Xăng dầu thế giới tăng; cổ phiếu ngành thép tăng mạnh; các nông sản chủ lực giá tăng, giảm không đáng kể

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Các nguyên liệu công nghiệp, xây dựng như xăng dầu, gas duy trì đà tăng nhẹ do biến động của thị trường thế giới. Trong khi đó, trong nước các loại nông sản chủ lực như gạo, hồ tiêu, cà phê có xu hướng giảm giá nhẹ.

Xăng, dầu thế giới tăng nhờ cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Giá dầu thế giới vào sáng 8/6 (theo giờ Việt Nam) như sau: Giá dầu thô WTI tăng 0,42 USD, lên mức 72,64 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 0,84 USD, lên mức 77,39 USD/thùng.

Giá dầu tăng cao hơn khi cuối tuần, Ả Rập Xê Út đưa ra cam kết cắt giảm sản lượng sâu hơn, vượt xa dữ liệu xuất khẩu yếu của Trung Quốc và tin về dự trữ nhiên liệu tăng của Mỹ.

Cả hai chuẩn đã tăng hơn 1 USD vào phiên đầu tuần sau quyết định của Ả Rập Xê Út về giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày (bpd) xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Việc cắt giảm sản lượng của nhóm được gọi là OPEC+ sẽ làm giảm nhẹ tồn kho dầu toàn cầu trong mỗi quý tới và tăng giá dầu toàn cầu vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, cơ quan này dự đoán trong Triển vọng năng lượng ngắn hạn.

Stephen Brennock của PVM Oil cho biết: “Khi mọi thứ ổn định, thị trường dầu đang trên đỉnh của sự thiếu hụt lớn”, “Việc cắt giảm bổ sung dự kiến sẽ làm thâm hụt thị trường sâu hơn lên hơn 3 triệu thùng/ngày trong tháng 7”.

Giá giảm trước đó trong phiên do dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 5 và nhập khẩu giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn, do các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhu cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước vẫn trì trệ.

Cổ phiếu ngành thép tăng nóng, có mã tăng 170% giá trị

Cùng với việc hạ giá phiên thứ 8 liên tiếp của giá thép trong nước, cổ phiếu ngành thép ghi nhận đã tăng mạnh trong hơn 1 tháng qua.

Cụ thể, kết phiên sáng 7/6, 1.560 tỷ đồng đã được giao dịch ở nhóm cổ phiếu tài nguyên; các mã như HPG (Tập đoàn Hòa Phát), HSG (Tập đoàn Hoa Sen) đều tăng trên 3% cùng thanh khoản lần lượt 39 và 21 triệu cổ phiếu (đứng Top 3 thanh khoản sàn HOSE). 2 mã VGS (thép Việt Đức) và POM (thép Pomina) được kéo lên mức giá trần; NKG, TVN, TLH tăng 2,4%, 6,5% và 3,8%.

Dù không phải tâm điểm thị trường chứng khoán trong hơn 1 tháng qua song nhiều cổ phiếu thép vừa và nhỏ đã âm thầm tăng giá từ 20 - 40% trong đó, VGS tăng 41,6% lên mức 17.700 đồng/cp, POM tăng 42,2% lên mức 6.600 đồng, TVN tăng 29,4%, TLH tăng 29,1%. Các mã lớn tăng chậm hơn như NKG tăng 15,5%, HSG tăng 7%, HPG tăng 4,2%.

Giá thép giảm, cổ phiếu ngành thép tăng mạnh.

Giá thép giảm, cổ phiếu ngành thép tăng mạnh.

Hồ tiêu tiếp tục đà giảm 500 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm

Ngày 8/6 tại thị trường trong nước, giá tiêu tiếp tục điều chỉnh giảm 500 đồng/kg. Hiện giá tiêu tại các vùng trọng điểm dao động quanh mốc 70.000 – 73.000 đồng/kg.

Theo đó, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay dao động quanh mức 70.000 – 71.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) ngày 8/6 đang được thương lái thu mua ở mức 70.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu duy trì quanh mức 71.500 đồng//kg, giảm 500 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay cũng điều chỉnh giảm 500 đồng/kg. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, giá tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 73.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tại Bình Phước giá tiêu ở mức 72.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg; Đồng Nai 71.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục xu hướng giảm. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần này. Sau 3 phiên điều chỉnh, giá tiêu trong nước đã mất 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Thời gian qua, thị trường hồ tiêu nội địa có những diễn biến tích cực khi liên tục tăng từ 66.000 đồng/kg lên mức 76.000 đồng/kg vào cuối tháng 5, và giảm nhẹ trở lại trong đầu tháng 6/2023.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết mức giá tăng với tiêu Indonesia. Theo đó, giá tiêu đen Lampung tại Indonesia tăng nhẹ 0,34%, lên mức 3.775 USD/tấn. Trong khi giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này tăng thêm 0,34%, ở mức 6.234 USD/tấn.

Với các quốc gia còn lại, giá tiêu đi ngang. Cụ thể, giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này vẫn có giá 7.300 USD/tấn.

Hồ tiêu tiếp tục xu hướng giảm.

Hồ tiêu tiếp tục xu hướng giảm.

Cà phê tăng nhẹ 100 đồng/kg

Thị trường cà phê trong nước hôm nay (8/6) tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên tăng nhẹ 100 đồng/kg, hiện gần cán mốc 62.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng, ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá từ 61.200 – 61.300 đồng/kg.

Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 61.600 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao 61.900 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk, ở huyện Cư M'gar hiện ở mức 61.700 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 61.800 đồng/kg.

Đối với giá cà phê thế giới, giá cà phê trên 2 sàn tiếp tục ở xu hướng trái chiều.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 7 USD, lên 2.614 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 9 USD, lên 2.583 USD/ tấn, các mức tăng nhẹ.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,50 cent, xuống 182,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 0,65 cent, còn 179,55 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao.

Tin mới