Xe dù náo loạn thành Vinh

Theo thống kê chưa đầy đủ của phóng viên, toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 300 chiếc xe dù, trong đó phần lớn là loại 7 chỗ. Dù xuất phát ở huyện nào, mọi điểm đến của những chiếc xe này đều về TP Vinh. Những chuyến xe này chẳng có điểm đi và điểm đến cố định, cũng chẳng cần thời gian cụ thể, tài xế xe dù cứ hành nghề theo nhu cầu của khách.

ần 5h sáng, khi ánh sáng vẫn còn chưa đủ để nhìn rõ mặt người thì ở các tuyến đường giữa trung tâm thị trấn Đô Lương, hàng chục chiếc xe 7 chỗ đã đỗ sẵn để chờ khách. Hễ thấy bóng người tiến đến trạm chờ xe buýt hay thậm chí chỉ đứng bất kỳ một nơi nào đó ven đường, các tài xế lập tức lượn lờ mời chào lên xe. Họ là tài xế của những chiếc xe dù chuyên chạy tuyến Đô Lương – Vinh. Theo một thống kê chưa đầy đủ của UBND huyện Đô Lương, huyện này hiện có khoảng 70 chiếc xe dù chuyên chạy tuyến Vinh – thị trấn Đô Lương. Chưa kể những chiếc xe từ các huyện khác như Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ cũng đi qua địa bàn này để đón trả khách.

Khoảng 6h sáng, trong vai một hành khách, chúng tôi đứng chờ ở trạm xe buýt ngay cạnh trụ sở UBND huyện Đô Lương. Ít phút sau, chiếc xe buýt của một hãng xe lớn chậm rãi tấp vào. Tuy nhiên chỉ trong tích tắc, một chiếc xe 7 chỗ lập tức phóng lên trước mặt xe buýt, mời chào. Lúc này, tài xế xe buýt chỉ biết lắc đầu ngao ngán, khuôn mặt lộ rõ vẻ bất lực. Khi chúng tôi hỏi giá cả, tài xế xe 7 chỗ cố tình lảng tránh đồng thời không quên những lời “quảng cáo” như “xe có điều hòa, chạy nhanh, trả khách tận nơi…”. Chưa kịp hỏi câu thứ 2, tài xế đã xuống “khiêng hộ” balô của khách lên xe….

Trên xe lúc này khách đã ngồi gần kín chỗ, tài xế lộ vẻ hớn hở. Xe này không tiếp tục lòng vòng đón khách nữa mà chạy thẳng về Vinh theo Quốc lộ 46 qua huyện Thanh Chương. Mặc dù vậy, dọc đường hễ thấy có người nào đứng bên đường cầm balô, túi xách, hành lý… là tài xế ngay lập tức tấp vào hỏi những câu dường như đã trở thành cửa miệng đối với họ như “Vinh không? Đưa đón tận nơi đây….”. Có những đoạn tài xế phanh gấp khiến hành khách bên trong nháo nhào.

Khoảng hơn một tiếng sau, chiếc xe dù chở chúng tôi đã có mặt tại TP Vinh mà chẳng hề vấp phải một chướng ngại nào từ cơ quan chức năng. Bây giờ tài xế mới hỏi từng hành khách đến đâu, xe sẽ chở tận nơi. Trên xe dù có người thì tới bệnh viện để khám, có người là sinh viên, cũng có người là công chức Nhà nước xuống thành phố làm việc. Bất chấp mọi ngõ ngách, chiếc xe dù luồn lách quanh thành phố để trả đúng địa điểm mà khách yêu cầu. Giá tiền của mỗi hành khách đi tuyến Vinh – Đô Lương là 50.000 đồng, cao hơn vé xe buýt 15.000 đồng.

Lúc này, hàng trăm chiếc xe dù khác từ nhiều huyện, thị cũng đang ồ ạt đổ vào thành phố đón, trả khách. Bạn hãy hình dung, hơn 300 chiếc xe từ 7 đến 9 chỗ cùng lúc chạy vào rồi luồn lách khắp thành phố Vinh vào giờ cao điểm sẽ khiến bộ mặt giao thông của đô thị này tồi tệ như thế nào? Đây được cho là nguyên nhân khiến tình trạng ách tắc giao thông tại thành phố này những năm gần đây đang ngày càng nghiêm trọng. “Dù xuất phát từ huyện nào thì cũng phải tới được TP Vinh trước 8h. Đó là giờ cao điểm nhưng vì nhu cầu của khách nên chúng tôi phải chạy như vậy để kịp giờ làm, giờ học, giờ khám bệnh… của họ”, Long – một tài xế xe dù nói.

