hững ngày đầu năm, khi mùi thơm gạo mới dậy lên ấm no xóa tan nỗi thấp thỏm về cái đói giáp hạt, khi cây đào rừng trên núi đang thì kết trái, thì người Thái cũng rộn ràng chuẩn bị cho một mùa lễ hội. Đặc biệt, đây cũng là dịp để thầy mo chuẩn bị cho lễ hội Xăng Khan như một phần thiêng liêng trong văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Thái. Nơi nói lên tập tục, sinh hoạt và cả những ước mơ khát vọng của bản mường.

ừ xa xưa người Thái đã tổ chức lễ hội Xăng Khan – một lễ hội với nhiều ý nghĩa mang đậm tín ngưỡng văn hóa của tộc người chiếm đại đa số ở miền Tây xứ Nghệ.

Ông Lương Bá Viễn – một người con của dân tộc Thái – hiện đang là Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nói:

Xăng Khan, hay còn gọi là Chá, hoặc Kin Chá là lễ hội độc đáo và đặc trưng của người Thái, thường được tổ chức vào dịp cuối năm, lúc mùa màng đã thu hoạch xong, bà con nông nhàn hoặc vào dịp đầu năm mới, mùa xuân ngày rộng tháng dài. Người đứng ra làm chủ và tổ chức lễ hội chính là thầy mo – người được bà con dân bản tin tưởng, tôn vinh vì đã giúp chữa bệnh, giúp đưa linh hồn người mất về với tổ tiên, với Mường Then trên trời……


Tuy nhiên, không phải bất kỳ thầy mo nào cũng được tổ chức lễ hội, mà phải là người có thời gian hành nghề đã lâu... Khi trưởng thành rồi thì làm lễ tạ ơn tổ tiên trong nghề, tạ ơn những người đã truyền nghề. Đó cũng là ý nghĩa đầu tiên của lễ hội Xăng Khan. Bởi thế, địa điểm tổ chức là ở ngay trong nhà thầy mo. Lễ hội cũng là dịp để những người dân bản từng được ông mo cứu giúp, tự nhận làm con nuôi, con mọn của ông đến bày tỏ lòng biết ơn. Những người này đến lễ mang theo gà, xôi rượu để góp vào lễ hội, chứ không mang theo tiền biếu.

Theo tục lệ người thái, hai đến ba năm có điều kiện hoặc công việc khoông suôn sẻ thì các thầy mo phải làm ma xăng khan, rửa hạn cầu may cho gia đình khỏi ốm đau...

Ông Quang Văn Thiết (bản Quàng, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu) đã làm thầy mo được hơn 30 năm. Ông kể, thầy mo được bà con dân bản tin và nể trọng lắm, bởi không chỉ làm lễ cúng, mà còn bốc thuốc, chữa bệnh, đem lại may mắn, sức khỏe cho mọi người..

Làm thầy không đơn giản và không phải ai cũng được truyền nghề cho. Mà phải có năng khiếu, có cái tài và nhất là có uy tín. Ta được thầy mo trước đó dạy các bài cúng tổ tiên, cách nhận biết cây thuốc trên rừng, lấy thuốc cho người ốm, bệnh nào biết chữa thì chữa, bệnh nào không biết thì nói bà con đi bệnh viện. Thành nghề rồi thì ta làm lễ Xăng Khan, sau đó thì 2 – 3 năm tổ chức một lần… Bây giờ đến tuổi này, ta lại truyền lại cho con cháu, để có người kế tục…

Một điều độc đáo của nghi lễ Xăng Khan chính là tập hợp nhiều người cùng làm nghề thầy mo, có già, có trẻ đến chung vui chúc mừng. Tại đây, các ông mo sẽ thi thố tài thuật với nhau, có thể là tài đi trên than lửa không bị bỏng, giữ quả trứng trên mũi kiếm, hay lấy răng kẹp vào kiềng bếp đang bị nung đỏ mà không bị làm sao… Để không khí ngày lễ rộn ràng hơn, thu hút dân bản chứng kiến, cổ vũ và từ đó, tìm kiếm những người thực sự muốn theo học, trở thành thầy mo sau này…

Thời gian tổ chức lễ hội Xăng Khan dài từ 2- 3 ngày, bà con trong hay ngoài bản nghe tin đều rủ nhau đến lễ hội, để cầu an, cầu mạnh khỏe, cầu phúc, cầu may mắn tài lộc… Lễ vật trong lễ hội gồm: khoảng 7 - 10 vò rượu cần, 2 con lợn, 2 con gà cùng cá nướng, trầu cau… Và vật không thể thiếu trong lễ hội là cây Boọc mạy được dựng ngay giữa nhà là nơi để hành lễ. Tùy vào quy mô của lễ hội mà có từ 3 – 5 hoặc nhiều nhất là 7 cây Booc mạy này, những con số tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi nảy nở của vạn vật.

