Xanh rừng trồng trên đất Quỳ Châu

Đi trên những vạt đồi săng lẻ thân thẳng tắp, gốc vẫn còn vương đất mới ở dốc Kè Lè, chúng tôi thấy trên mỗi thân cây đều treo các tấm biển, chỗ này ghi: “Đồng chí Lang Văn Chiến – nguyên Bí thư Huyện uỷ trồng ngày…; chỗ kia ghi: “Gia đình ông Nguyễn Hoàng Tùng, bà… trồng ngày… Có những cây trên biển ghi: UBND xã Châu Nga, Nhân dân bản Mưn – xã Châu Nga trồng ngày…

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Châu – đồng chí Lữ Thị Thủy giải thích với chúng tôi: “Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy vận động tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân, gia đình, dòng họ cùng tham gia phong trào trồng rừng cây đại đoàn kết. Cây của gia đình nào, dòng họ nào thì treo biển tên của gia đình, dòng họ ấy. Điều này vừa có ý nghĩa động viên, khích lệ bà con nhân dân tham gia tích cực vừa thay cho “bảng vàng” ghi công”.

Ngay sau khi hoàn thành Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội với 20 chương trình, đề án, kế hoạch. Đặc biệt, để tạo động lực thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội đến năm 2025, Huyện ủy Quỳ Châu đã xác định 3 đột phá là: Đổi mới tư duy, khắc phục trì trệ; Tập trung phát triển kinh tế rừng; Huy động nguồn lực phát triển du lịch. Trong đó, mũi “Tập trung phát triển kinh tế rừng” được Đảng bộ huyện triển khai sớm hơn.

Hiện nay huyện Quỳ Châu đang quản lý và bảo vệ 66.746,4 ha rừng tự nhiên. Đối với diện tích rừng trồng toàn huyện có 22.463 ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 78%. Với diện tích rừng lớn, cuộc sống người dân phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nên việc xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi đúng. Tuy nhiên, bên cạnh duy trì ổn định diện tích rừng sản xuất nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân, việc mở rộng quy mô, phát triển rừng cây bản địa cũng là một đòi hỏi tất yếu. Phát triển cây gỗ bản địa thực chất là phát triển hệ cây gỗ lớn, qua đó bảo vệ màu xanh của vùng rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, bảo vệ thảm thực vật đầu nguồn và bảo tồn nguồn gen quý trên vùng Tây Bắc xứ Nghệ.

Bên cạnh đó, việc trồng cây gỗ lớn sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho người dân vì những giá trị mà nó mang lại. Xuất phát từ thực tế này, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu quyết tâm xây dựng đề án và thực hiện  mô hình “Trồng cây gỗ lớn gắn phát triển du lịch sinh thái”, và xem đây là một trong những nội dung chỉ đạo điểm cho giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Quỳ Châu dự lễ phát động trồng rừng cây đại đoàn kết.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Quỳ Châu dự lễ phát động trồng rừng cây đại đoàn kết.

Vào tháng 10/2020, tại khu vực dốc Kè Lè thuộc bản Hội 1, xã Châu Hội, huyện đã phát động triển khai mô hình “Trồng cây bản địa gắn phát triển du lịch sinh thái”. Đồng chí Lữ Thị Thuỷ  – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Quỳ Châu cho biết, thực hiện mô hình, huyện quy hoạch, phân vùng để trồng nhiều loại cây bản địa đặc hữu. Phía ngoài trồng săng lẻ, giữa là lát hoa, trong là lim, gáo vàng và nhiều loài gỗ quý khác. Đặc biệt, khu vực này cũng là nơi cán bộ, bà con nhân dân trồng rừng cây đại đoàn kết.

Hàng năm, vào dịp Tết trồng cây hoặc Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18/11), các bản làng, thôn xóm đều tiến hành trồng cây xanh tại nhà văn hoá, và trong bối cảnh diện tích đất trồng cây gỗ lớn ở bản làng ngày càng ít, thì thay vì trồng tại đó, bà con dân bản sẽ đến trồng tập trung tại Rừng cây đại đoàn kết thuộc mô hình trồng cây bản địa do huyện lựa chọn ở dốc Kè Lè. Tương lai, “Rừng cây đại đoàn kết” ở Kè Lè sẽ là điểm nhấn không gian xanh của Quỳ Châu và toàn tuyến Quốc lộ 48. Và lãnh đạo địa phương kỳ vọng cũng từ mô hình này ý thức bảo vệ rừng của người dân sẽ nâng lên, phong trào trồng cây sẽ lan toả ra toàn huyện.

Nói thêm tính tương hỗ, gắn kết của mô hình, đồng chí Vương Quang Minh – Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu khẳng định, trồng cây bản địa ngoài việc bảo tồn nguồn gen, bảo vệ rừng, tạo sinh kế lâu dài cho người dân có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái. Nhất là đối với huyện Quỳ Châu đã được du khách gần xa biết đến với di chỉ khảo cổ học và lễ hội Hang Bua, hang Thẩm Ồm; quần thể di tích lịch sử Đốc binh Lang Văn Thiết; du lịch cộng đồng Thái gốc ở bản Hoa Tiến (Châu Tiến); các làng nghề sản xuất thổ cẩm, hương trầm; các thắng cảnh hoang sơ như: thác khe Bàn, thác khe Bấn, khe Kè Lè… Đây chính là cơ sở để huyện Quỳ Châu xác định đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch.

Chỉ 2 tháng sau khi huyện Quỳ Châu phát động mô hình “Trồng cây bản địa gắn phát triển du lịch sinh thái”, đã có hàng trăm cơ quan, đơn vị, gia đình, dòng họ, cá nhân… tham gia trồng cây trên các ngọn đồi ở Kè Lè. Đến cuối tháng 12/2020 tại đây đã trồng mới gần 1.700 cây gỗ lớn, trong đó có hàng trăm loài quý như: lim, lát, hoàn linh, săng lẻ, giáng hương,… Quyết không “chịu thua” huyện, ngay tại bản Hội 1, xã Châu Hội, cán bộ và Nhân dân địa phương cũng bảo vệ và trồng mới được 1.756 cây gỗ quý. Đặc biệt bảo tồn nguyên trạng 400 cây lim xanh; trồng 150 cây lát hoa… Điều này cho thấy sức lan toả mạnh mẽ của một nghị quyết khi đi vào cuộc sống.

Xin kết bài viết này vẫn bằng những ca từ rất hay của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: “…Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương”…

Rừng lim xanh ở bản Hội 1, Xã Châu Hội được đưa vào bảo tồn và phát triển cây gỗ bản địa.
Rừng lim xanh ở bản Hội 1, Xã Châu Hội được đưa vào bảo tồn và phát triển cây gỗ bản địa.