Xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển

(Baonghean.vn) - Thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và hệ thống chính trị ở các cấp trên địa bàn Nghệ An thời gian qua cũng cho thấy, nơi nào có đội ngũ cán bộ tốt thì nơi đó phong trào phát triển, yên dân và ngược lại, nơi nào cán bộ yếu kém thì phong trào trì trệ, an ninh, trật tự, đặc biệt là lòng dân đối với cấp ủy, chính quyền có những sụt giảm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, ở từng cấp trong tỉnh đã có nhiều biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ. Ở huyện Tương Dương, liên tục nhiều nhiệm kỳ đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ đi học, nâng cao trình độ, chuẩn hóa bằng cấp chuyên môn. Theo báo cáo từ Ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương, hiện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng và Khối dân huyện có trình độ chuyên môn thạc sĩ là 11% và đại học 72,9%; cơ quan chính quyền huyện, trình độ chuyên môn thạc sĩ là 14,6%, đại học là 80,6%; cấp cơ sở, trình độ chuyên môn thạc sĩ và đại học hơn 87%.

Cán bộ xã Tam Hợp kiểm tra hiệu quả mô hình cây bo bo. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ xã Tam Hợp kiểm tra hiệu quả mô hình cây bo bo. Ảnh: Mai Hoa

Cùng chuẩn hóa bằng cấp, theo chia sẻ của đồng chí Mạc Văn Nguyên - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương, huyện quan tâm cập nhật các kiến thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội, các nghiệp vụ chuyên ngành thông qua mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng; gắn bồi dưỡng các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, công tác dân vận, quy trình xử lý tình huống cho cán bộ, công chức huyện và cơ sở thông qua chế độ cán bộ đi cơ sở. Gắn thực hiện luân chuyển cán bộ từ các phòng, ban cấp huyện về xã và ngược lại để đào tạo, rèn luyện theo cả chiều trên xuống - dưới lên; từ xã này sang xã khác nhằm khắc phục triệt để tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác cán bộ. Huyện mạnh dạn bố trí, đề bạt, sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, trình độ, có lòng nhiệt huyết vào các vị trí chủ chốt cấp huyện và cơ sở, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu.

Đối với Kỳ Sơn, một huyện miền núi cao gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, giải pháp để nâng cao chất lượng cán bộ nơi đây là tạo cơ hội để cán bộ “va đập” nhiều với thực tiễn và học tập lẫn nhau để trưởng thành bằng việc điều động, luân chuyển cán bộ.

Trong vòng 5 năm qua, huyện Kỳ Sơn luân chuyển 9 cán bộ về xã và 9 cán bộ từ xã về huyện; 36 cán bộ cấp huyện và 6 cán bộ cấp xã luân chuyển ngang.

Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Theo chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn - Vi Hòe, thông qua điều động, luân chuyển đã khắc phục được tính chủ quan, tự thỏa mãn, sức ỳ, trì trệ trong một số cán bộ; đặc biệt là tư tưởng cục bộ, nể nang của cán bộ cơ sở làm ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mặt khác, tâm lý chung của cán bộ khi đến môi trường mới đều lo lắng, trăn trở tìm giải pháp để thể hiện vai trò cá nhân của mình trước tập thể mới; góp phần lan tỏa tư duy, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mới cho đội ngũ cán bộ ở các đơn vị có người luân chuyển đến. Và trong thực tiễn, đơn vị, địa phương nào có cán bộ luân chuyển đến đều có sự chuyển động mới tích cực trong phong trào, góp phần thúc đẩy phong trào chung của huyện, giữ được 3 yên: “Yên dân, yên địa bàn và yên biên giới” ở địa bàn huyện biên giới.