Sau khi trả khách xong, thông thường từng nhóm tài xế xe dù sẽ chạy đến những điểm có đông người để đỗ. Lúc này, tài xế mới bắt đầu ăn sáng, nghỉ ngơi. Dạo quanh thành phố Vinh vào thời điểm này, không khó để bắt gặp những chiếc xe dù đỗ ngổn ngang ở những điểm như trước cổng các Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi, các trường cao đẳng, đại học cho tới các siêu thị, công sở, đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai….

Đến hơn 9h sáng, để thực hiện tuyến bài điều tra này, phóng viên tiếp tục có mặt tại trạm xe buýt đầu đường Lê Lợi, ngay cạnh công viên “Tam Giác Quỷ”. Chưa đầy 5 phút sau, 2 chiếc xe buýt với tiếng còi inh ỏi tấp vào. Tuy nhiên, dường như ngay lập tức, chiếc xe dù 9 chỗ tạt vào giữa 2 xe buýt. Xe dù này thậm chí có cả lơ xe. Lúc này lơ xe nhanh nhẹn đến từng khách chào mời, cướp khách ngay “trên miệng” xe buýt. Cũng trong vai hành khách, chúng tôi lên chiếc xe 9 chỗ, tài xế trạc 50 tuổi, quê xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu. Trên xe lúc này mới chỉ có 2 hành khách. Ngay sau tấm kính chắn gió là chiếc biển Vinh – Hoàng Mai.

“Quỳnh Lưu, Hoàng Mai đê? Giát, Diễn Châu không?….”, lơ xe khoảng 30 tuổi liên tục thò đầu ra ngoài cửa sổ chào mời trong lúc chiếc xe chậm rãi chạy trên tuyến đường trung tâm TP Vinh. Mỗi lúc thấy có người đứng bên đường, tài xế lại tấp vào để lơ xe xuống chèo kéo khách. Đến chốt cảnh sát giao thông đoạn ngã tư Phan Bội Châu và Lê Lợi, tài xế nhanh chóng giấu tấm biển “Vinh – Hoàng Mai” xuống dưới chân….

Khi gần tới trạm xe buýt bên đường Mai Hắc Đế, ngó thấy đông đúc hành khách đang chờ trong trạm, tài xế lộ rõ vẻ phấn khởi, lập tức tăng ga định lại vào giành khách với xe buýt. Tuy nhiên, khi chỉ còn cách trạm khoảng vài mét, tài xế xe dù liền lập tức trở lái, tiếp tục hành trình khiến những người trên xe không khỏi bất ngờ. Thì ra vị tài xế đầy kinh nghiệm đã quan sát thấy bóng dáng 3 chiến sỹ cảnh sát trật tự đang làm nhiệm vụ gần đó. Sợ bị xử phạt, ông ta đành bỏ qua đám khách này trong vẻ tiếc nuối.

Chiếc xe dù cứ như thế ngang nhiên đón khách mỗi khi không thấy bóng dáng lực lượng chức năng. Do bắt khách dọc đường, phải mất gần một tiếng chiếc xe dù này mới dần ra khỏi thành phố. Khi đang lượn lờ chèo kéo khách ở gần cầu vượt Quán Bàu, bỗng một chiếc xe dù khác chạy ngược chiều nhấp nháy đèn, tiến sát vào xe chúng tôi. “Ở bến xe có thanh tra giao thông”, tài xế xe dù kia hạ cửa kính nói vọng sang. Đáp lại lời cảnh báo kia, tài xế cùng lơ xe trên chiếc xe chở chúng tôi chỉ cảm ơn đồng nghiệp rồi nở nụ cười đầy tự tin. Họ sau đó dỡ tấm biển đang đặt sau tấm kính chắn gió xuống đồng thời phóng xe qua nhóm thanh tra giao thông đang chốt chặn mà chẳng gặp một chút phiền toái nào….

Không chỉ lượn lờ bắt khách, nếu có nhu cầu đi các huyện, thị, bạn chỉ cần nhấc điện thoại gọi, thì ít phút sau xe dù đã có mặt, bất kể bạn đang ở ngóc ngách nào. Sáng 26/9, cũng trong vai hành khách, chúng tôi gọi vào số điện thoại của một tài xế xe dù chuyên chạy tuyến Vinh – Hoàng Mai. Chỉ chưa đầy 5 phút sau, chiếc xe này đã có mặt trong một con hẻm nhỏ bên đường Nguyễn Thị Minh Khai để đón. Tài xế này khoe rằng, ông đã chạy xe dù tuyến này hơn 2 năm nay nên có khá nhiều khách quen. Thời gian gần đây, nhiều chuyến ông thậm chí chẳng cần bắt khách mà chỉ chờ điện thoại. Đón chúng tôi xong, tài xế liên tục nghe điện thoại rồi lại luồn lách qua các ngõ ngách để chất đầy xe rồi tiếp tục hành trình.

