Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch để tiếp tục thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển du lịch; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành làm cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.

Luật Du lịch (sửa đổi) phải khẳng định vai trò du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội cao; phát triển có trọng tâm, trọng điểm đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương.

Các ý kiến cho rằng Đảng và Nhà nước có chính sách xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này đòi hỏi ngành du lịch trong thời gian tới phải có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Để đảm bảo thực hiện điều đó, cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển.

Khách du lịch nước ngoài tham quan SaPa. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Khách du lịch nước ngoài tham quan SaPa. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều so với Luật Du lịch hiện hành là sự sửa đổi lớn, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn bởi những nội dung sửa đổi này đã đáp ứng được yêu cầu đề ra là xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đã tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành kinh tế tổng hợp hay chưa?

Đánh giá du lịch của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu biển, rừng của Việt Nam không thua kém nước nào nhưng khách du lịch nước ngoài ít đến Việt Nam hoặc đến một lần rồi đi. Luật sửa đổi phải giải quyết được vấn đề sau khi luật sửa đổi ra đời phải thu hút được đông khách đến và quay lại đất nước mình.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải quảng bá về du lịch của đất nước thông qua văn hóa, phát triển du lịch không thể tách rời với văn hóa thì mới thành công được.

Trên cơ sở thống nhất với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật: “Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để đảm bảo du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá chính sách phát triển du lịch quy định tại Điều 5 còn chung chung, chưa được cụ thể hóa thành các quy phạm tại các điều khoản cụ thể trong Luật; đồng thời, Dự thảo Luật cũng chưa đưa ra được những chính sách đặc thù, mang tính đột phá để đảm bảo cho du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ban soạn thảo cần rà soát các quy định pháp luật liên quan về ưu đãi đầu tư (theo Luật đầu tư 2014); đồng thời nghiên cứu chi tiết hóa các chính sách phát triển du lịch, huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch.

Dẫn Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016 nêu: “Có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và đảm bảo an toàn, an ninh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao,” Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá việc quy định về cơ chế chính sách, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện cần được củng cố thêm.

Dẫn dụ Điều 5 dự thảo liệt kê ra tới 8 khoản về "chính sách phát triển du lịch" nhưng nhìn lại các chương tiếp theo, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu thấy rằng đây là những quy định chung chung, chưa rõ các chính sách như khuyến khích đầu tư, xây dựng cơ sở đào tạo du lịch...

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phải rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, các quy định hiện hành còn gì chưa hợp lý ta phải thấy rõ, nội dung nào chưa có thì phải quy định vào dự thảo luật...


Theo Vietnamplus

TIN LIÊN QUAN

Tin mới