Ở góc độ tổng thể toàn tỉnh, theo đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thời gian qua, các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng cán bộ. Bắt đầu từ khâu tuyển chọn đến bố trí, đặt cán bộ đúng năng lực, sở trường. Trong đó, đánh giá cán bộ phải căn cứ kết quả, hiệu quả công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng bằng nhiều hình thức, như cử tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường luân chuyển cán bộ để đào tạo cán bộ từ thực tiễn. Kể cả chủ trương sát hạch công chức trong các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể mà tỉnh thực hiện trong 2 năm qua cũng có tác động rất tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Việc triển khai các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 26 của Chính phủ và Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều có tác động đến chất lượng, ý thức trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh.

Một buổi họp dân ở bản của xã Nhôn Mai
Một buổi họp dân ở bản của xã Nhôn Mai.

Nhận diện yếu kém để khắc phục

Nhìn nhận một cách tổng thể thì chất lượng đội ngũ cán bộ ở các cấp thời gian qua đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, chất lượng cán bộ vẫn đang bộc lộ một số hạn chế mà trong báo cáo đánh giá tổng kết nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nêu rõ. Đó là tình trạng cơ cấu ngành, lĩnh vực chuyên môn chưa hợp lý, nhất là cán bộ các ngành kinh tế, kỹ thuật, các chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực còn thiếu.

Năng lực chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp và chính sách, pháp luật của Nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; nhất là năng lực, kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh từ thực tiễn còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận cán bộ còn tư tưởng bảo thủ, trì trệ, làm việc theo kinh nghiệm, ngại học hỏi và tiếp thu kiến thức mới.

Trong cái tổng thể chung đó, từ thực tiễn theo dõi cán bộ trên địa bàn huyện, đồng chí Trần Thị Bình - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành cho hay, hiện có một số cán bộ còn có tư tưởng bảo thủ, trì trệ, phương pháp công tác chậm đổi mới, thiếu gương mẫu trong công tác và cuộc sống, gây mất đoàn kết nội bộ, nhũng nhiễu với nhân dân, vi phạm kỷ luật. Bên cạnh đó, ý thức học tập, đặc biệt tự học để nâng cao trình độ của không ít cán bộ lãnh đạo quản lý chưa cao; chưa xác định rõ động cơ học là để làm việc; tâm lý học để “chuẩn hóa”, để “làm cán bộ” còn khá phổ biến; nhiều đồng chí tự bằng lòng, thỏa mãn với trình độ đã được đào tạo, ít tự học, nghiên cứu hoặc tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, không đủ điều kiện tiếp tục bố trí chức vụ chủ trì.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Mai Hoa
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Mai Hoa

Ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, theo trao đổi của Bí thư Huyện ủy - đồng chí Vi Hòe, thì bên cạnh một số cán bộ chưa có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì còn có một số cán bộ, công chức không có tư tưởng, ý chí tiến thủ; ngại khó, ngại khổ, làm việc cầm chừng, được chăng hay chớ, tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Đề cập riêng ở cấp cơ sở, đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ cho rằng, yếu nhất của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay là tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, tâm huyết vì phong trào của địa phương, vì người dân chưa thật tốt. Một số cán bộ, công chức còn sách nhiễu, vô cảm với nhân dân; không quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm, yêu cầu. Vẫn có biểu hiện cán bộ cơ sở thiếu ý thức rèn luyện, giữ gìn, nêu gương, tự cho mình cái quyền “nói cái gì cũng được, làm cái gì cũng được, bắt mọi người phải nghe và làm theo”.

Từ nhận diện được những hạn chế và trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ mà Đảng bộ tỉnh đặt ra cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 này, trong đó có yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm và dám đối đầu với những khó khăn, thách thức; đòi hỏi các cấp ủy cần đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng cán bộ toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh cho giai đoạn tới.

Bộ mặt nông thôn xã Tăng Thành (Yên Thành) khởi sắc. Ảnh: Mai Hoa
Bộ mặt nông thôn xã Tăng Thành (Yên Thành) khởi sắc. Ảnh: Mai Hoa

Tin mới