Xe tải băm nát đường làng

(Baonghean.vn) - Hệ thống giao thông hư hỏng, ô nhiễm môi trường, đó là những gì đang diễn ra hàng ngày tại các địa phương có các công ty khai thác mỏ đá xây dựng.

Xã Đồng Thành, huyện Yên Thành có 3 công ty khai thác đá xây dựng, gồm: Công ty TNHH Thành Nam; Công ty TNHH Đông Thành và Công ty TNHH Cổ phần xây dựng 369. Hàng ngày, xe ô tô vận chuyển vật liệu xây dựng qua lại ngày càng nhiều, khiến hệ thống giao thông của địa phương hư hỏng nghiêm trọng, đi đôi với đó là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Mỏ đá lèn Cò xã Đồng Thành do Công ty TNHH Đông Thành khai thác
Mỏ đá lèn Cò xã Đồng Thành do Công ty TNHH Đông Thành khai thác.

Ông Thái Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết: Địa phương có khoảng 5 km trục đường chính, hàng ngày nườm nượp xe vận tải hàng hóa qua lại vận chuyển đá xây dựng đi khắp nơi tiêu thụ, khiến các trục đường hư hỏng nặng, ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi bay mù mịt, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong vùng. 

Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên đề nghị có giải pháp khắc phục, nhưng đâu vẫn còn đấy. Ông Thành đề nghị các ngành liên quan cần thường xuyên chấn chỉnh tình trạng xe ô tô chở vật liệu xây dựng quá khổ quá tải từ các mỏ đá để giảm bớt hư hỏng đường.

Tuyến đường chính của xã Đồng Thành đã nhiều lần nâng cấp, nhưng làm xong lại hỏng, vì hàng ngày lượng xe ô tô vận tải vật liệu xây dựng từ các mỏ khai thác đá ra vào nhiều
Tuyến đường chính của xã Đồng Thành đã nhiều lần nâng cấp, nhưng làm xong lại hỏng, vì hàng ngày lượng xe ô tô vận tải vật liệu xây dựng từ các mỏ khai thác đá ra vào nhiều

Ông Phan Đăng Hảo – Giám đốc Công ty TNHHH Đông Thành, cho biết: 1 năm công ty nộp hơn 1 tỷ đồng tiền các loại thuế cho nhà nước, ngoài ra còn đóng từ 70 – 80 triệu đồng quỹ phúc lợi cho địa phương sở tại và hỗ trợ từ 1.500 – 2.000 m3 đất đá cho địa phương tu sửa giao thông, làm đường NTM, đầu tư tưới nước chống bụi mặt đường. Công ty đã kiến nghị lên các cấp, ngành hàng năm trích một phần quỹ phục hồi môi trường cho địa phương sở tại được hưởng lợi.

Theo ông Thái Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Đồng Thành, nếu cấp trên trích một phần quỹ phục hồi môi trường cho địa phương thì địa phương sẽ dùng nguồn kinh phí đó đầu tư cho người dân sinh sống trong vùng bị ô nhiễm môi trường máy lọc nước gia đình, hoặc đầu tư xây dựng bể chứa nước mưa, dụng cụ che chắn bụi cho người dân. 

Những chuyến xe chở quá tải khiến mặt đường nứt nẻ, hư hỏng.
Những chuyến xe chở quá tải khiến mặt đường nứt nẻ, hư hỏng.

Xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cũng là địa phương chịu nhiều khổ ải bởi 25 km trục đường chính của xã bị xe vận tải băm nát trong nhiều năm qua. Phần lớn chiều dài của 25 km đường đó là mặt đường đất, chưa được đầu tư nâng cấp, nên mưa thì lầy lội, nắng bụi bay mù, không những ảnh hưởng đến người đi đường, mà còn bay vào nhà dân, bám dày đặc vào các vật dụng trong gia đình.

Ông Nguyễn Hữu Lịch – Phó Bí thư Đảng ủy xã Trù Sơn cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 3 công ty khai thác đá xây dựng: Công ty khai thác vật liệu xây dựng 99; Công ty khai thác vật liệu xây dựng Toản Thành và Công ty khai thác vật liệu xây dựng đá Nghệ An.

Con đường chính của xã Trù Sơn dày đặc ổ trâu, ổ voi, do bánh xe ô tô tạo nên, khiến người dân đi lại rất khó khăn.
Con đường chính của xã Trù Sơn dày đặc ổ trâu, ổ voi, do bánh xe ô tô tạo nên, khiến người dân đi lại rất khó khăn.

Bất cập lớn nhất là hệ thống đường chính hư hỏng và ô nhiễm môi trường, do hàng ngày lượng xe ô tô ra vào vận chuyển vật liệu xây dựng đi tiêu thụ. Mặc dù hàng năm địa phương phối hợp với các công ty khai thác đá đổ đất, đá lên mặt đường, nhưng hệ thống đường vẫn luôn trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Vào mùa mưa, nước đọng trên các ổ trâu, ổ voi lầy lội, người dân đi lại rất khó khăn.

Giải pháp hiệu quả nhất, trong tiến trình xây dựng NTM, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhà nước cần sớm đầu tư xi măng cho địa phương đổ bê tông trên các trục đường chính. 

 Ông Nguyễn Đức Thiện – Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Yên Thành, cho rằng: Lâu nay các đơn vị khai thác mỏ đá xây dựng trên địa bàn huyện nộp 100% quỹ phục hồi môi trường hàng năm cho tỉnh. Trước thực trạng đường giao thông của địa phương sở tại hư hỏng và ô nhiễm môi trường do khai thác mỏ, HBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh hàng năm trích một phần quỹ phục hồi môi trường cho địa phương nhưng UBND tỉnh chưa có quyết định cụ thể.

Để khắc phục tình trạng giao thông hư hỏng, khi UBND tỉnh cấp mỏ, nhà nước cần đầu tư đường vào mỏ có trọng tải cao hơn (hiện đang là đường cấp 5 miền núi) không phù hợp với thực tế, khiến hệ thống giao thông tại địa phương rất nhanh xuống cấp, do lượng xe qua lại nhiều...

Xuân Hoàng 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới