Xây dựng trường chính trị đạt chuẩn, tạo bước đột phá mới

(Baonghean.vn) - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 là bước đột phá lớn của các trường chính trị.

Sáng 1/7, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành ủy triển khai Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường chính trị chuẩn. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Hoài Chung - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

BƯỚC ĐỘT PHÁ LỚN

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Việc Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 là bước đột phá lớn của các trường chính trị. Việc công nhận trường chính trị chuẩn nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt  động khác của Trường Chính trị.

“Công nhận trường chính trị đạt chuẩn cũng chính là chứng nhận năng lực, định hướng phát triển, chứng nhận về thực thi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm khắc phục ngại lười học chính trị; thống nhất chương trình bồi dưỡng chính trị từ trung ương đến cơ sở” - đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Thông qua quy định trường chính trị chuẩn để các trường chính trị tỉnh, thành tự đánh giá theo từng mức độ. Từ đó, giúp các trường rà soát những tiêu chí còn thiếu để xây dựng đề án, lộ trình phấn đấu; tạo mục tiêu, động lực để các trường hoàn thiện.

Trường Chính trị tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Cần phải xem việc xây dựng trường chính trị chuẩn như là một giải pháp căn cơ, vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài để tương xứng với vị trí, vai trò, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Bí thư xác định.

Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chuẩn từ công tác chuẩn bị giáo án, đến bài giảng theo hướng xuyên suốt, có hệ thống, logic phù hợp với từng đối tượng học viên từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp…

Nội dung bài dạy phải liên tục đổi mới, cập nhật thường xuyên các chương trình, nghị quyết, chỉ thị… của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như gắn với liên hệ thực tiễn để truyền đạt tới học viên một cách chân thực, sinh động và dễ hiểu nhất.

Muốn làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường đi thực tế để lấy tư liệu sinh động đưa vào bài giảng.

VIỆC LÀM THƯỜNG XUYÊN, LÂU DÀI

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, sau hội nghị triển khai Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường chính trị chuẩn, đối với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể các trường chính trị tỉnh, thành tham khảo rà soát xây dựng đề án, lộ trình đạt chuẩn trường chính trị chuẩn theo các mức độ; phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương ban hành quy trình thẩm định trường chính trị chuẩn.

Xây dựng trường chính trị chuẩn là việc làm thường xuyên, lâu dài, sau khi được công nhận trường chính trị đạt chuẩn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục rà soát đánh giá thực thi nhiệm vụ của các trường.

Vì vậy, vấn đề đặt ra, làm thế nào duy trì bảo vệ thương hiệu của mình sau khi được công nhận là trách nhiệm của các trường, lãnh đạo của tỉnh, thành; sự hỗ trợ giám sát của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, trường chính trị tỉnh là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp tỉnh, vì vậy cần tránh sự "lấn sân" của các đơn vị khác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các địa phương cần quan tâm chỉ đạo sâu sát  các trường chính trị xây dựng đề án; Tiếp tục quan tâm đội ngũ cán bộ, giảng viên đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn, có kế hoạch sớm quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo các trường,...

Thảo luận tại hội nghị, các tỉnh, thành ủy đề xuất những  khó khăn vướng mắc khi triển khai Quy định 11 của Ban Bí thư. Đồng thời  kiến nghị học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sớm có hướng dẫn cụ thể về xây dựng trường chuẩn, cũng như việc quy định duy trì các tiêu chí trường chính trị chuẩn; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên các trường chính trị; quan tâm tới công tác luân chuyển cán bộ là các giảng viên các trường chính trị đến công tác tại địa phương,…

Phát biểu tại hội nghị, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An Lê Thị Hoài Chung khẳng định: Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An sẽ không ngừng đổi mới, có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển một cách đồng bộ và toàn diện, lấy chất lượng và hiệu quả hoạt động làm thước đo, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 đạt Trường Chính trị chuẩn theo mức độ 1, tiến tới đạt chuẩn theo mức độ 2 trong những năm tiếp theo.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Thị Hoài Chung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Thị Hoài Chung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt trường chính trị chuẩn, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhóm giải pháp, như: Chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án/Kế hoạch xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn giai đoạn 2021 - 2025.

Đi cùng với đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực tại Trường Chính trị tỉnh; kiện toàn tổ chức, bộ máy gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, Trường sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy, học tập, quản lý và phục vụ rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong nhà giáo.

Trường Chính trị tỉnh Nghệ An mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường chính trị chuẩn quy định có 2 mức trường chính trị chuẩn, gồm chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2. Trường chính trị chuẩn mức 2 đạt các chỉ tiêu cụ thể của từng tiêu chí cao hơn so với chuẩn mức 1.

Thời gian đánh giá các tiêu chí để công nhận trường chính trị chuẩn là 5 năm trở về trước kể từ thời điểm trường nộp hồ sơ đề nghị xét công nhận trường chính trị chuẩn.

Tin mới