Xem xét các hệ lụy, bất cập khi thực hiệp sáp nhập xã, xóm

(Baonghean.vn) - Tại phiên thảo luận tổ 7 trong kỳ họp thứ 8, HĐND khóa XVII vào chiều 10/12, nhiều đại biểu HĐND các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu đề cập đến những bất cập trong việc sáp nhập cấp xã, xóm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6.
Clip các đại biểu Tổ 7 thảo luận.
Tham dự có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Như Khôi chủ trì phiên thảo luận tổ. Ảnh: Mỹ Nga
Tham dự có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ. Ảnh: Mỹ Nga
Tại phiên thảo luận tổ 7, đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực. Các đại biểu đã tiến hành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2018; các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; hoạt động của HĐND tỉnh và về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh...
Đại biểu Tô Văn Thu - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu đánh giá, mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều giải pháp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Lao động Nghệ An nói chung vẫn phải “ly hương” đi ngoại tỉnh, thậm chí xuất khẩu để tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, những phương pháp quản lý lao động xuất khẩu còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng lao động đi xuất khẩu không chính ngạch, chịu nhiều rủi ro.
Tham dự thảo luận tại Tổ 7 còn có đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu; các sở, ngành: Tài chính; Nông nghiệp & PTNT;  Nội vụ; Văn hóa và Thể thao; Tòa án nhân dân tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh; Cục Thống kê; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Hội Chữ thập đỏ tỉnh. 
Quan tâm đến việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu đề nghị cần đẩy nhanh quá trình này, nhưng cần có cơ chế cho cán bộ sau khi sáp nhập.
Cũng liên quan đến vấn đề sáp nhập cấp xã, xóm, đại biểu Nguyễn Như Khôi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cho rằng, sáp nhập xã, phường là một quá trình không dễ dàng, đặc biệt liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới. Dẫn ví dụ tại huyện Diễn Châu, đại biểu cho biết, hiện tại theo tiêu chí diện tích và dân số, trên địa bàn huyện có 3 xã cần phải tiến hành sáp nhập. Từ đây, đặt ra vấn đề lo ngại trong lãng phí những thiết chế văn hóa đã hoàn thiện đối với những xã về đích nông thôn mới, và xã đang lừng chừng trong xây dựng NTM.
Đại biểu Nguyễn Như Khôi nhận định, sau khi sáp nhập sẽ khó xác định được trung tâm xã. Với xóm được chọn làm trung tâm cũng sẽ gặp khó khăn, quá “sức chứa” khi số lượng hộ dân có thể tăng từ 400-500 hộ, không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt chung. Không chỉ vậy, tình trạng dôi dư cán bộ sau khi sáp nhập cũng là một vấn đề cần được quan tâm.
Các đại biểu chăm chú lắng nghe, và thẳng thắn phát biểu ý kiến. Ảnh: Mỹ Nga
Các đại biểu chăm chú lắng nghe và thẳng thắn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Mỹ Nga
Đại biểu Trần Quốc Dung (Sở Nội vụ) cho biết, hiện nay Bộ Nội vụ đã quyết định tạm dừng sáp nhập các cơ quan hành chính trên địa bàn cấp tỉnh và huyện.  Việc sáp nhập được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 về tinh giản bộ máy, tuy nhiên Chính phủ vẫn chưa ban hành Luật để có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ.

Đối với việc sáp nhập cấp xã, xóm, được thực hiện theo Quy định 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho biết, trong tất cả các tiêu chí sáp nhập, có hai tiêu chí đóng vai trò tiên yếu: diện tích và dân số. Theo đó, những xã thiếu dưới 50% của hai tiêu chí này thì sẽ tiến hành sáp nhập. Như vậy, lộ trình đến năm 2021, Nghệ An sẽ tiến hành sáp nhập 22 xã theo các tiêu chí trên. Tuy nhiên Tỉnh ủy, UBND đã thống nhất quan điểm, sáp nhập phải thận trọng, không nóng vội và có lộ trình rõ ràng, phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, tại buổi thảo luận, các đại biểu còn đề cập những vấn đề như: Việc giải quyết vấn đề cử tri nêu còn chậm trễ; doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi được nghiệm thu các hạng mục an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy, chữa cháy; điều chỉnh lại quy chế về việc dạy thêm, học thêm; rà soát lại các quy hoạch dự án, đặc biệt là những dự án treo, không còn nguồn lực và không có tính khả thi, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây lãng phí nguồn tài nguyên đất; phương pháp quản lý lao động xuất khẩu còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng lao động đi xuất khẩu không chính ngạch, chịu nhiều rủi ro.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đánh giá cao phiên thảo luận tổ 7. Ảnh: Mỹ Nga
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đánh giá cao phiên thảo luận tổ 7. Ảnh: Mỹ Nga
Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, có tinh thần trách nhiệm cao,  bám sát những vấn đề cử tri quan tâm tại thực tiễn cơ sở. Ghi nhận từ cơ sở, cử tri quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính. Đây là nội dung mà các cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt.

Về việc giải quyết những kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, cần phải có lộ trình, trong đó ưu tiên những vấn đề có tính chất cấp bách, trả lời rõ ràng, thấu đáo, đi đúng trọng tâm.

Kết luận phiên thảo luận, ông Nguyễn Như Khôi ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, tổng hợp đầy đủ để phản ánh trong phiên làm việc tiếp theo của HĐND tỉnh.

Tin mới