ếu như vài năm trước, khi mới bắt đầu xuất hiện ở Nghệ An, những tài xế xe dù thường quảng cáo rầm rộ như in hẳn card visit hay treo biển trên xe… thì thời gian gần đây, họ đã dần hoạt động tinh vi. Thậm chí đến cách thu tiền của khách hàng cũng rất khéo léo. Theo Thượng tá Nguyễn Nam Hồng – Phó Phòng cảnh sát giao thông (PC08, Công an tỉnh Nghệ An), muốn xử phạt được xe dù, trước tiên cơ quan chức năng phải chứng minh được xe này đang kinh doanh vận tải. “Thông thường sau khi dừng xe, tổ tuần tra phải chia ra. Người thì kiểm tra xem có card visit không? Người lại đi tìm biển trên xe? Người thì hỏi khách hàng….”, Thượng tá Hồng nói. Cũng vì sợ bị xử phạt, nhiều tài xế hiện nay in card visit bằng cách chỉ in mỗi số điện thoại trên một mẩu giấy trắng nhỏ rồi đưa cho khách. Trên tấm giấy được gọi là “card visit” này không hề có một thông tin nào thêm để chứng minh chủ nhân của nó đang hoạt động kinh doanh vận tải. Vì thế cơ quan chức năng cũng rất khó căn cứ vào đó để xử phạt.

Ngoài ra, sau khi đón khách lên xe, tài xế thường lảng tránh đề cập đến tiền bạc, giá cả. Nhiều hành khách vừa lên xe liền rút ví trả tiền nhưng bị tài xế từ chối với lý do “đến tận nơi rồi trả”. Thủ đoạn này nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị dừng xe, tài xế sẽ chối cãi rằng, anh ta không hề thu tiền của ai mà chỉ cho đi nhờ. Điều này cũng vô tình dẫn đến nhiều tình huống hài hước như một số hành khách được chèo kéo lên xe, trong khi tài xế không hề nhắc nhở đến việc tiền bạc khiến họ tưởng được đi nhờ xe. Đến cuối hành trình mới vỡ lẽ đây là xe dù….

Thông thường sau khi bị cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông dừng xe, các tài xế nhanh chóng căn dặn khách hàng. Vì thế lúc xuống xe, toàn bộ hành khách đều bênh vực nhà xe. Họ thường khai với cơ quan chức năng rằng, toàn bộ người trong xe đều quen biết, tài xế đang chở người thân đi chơi chứ không hề thu tiền ai…. Vì thế, để xử phạt được số xe dù ít ỏi trong thời gian qua, cơ quan chức năng sau khi dừng xe phải đưa vào trạm. Sau đó tách tài xế với khách hàng để lấy lời khai từng người một. Khi có 2 khách hàng trở lên thừa nhận thì mới có thể lập biên bản để xử lý.

Cho rằng hoạt động xe dù đang “quá kinh khủng” đặc biệt là những dịp lễ, Tết làm náo loạn cả thành phố Vinh, tuy nhiên đại diện PC08 cho hay, rất khó để xử lý những hình thức vận tải này. Trong vài tháng ra quân vào cuối năm 2017, cảnh sát giao thông cũng chỉ xử phạt được 11 trường hợp. Theo quy định, đối với cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải không có giấy phép sẽ bị xử phạt từ 7 đến 10 triệu đồng, còn đối với tổ chức là 14 đến 20 triệu đồng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mức phạt trên là khá cao nhưng dường như vẫn chưa thể làm “nhụt chí” các lái xe dù. “Do lợi nhuận của việc chạy xe dù là rất lớn nên nhiều xe khách bị phạt vẫn tiếp tục chạy”, lãnh đạo phòng PC08 cho biết.

Một buổi chiều cuối tháng 9, chúng tôi đứng đợi ở một trạm xe buýt gần ngã tư thị trấn Giát (Quỳnh Lưu), để bắt xe vào TP Vinh. Ở đây, vào đầu giờ sáng hoặc đầu giờ chiều, cứ khoảng vài phút lại có một chiếc xe dù tấp vào đón khách. Nhiều xe thậm chí còn công khai để biển “Vinh” ngay sau kính chắn gió như những chiếc xe chở khách “chính thống”.

Phóng viên sau đó lên chiếc xe Ford Everest 7 chỗ của một tài xế tên Thông (trú xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu). “Trong số xe dù chạy tuyến này, xe em là một trong những chiếc xịn nhất đó anh…”, Thông hồ hởi nói sau khi đã chèo kéo thành công được phóng viên lên xe. Trong vai một “hành khách lắm chuyện”, chúng tôi đã được nghe Thông kể không ít chuyện đằng sau tay lái của giới tài xế xe dù ở Nghệ An.

