Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam vì nhiệm vụ chung, vì bình yên biên giới

(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến của Đại tá Trần Hải Bình - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Sáng 16/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Đồng chí Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Ông Trần Văn mão chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Ảng: Hoài Thu
Ông Trần Văn Mão chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Hoài Thu

Xây dựng nhiệm vụ chung bảo vệ biên giới

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, thảo luận cả các đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có ý kiến trao đổi, bày tỏ mong muốn Dự thảo luật Biên phòng Việt Nam sẽ được xây dựng, ban hành trên tinh thần xây dựng nhiệm vụ chung, tất cả vì bình yên biên giới. Đại tá Trần Hải Bình - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh bày tỏ, lực lượng BĐBP ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn tham gia các hoạt động, đảm đương nhiều trách nhiệm ở khu vực biên giới một cách tận tâm.

Đại tá Trần Hải Bình
Đại tá Trần Hải Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Cán bộ chiến sỹ biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới còn tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa, tham gia công tác giáo dục, xây dựng nông thôn mới, thăm khám sức khỏe cho nhân dân… tất cả những việc làm đó nhằm bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng kinh tế văn hóa xã hội ở biên giới. Luật Biên phòng Việt Nam dù quy định lực lượng nào chủ trì, lực lượng nào phối hợp thì bộ đội biên phòng vẫn luôn nỗ lực vì bình yên cuộc sống của người dân trên địa bàn  phụ trách.

Góp ý kiến liên quan Điều 34 về quy định: trách nhiệm của UBND và HĐND các cấp trong phối hợp, hỗ trợ lực lượng bộ đội biên phòng trong công tác, một số đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn để dễ áp dụng trong thực tiễn. Ví dụ đối với việc huy động nguồn lực, đưa ra chủ trương chính sách ưu tiên đối với lực lượng biên phòng, với các hoạt động ở khu vực biên giới thì chỉ có cấp tỉnh mới đủ thẩm quyền. Bởi vậy cần bổ sung cụm từ “theo thẩm quyền” để UBND, HĐND các cấp có cơ sở thực hiện. Hoặc như quy định ưu tiên về chính sách đất ở, nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng ở địa phương thì cần nói rõ về thời gian “công tác lâu dài” là bao lâu, bởi lực lượng biên phòng thường xuyên điều chuyển quân số.

Băn khoăn về sự chồng chéo giữa các luật

Tại hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ ý kiến băn khoăn về một số quy định của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam có biểu hiện chồng chéo với các luật khác, liên quan ngành khác như công an, hải quan, cảnh sát biển…

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Đại diện MTTQ tỉnh khẳng định, các điều khoản của Luật Biên phòng Việt Nam cơ bản hợp lý; việc quy định nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới giao cho lực lượng biên phòng là đúng. Tuy nhiên cụm từ “nhiệm vụ phòng chống tội phạm theo quy định của pháp luật” cần điều chỉnh, vì có thể chồng lấn với luật khác, nhất là liên quan lực lượng công an. Đối với nội dung quy định lực lượng biên phòng quản lý xuất nhập cảnh cần có giải thích rõ hơn để tránh chồng lấn trách nhiệm của lực lượng hải quan.

Đại diện Công an tỉnh đề nghị có sự sửa đổi, giải thích rõ từ ngữ liên quan các quy định cụ thể về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở biên giới, tránh chồng chéo với các luật khác liên quan lực lượng công an nhân dân. Đại diện Công an tỉnh cho rằng không nên quy định biên phòng là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh trật tự vùng biên giới, mà cần quy định là lực lượng phối hợp.

Cán bộ chiến sỹ biên phòng Nghệ An tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoài Thu
Cán bộ chiến sỹ  biên phòng Nghệ An tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoài Thu

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần điều chỉnh rõ hơn quy định ở khu vực biên giới “khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi nhiều lực lượng, thì lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý trước” sẽ gây ra sự chồng chéo, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần phải gắn liền 3 lĩnh vực: quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân để đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng.

Hội nghị đã có 16 ý kiến góp ý nhằm đảm bảo tính logic, làm rõ các khái niệm. Các đại biểu cũng góp ý nhiều nội dung cụ thể của các điều khoản của luật về chính sách nhà nước, về nhiệm vụ biên phòng, về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hành vi bị cấm, chức năng chủ trì phối hợp của các lực lượng và về chức năng ,nhiệm vụ, quyền hạn của bộ đội biên phòng; chế độ chính sách đối với cán bộ biên phòng ở địa phương...Đồng thời đề nghị bổ sung chức năng nhiệm vụ phối hợp của Bộ Tư pháp vào Luật Biên phòng Việt Nam…

Ông Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp các ý kiến để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phản ánh tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Tin mới