại diện các đơn vị xe buýt cũng xác nhận điều này.

Cùng chung tình trạng, giá vé xe khách giường nằm đường dài từ Vinh đi các tuyến vẫn không giảm. Cụ thể, tuyến Vinh đi Hà Nội từ 250.000 đồng/lượt; các huyện đi Hà Nội từ 130.000 - 170.000 đồng/lượt; loại xe khách cao cấp Vinh - Hà Nội giá vé từ 260.000 - 360.000 đồng/khách/lượt (tùy theo vị trí). Ngoài ra, thời điểm từ ngày 23/4 đến ngày 29/4, sau khi Chính phủ nới lỏng, cho phép một số tuyến vận tải công cộng được hoạt động, nếu hành khách đi ô tô hay máy bay Vinh - TP. Hồ Chí Minh, nếu không đặt vé trước và mua vé sát càng gần thời điểm xuất hành thì mức giá cước thậm chí cao gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. 

Từ ngày 23.4, hành khách đi chuyến bay nội địa nếu mua vé gấp, gần thời điểm bay có giá vé cao gấp nhiều lần so với đặt trước. Ảnh: N.H
Từ ngày 23/4 đến 29/4, hành khách đi chuyến bay nội địa nếu mua vé gấp, gần thời điểm bay có giá vé cao gấp nhiều lần so với đặt trước. Trong ảnh: Hành khách thực hiện giãn cách khi làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Vinh. Ảnh: N.H

Bên cạnh vận tải hành khách, thì mảng vận tải hàng hóa cũng chưa điều chỉnh giảm giá. Ông Toàn, một doanh nghiệp vận tải tại TP. Vinh cho hay: Là đơn vị chuyên nhận thầu thi công san lấp mặt bằng cho KCN, giá xăng dầu giảm mạnh cũng muốn tranh thủ tăng chuyến, tăng khối lượng, nhưng do thực hiện theo hợp đồng đã ký từ trước nên không giảm giá cước và cũng không thể tăng chuyến. Theo ông Toàn, nếu nhận san lấp nhỏ lẻ tự do bên ngoài thì có thể giảm cước phí cho người thuê nhưng giai đoạn này khó khăn, khó thu nợ.  

Cùng quan điểm trên, anh Bảo, một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại đường Phan Bội Châu, phường Quán Bàu (TP. Vinh) cho hay: Giá xăng dầu giảm là cơ hội để giảm cước phí vận tải chuyên chở hàng hóa, vật liệu cho khách hàng. Tuy nhiên, do phần lớn hàng đều nhập và vận chuyển về thời điểm giá xăng dầu đang cao, kinh phí thuê mặt bằng thường phải trả trước đã hạch toán vào giá thành. Khi dịch Covid-19 xảy ra, lượng hàng nhập về chưa bán được nên cũng chưa thể giảm cước theo giá xăng dầu được. 

Một số xe tải giường nằm Vinh - đi các tỉnh cũng phải giảm chuyến do dịch bệnh, hành khách đi lại ít. Ảnh: Nguyễn Hải
Một số xe tải giường nằm từ Vinh đi các tỉnh cũng phải giảm chuyến, nằm lại bến do dịch bệnh, hành khách đi lại ít. Ảnh: Nguyễn Hải

Chia sẻ khó khăn nhưng giá cước sẽ phải giảm

Trước thực tế trên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Giá xăng dầu đã giảm từ 20.000 - 21.000 đồng/lít, giá dầu từ 16.000 - 18.000 đồng/lít, về mức từ 11.000 - 12.000 đồng/lít đối với xăng và 10.000 đồng/lít đối với dầu, đồng nghĩa với chi phí đầu vào chủ yếu của doanh nghiệp vận tải đã giảm đáng kể. Từ sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ từng phần và toàn bộ, Sở Giao thông Vận tải đã có 2 văn bản chỉ đạo, trong đó có đề nghị doanh nghiệp vận tải xem xét lại giá cước mới theo đà giảm của giá xăng dầu.

Giá xăng đã giảm nhưng do chỉ mới đạt từ 30-60% công suất nên giá cước không thể giảm và để bù lỗ thậm chí các doanh nghiệp còn tính phương án đề nghị tăng giá vé. Ảnh: N.H
Giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng do chỉ mới đạt từ 30 - 60% công suất nên giá cước không thể giảm. Ảnh: N.H

Tuy nhiên, trên thực tế, do hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là mảng dịch vụ bị ảnh hưởng nặng, hoạt động dịch vụ nói chung và vận tải nói riêng đang thời kỳ khó khăn, một số doanh nghiệp thậm chí bị lỗ nặng nên chưa thể điều chỉnh giá ngay được. Mặc dù được phép hoạt động 50% công suất từ ngày 29/4 và 100% công suất từ ngày 3/5, nhưng do lượng khách quá ít, các doanh nghiệp vận tải chưa hoạt động hết công suất đầu xe và số ghế.  

Hành khách đón xe bus trên đường Mai Hắc Đế. Ảnh: Quang An
Hành khách đón xe buýt trên đường Mai Hắc Đế (TP. Vinh). Ảnh: Quang An

Vài năm lại đây, vận tải xe buýt công cộng chịu cạnh tranh gay gắt từ phương tiện công cộng khác nên lượng khách đã giảm mạnh. Kể từ khi có dịch và sau dịch Covid-19, dù lệnh cách ly được dỡ bỏ nhưng lượng khách đi lại vẫn rất ít. Để bù đắp chi phí và tồn tại, thay vì tăng giá vé, một số đơn vị phải chủ động giảm tần suất chuyến và trước mắt chưa tính đến chuyện điều chỉnh giảm giá cước.

Đại diện Hiệp hội vận tải xe buýt Nghệ An 

Doanh nghiệp vận tải hàng hóa và san lấp vẫn chưa giảm cước vận tải so với mức giảm giá xăng dầu. Trong ảnh: Xe vận tải đất san lấp mặt bằng tại Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Hải
Doanh nghiệp vận tải hàng hóa và san lấp vẫn chưa giảm cước vận tải so với mức giảm giá xăng dầu. Trong ảnh: Xe vận tải đất san lấp mặt bằng tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Hải

Dù biết, vì dịch bệnh nên hiện doanh nghiệp dịch vụ vận tải đang gặp nhiều khó khăn, nhưng để đảm bảo quyền lợi cho hành khách và góp phần giảm chỉ số giá, các doanh nghiệp nên tính toán để giảm giá cước. Nếu không sắp tới Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đề nghị Hiệp hội xe buýt và các doanh nghiệp vận tải tính toán để giảm giá cước cho phù hợp. Thông tin ban đầu cũng cho biết, đã có một số các doanh nghiệp tính toán biểu giá cước mới để đăng ký với Sở Giao thông Vận tải.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải  

Theo chúng tôi, các doanh nghiệp vận tải đang khó khăn nhưng cũng là khó khăn chung của xã hội bởi đại dịch Covid-19. Vì thế, để đảm bảo công bằng khi giá xăng dầu đã giảm sâu, các doanh nghiệp và hiệp hội vận tải cần tính toán để đưa ra mức cước mới cho phù hợp với giá xăng dầu hiện tại và góp phần vào lợi ích chung./.

Tin mới