Xét chứng chỉ IELTS - cuộc đua không dành cho học sinh vùng khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có nhiều ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Nhưng điều này, “lợi” nhiều hơn với học sinh vùng thuận lợi.

Bất cập cho học sinh vùng khó

Từ cuối năm lớp 9, học sinh Nguyễn Thu Uyên (lớp 12A - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP. Vinh) đã có chứng chỉ IELTS 5.5 và tấm giấy thông hành đó là một trong những cơ sở để em được tuyển thẳng vào lớp 10. Tuy nhiên, nếu như trong lần đầu tiên dự thi, Uyên chỉ mất chưa đến 1 tuần tập trung ôn tập và “thi theo may rủi” vẫn được IELTS 5.5 thì lần thi thứ 2 của Uyên để đạt IELTS 7.5 tốn kém hơn rất nhiều. Trong 2 năm ôn thi để có chứng chỉ này, Uyên chia sẻ em trải qua nhiều lớp học ở nhiều trung tâm khác nhau, thậm chí có thời điểm em học 1 kèm 1 với học phí là 600.000 đồng/buổi.

Một giờ học Ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Một giờ học Ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu), năm học trước, học sinh có điểm số IELTS cao nhất trường là 7.5. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường đã có học sinh đạt IELTS 8.0. Số học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ cũng đã tăng từ 19 học sinh trong năm học trước lên khoảng 30 học sinh trong năm học này.

Để có được chứng chỉ Ngoại ngữ, học sinh và cả phụ huynh ở Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn khá kỳ công vì hầu hết các em phải đăng ký một khóa học ở Vinh. Do đó, rất nhiều phụ huynh hàng ngày phải chở con vào Vinh để tham gia các lớp học với quãng đường đi về gần 80km/ngày. Điều này, lại càng khó khăn hơn với các trường vùng cao bởi ở đây các em xa trung tâm, không có giáo viên dạy IELTS ở nơi sở tại và điều kiện kinh tế không đủ để chi trả học phí với số tiền ít nhất là khoảng 100.000 đồng/buổi.

Lớp 12A - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng với 99% học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ. Ảnh: NTCC

Lớp 12A - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng với 99% học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ. Ảnh: NTCC

Một giáo viên ở Trường THCS Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) đã nói rằng, “ở trường chúng tôi học sinh có chứng chỉ IELTS được xem là nhà có điều kiện vì gia đình ở nông thôn lấy đâu kinh phí mà cho con ôn thi từ 100 - 200.000 đồng/buổi học.

Cô giáo Hồ Thị Thúy - giáo viên Trường THPT Quế Phong nói thêm: Ở trường chúng tôi, hàng năm số học sinh có chứng chỉ IELTS rất ít, thậm chí không có. Điều kiện các em ở đây rất khó khăn, vừa không có tiền đi học, vừa không có giáo viên để dạy, vừa không có môi trường để các em rèn luyện Ngoại ngữ.

Tránh tình trạng học lệch

Theo hướng dẫn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 7/4, học sinh lớp 12 cần làm bốn bài thi để được xét công nhận tốt nghiệp. Trong đó, 3 bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các thí sinh có thể lựa chọn một trong hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với chương trình giáo dục thường xuyên).

Một buổi ngoại khóa về Ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn. Ảnh: NTCC

Một buổi ngoại khóa về Ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn. Ảnh: NTCC

Cũng theo quy định, nếu thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 hay TOEFL iBT 45 điểm được miễn thi Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường hợp miễn thi Ngoại ngữ được tính 10 điểm môn Ngoại ngữ.

Việc học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên ở Nghệ An cũng không phải là số ít. Như trong năm 2022, toàn tỉnh có 782 thí sinh được miễn môn thi Ngoại ngữ do các chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên. Con số này tăng hơn 250 em so với một năm trước đó. Trong đó, nhiều nhất là ở 2 trường chuyên, đó là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (190 em), học sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh (189 em).

Ở các trường còn lại, số lượng học sinh được miễn thi cũng khá lớn như Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (140 học sinh), Trường THPT Hà Huy Tập (50 học sinh), Trường THPT Đô Lương 1 (43 học sinh), Trường THPT Lê Viết Thuật (30 học sinh), Trường THPT Cửa Lò (20 học sinh)...

Một buổi học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài ở Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: Mỹ Hà

Một buổi học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài ở Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: Mỹ Hà

Tại thời điểm này, học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh cũng đang trong quá trình đăng ký hồ sơ thi tuyển Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Dù chưa có số liệu cuối cùng nhưng dự kiến số lượng học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ cũng khá đông.

Theo nhiều học sinh, việc có chứng chỉ IELTS, giúp học sinh có nhiều cơ hội, không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp mà còn để đăng ký tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng. Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A và qua thực tế của học sinh, cô giáo Trần Thị Tuyết - giáo viên dạy tiếng Anh nói rằng “chủ trương của Bộ cho học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ được miễn thi môn tiếng Anh là phù hợp. Bởi lẽ để đậu tốt nghiệp học sinh chỉ cần 5 điểm và điều này với học sinh đã có chứng chỉ từ 4.0 trở lên là điều trong tầm tay”.

Qua nhiều năm ôn thi cho học sinh, cô giáo Trần Thị Tuyết cũng nói rằng, để có một chứng chỉ IELTS không dễ dàng và học sinh phải bỏ khá nhiều công sức, tiền của và tâm huyết mới có thể đạt được. Vì vậy, trước khi quyết định học IELTS học sinh phải xác định được mục tiêu của mình và có lộ trình ôn thi phù hợp “tốt nhất là các em hoàn thành từ đầu học kỳ I lớp 12 trở về trước và dành thời gian còn lại để ôn thi các môn học khác”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn cũng đồng tình với chủ trương cho học sinh có chứng chỉ IELTS được miễn thi tốt nghiệp bởi lẽ “đề thi tốt nghiệp để đạt điểm trung bình là không khó”.

Một buổi trải nghiệm với chương trình quốc tế tại Trường TH School của của học sinh Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà
Một buổi trải nghiệm với chương trình quốc tế tại Trường TH School của của học sinh Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Mặc dù vậy, việc học sinh quá tập trung “săn” chứng chỉ mà lơ là các môn học khác, theo cô Hà là chưa phù hợp. "Rất nhiều học sinh chỉ có một mục tiêu duy nhất là IELTS nên các môn học khác năng lực các cháu bị hạn chế và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại trà. Vì vậy, nếu Bộ và các trường đại học quá coi trọng chứng chỉ Ngoại ngữ sẽ dẫn đến việc phát triển thiếu cân đối. Trong khi, Ngoại ngữ chỉ là phương tiện hỗ trợ để tiếp cận với nước ngoài, làm việc với nước ngoài mà học sinh muốn hành nghề giỏi thì đang cần phải có kiến thức của nhiều môn học khác", cô Hà nói.

Tin mới