Cây Boọc mạy được làm từ cây tre hoặc cây nứa già, có chiều cao 4 mét, được khoét nhiều lỗ chia thành nhiều tầng khác nhau. Mỗi lỗ được treo những vật tượng trưng như: Chim, cá, ve sầu, rắn… làm từ ruột cây sắn, cây tang trong rừng, được nhuộm các mầu xanh, đỏ, tím, vàng. Trên đỉnh cây Boọc mạy được cắm một cây ô hình vuông trang trí màu sắc rực rỡ.

Khi lễ cúng xong, hạ cây xuống, người dân sẽ tranh nhau cướp những vật treo trên cây, như là cướp lộc của Mường Then ban cho mình. Hội càng về khuya càng nhộn nhịp với nhiều điệu múa, hát, khắc luống… Từ ý nghĩa này, lễ hội Xăng Khan đã vượt qua phạm vi nhỏ hẹp và tín ngưỡng ban đầu là lễ tạ ơn của một ông mo tổ chức, mà chứa đựng khát khao của người Thái trong cố kết cộng đồng, kết nối, vạn vật con người sinh sôi nảy nở, để mường, bản ngày một đông vui hơn, ấm no hơn. Là nhớ ơn tổ tiên, và sự tiếp nối giữa trần gian và Mường Then trên trời. Tạo nên giá trị cốt lõi, thể hiện đời sống tâm linh tín ngưỡng, văn hóa của người dân tộc Thái.

Làm thầy không đơn giản và không phải ai cũng được truyền nghề cho. Mà phải có năng khiếu, có cái tài và nhất là có uy tín. Ta được thầy mo trước đó dạy các bài cúng tổ tiên, cách nhận biết cây thuốc trên rừng, lấy thuốc cho người ốm, bệnh nào biết chữa thì chữa, bệnh nào không biết thì nói bà con đi bệnh viện. Thành nghề rồi thì ta làm lễ Xăng Khan, sau đó thì 2 – 3 năm tổ chức một lần… Bây giờ đến tuổi này, ta lại truyền lại cho con cháu, để có người kế tục…

Già Sầm Văn Phi (bản Cọc, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu) năm nay đã ngoài 60 tuổi. Trong cuộc đời mình, ở bản làng người Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ này, già đã nhiều lần dự lễ hội Xăng Khan: “Vui lắm, phải đi dự chứ. Mỗi lần đi lễ hội, mình đều mang đến góp với nhà thầy mo chum rượu, hoặc con gà, con cá… Bà con dân bản ai cũng đến, cầu xin sức khỏe, may mắn, mùa rẫy nhiều lúa. Bây giờ, lễ hội Xăng Khan được tổ chức gọn hơn, nhưng ít nhất cũng phải kéo dài 1 ngày đêm mới đầy đủ các thủ tục, nghi lễ và để cho mọi người cùng tham gia dự hội”.

Với già Phi, và nhiều người Thái khác, lễ hội Xăng Khan như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của mình. Bởi từ khi sinh ra là một đứa trẻ, cho đến khi lớn lên sau này, đều luôn có sự hiện diện của thầy mo, của những lời cầu xin và ban phúc lộc của tổ tiên, Mường Then che chở.

Ngày nay, trong các lễ hội lớn của các địa phương, sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng này cũng được đưa vào, để giới thiệu cho du khách biết được một nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng của người dân tộc Thái. Lúc này, lễ hội Xăng Khan đã được sân khấu hóa, với không gian ở cộng đồng rộng lớn, cây Booc mạy cũng mang tính chất mô phỏng, tượng trưng. Phần lớn thời gian để dành cho phần hội, để thi các trò chơi và giao lưu văn hóa với nhau như thi bắn nỏ, thi kéo co, ném còn, chơi đu… Nhưng hồn cốt của lễ hội, vẫn phải phải là ở nhà thầy mo – người uy tín, người được tôn vinh, tin tưởng là có năng lực để kết nối giữa đất và trời, người sống và người chết, giữa hiện tại và quá khứ…

Xang khan được đưa vào biểu diễn trong lễ hội hang Bua…

Nội Dung: Hồ Lài, Sách Nguyễn

Ảnh, clip: Sách Nguyễn, Cao Đông

Thiết kế, kỹ thuật: Sách Nguyễn