Thông năm nay chỉ mới 29 tuổi, chưa vợ. Anh kể rằng, trước đây từng nhiều năm lái xe rơ móoc thuê ở miền Nam. Hơn một năm trước, thấy nghề này “ăn nên làm ra”, Thông vay mượn một ít cùng với số tiền dành dụm suốt những năm tháng làm thuê để sắm chiếc xe này. “Hồi đó em mua chiếc xe cũ này hết hơn 400 triệu đồng”, Thông nói và cho hay, phần lớn xe dù ở Nghệ An hiện nay thuộc loại Isuzu, thường được các tài xế mua với giá dưới 200 triệu đồng. Những chiếc xe này phần lớn đều được sử dụng qua hơn 10 năm, chuyển tay qua hàng loạt chủ. Để tăng lợi nhuận, giới tài xế thường không chọn xe chạy bằng xăng mà mua những chiếc chạy dầu.

Một ngày, Thông thường chạy 2 chuyến vào Vinh rồi về. Tốn gần 500.000 đồng tiền dầu. “Vì thế mà trên xe phải có 2 khách trở lên em mới có lãi được. Nhưng những chiếc xe cũ kỹ như Isuzu thì chỉ khoảng 300.000 đồng đến 400.000 đồng thôi”, Thông nói. Ngày làm việc của Thông thường bắt đầu từ 4h30 sáng, nhưng nếu có nhiều khách gọi, Thông có thể chạy bất cứ lúc nào theo yêu cầu của họ. Có những lúc đang ngủ hay thậm chí nhậu nhẹt với bạn bè, giới tài xế cũng bật dậy làm việc. “Xe mình bỏ hàng trăm triệu mua, mình làm chủ nên rất áp lực. Nhiều khi muốn nghỉ cũng không được. Vì đồng tiền nên phải gắng”, Thông chia sẻ.

Chưa đầy 5h sáng, tài xế này đã lượn lờ dọc Quốc lộ 1A để đón khách. Trước khi trả khách ở TP Vinh, cũng như nhiều tài xế xe dù khác, Thông không quên xin số điện thoại khách đồng thời “quảng cáo” xe của mình để khách tự lưu danh bạ. “Khi nào xong việc nhớ gọi em em chở về cho tiện nhé”, Thông nói với 2 vị khách bằng giọng nhẹ nhàng. Đây là 2 người phụ nữ lần đầu đi xe anh vào TP Vinh khám bệnh.

Như các xe dù khác, xe của Thông chẳng có một lộ trình cụ thể nào. Tối anh để xe ở nhà tại xã Quỳnh Hoa. Nhưng nếu có khách ở tận Quỳnh Lập (Hoàng Mai), Thông cũng sẵn sàng xuống đó đón để bắt đầu xuất phát từ đây. Nếu không có khách gọi điện trước, anh đành phải lượn lờ bắt khách dọc đường. Nếu khách quá ít, sợ không đủ tiền dầu, nhiều tài xế sẵn sàng “bán khách” cho xe khác. Còn xe mình thì quay trở lại.

Khoảng 8h sáng Thông đã trả hết khách ở TP Vinh để bắt đầu ăn sáng, rồi kiếm một chỗ đỗ xe nghỉ ngơi. Hơn 9h, hàng loạt chiếc xe dù bắt đầu dạo quanh thành phố để đón khách trở về. “Nhưng cũng có khi đón mãi không được khách nào. Nếu ước chừng đầu giờ chiều mới có khách thì lại phải ráng ở lại mà chờ. Tóm lại, chẳng có một lịch trình nào cụ thể cả”, Thông kể.

Tài xế này than rằng, thời gian gần đây nghề này rất khó khăn bởi lượng xe dù đang ngày một đông. “Năm ngoái lúc em mới mua xe thì làm ăn rất được. Nhưng từ đầu năm đến giờ lượng xe dù đã tăng gấp đôi. Hiện tuyến Hoàng Mai – Vinh đã có hơn 70 chiếc rồi. Khách thì không ăn thua, rất áp lực”, Thông nói. Mặc dù đang thời buổi khó khăn, nhưng tài xế này cũng thừa nhận, chạy xe dù như thế này còn thu nhập cao hơn cả tài xế xe khách đường dài. Mỗi tháng thường trên 10 triệu đồng. Nếu vào dịp lễ hoặc những chiếc xe có khách quen đông, mỗi tháng thu nhập của tài xế lên đến hàng chục triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Trong khi đó, theo tính toán của ông Nguyễn Công Lý – Phó chánh thanh tra (Sở Giao thông và Vận tải Nghệ An), mỗi chiếc xe dù một ngày trung bình thường kiếm được khoảng một triệu đồng lợi nhuận. Như vậy, mỗi tháng tài xế xe dù đã có thể bỏ túi khoảng 30 triệu đồng nếu làm việc liên tục.

(Còn nữa)