Xét tuyển đại học năm 2023: Cửa đại học càng nhiều, càng… khó!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Cánh cửa vào đại học ở những trường tốp đầu dường như đang ngày càng khó khăn hơn với nhiều sỹ tử, nhất là với những sỹ tử ở vùng không thuận lợi khi hiện nay, chỉ tiêu trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng bị bó hẹp lại.

Trong khi đó, đây là thời điểm “lên ngôi” cho các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc theo chứng chỉ ngoại ngữ và nhiều tiêu chí phụ khác.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là lợi thế

Cho đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố phương thức xét tuyển năm học 2023. Không nằm ngoài dự đoán, năm nay nhiều trường đại học đã tiếp tục giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó có nhiều trường nằm ở tốp đầu. Chẳng hạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân trong mùa tuyển sinh này dành đến 70% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường. Trong khi đó, phương thức xét tuyển theo kết quả điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chỉ chiếm 25% chỉ tiêu, so với năm trước cũng đã giảm 10%.

Hay như Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng dự kiến chỉ dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, giảm 7% so với năm ngoái.

Giờ ôn tập của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Giờ ôn tập của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Ở phía Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 3.599 chỉ tiêu trình độ đại học hệ chính quy năm 2023 bằng 5 phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, việc xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT năm 2023 chỉ có 45 - 55% tổng chỉ tiêu so với 45 – 70% như các năm trước. Thậm chí, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm một phương thức xét tuyển độc lập; điểm thi tốt nghiệp chỉ là một trong nhiều phương thức kết hợp nhiều tiêu chí. Phương thức kết hợp này gồm các tiêu chí điểm thi đánh giá năng lực, điểm tốt nghiệp, điểm học THPT...

Tại Nghệ An, Trường Đại học Vinh cũng đã công bố 7 phương thức xét tuyển đại học trong năm 2023. Trong đó, chỉ có 50% chỉ tiêu sẽ dự trên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Còn lại trường sẽ lấy từ 10 - 20% với các hình thức như xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ), xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh, xét tuyển thẳng theo Đề án của Trường Đại học Vinh và học sinh dự bị đại học, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức…

Những thay đổi này, đã được dự báo từ các mùa thi trước. Đó cũng là lý do vì sao, trong những năm gần đây điểm chuẩn vào các trường đại học rất cao, thậm chí có những ngành 30 điểm đến trên 30 điểm mới trúng tuyển nếu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bởi lẽ với những ngành này, các trường dành rất ít chỉ tiêu cho thí sinh lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong khi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng cao dẫn đến điểm trúng tuyển cao chót vót.

Học sinh Trường THPT Kỳ Sơn tham gia giờ tự học buổi tối. Ảnh: Mỹ Hà

Học sinh Trường THPT Kỳ Sơn tham gia giờ tự học buổi tối. Ảnh: Mỹ Hà

Việc các trường không sử dụng phương thức xét tuyển truyền thống cũng khiến cho khá nhiều học sinh lo lắng, nhất là học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và không có nhiều điều kiện để ôn tập và tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, thi chứng chỉ Tiếng Anh. Vì thế, dù để vào cánh cửa đại học đang có rất nhiều phương thức, nhưng ở một số trường, học sinh lại cho rằng điều này lại càng làm cho việc xét tuyển vào đại học khó hơn. Điều này cũng lý giải vì sao, thời gian gần đây, số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học ngày càng giảm. Thay vào đó, các em đã lựa chọn các phương thức khác như học nghề, đi xuất khẩu lao động…

Trường chúng tôi không có học sinh đăng ký các kỳ thi đánh giá năng lực mà chủ yếu dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học. Trong bối cảnh hiện nay, điều này là một bất lợi cho các thí sinh. Tuy nhiên, do điều kiện ở đây học sinh rất khó khăn nếu ôn thi và tham gia các kỳ thi khác ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hơn nữa các em cũng không có điều kiện để tham gia các kỳ thi chứng chỉ Tiếng Anh hoặc đánh giá năng lực.

Thầy giáo Lê Văn Tảo - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn

Tại Trường THPT Quế Phong, năm học trước có 1 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực và đây là con một giáo viên trong trường. Riêng năm nay, qua nắm bắt của nhà trường, chưa có một học sinh nào có dự định thi đánh giá năng lực và đại đa số các em sử dụng phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học.

Tìm cơ hội để sớm trúng tuyển vào đại học

Em Chu Văn An – học sinh lớp 12 A4 – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh) là nam sinh vừa giành vị trí cao nhất tại Kỳ thi đánh giá năng lực lần thứ 2 trong năm nay do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với 120/150 điểm. Với kết quả này, hiện nay An có nhiều cơ hội để đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu cả nước như Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Mặc dù kết quả khá khả quan, nhưng cho đến thời điểm này, An vẫn chưa hài lòng. Từ nay đến cuối tháng 6, An vẫn đang lên kế hoạch để chuẩn bị cho Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đồng thời, sử dụng một số phương án phụ khác để có thể dễ dàng trúng tuyển vào ngôi trường mà em mơ ước. Nói thêm về điều này, An cho biết: "Dù kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của em khá cao, nhưng lại không sử dụng được vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thế nên, nếu muốn trúng tuyển em nghĩ phải tham dự nhiều kỳ thi và đồng thời xét tuyển kết hợp với chứng chỉ IELTS 7.5 và giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học".

An là một trong những học sinh đầu tiên của lớp 12A4 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực trong năm nay. Tuy nhiên, từ nay đến khi kết thúc chương trình lớp 12, dự kiến hầu hết học sinh trong lớp sẽ đăng ký tham dự kỳ thi này để “mong muốn sớm được xét tuyển vào đại học”… Đây cũng là lý do vì sao, trong đợt thi lần thứ 4 tới của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Trường Đại học Vinh có khoảng 2.000 thí sinh đã đăng ký dự thi và còn nhiều thí sinh nữa mong muốn được dự thi nhưng hiện nay đã đăng ký quá số lượng.

Học sinh lớp 12 của Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Học sinh lớp 12 của Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Trước việc vào cánh cửa đại học đang ngày càng khó hơn với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển theo kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh cũng đã phải linh hoạt, chủ động lựa chọn nhiều phương án khác để tăng cơ hội trúng tuyển.

Học sinh Phạm Minh Tuấn - lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu) đang có nguyện vọng thi vào ngành Tự động hóa - Đại học Bách Khoa Hà Nội. Vì đây là trường đại học tốp đầu nên Tuấn cho rằng, em khó có thể trúng tuyển nếu chỉ trông chờ vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, Tuấn đang tập trung ôn tập để tham dự thêm 2 kỳ thi, đó là Kỳ thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực, dù điều này thật không dễ dàng.

Em cảm thấy quá tải vì học nhiều môn, tham dự nhiều kỳ thi. Tuy nhiên, em đã đặt mục tiêu cuối tháng 3 phải hoàn thành toàn bộ chương trình lớp 12 và sau đó sẽ phân bổ từng ngày để làm đề ôn.

Phạm Minh Tuấn lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu)

Cùng với Tuấn, người bạn học của em là Hoàng Hữu Quang - lớp 12 A5 Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu) dù đã có lợi thế IELTS 8.0, Học sinh giỏi tỉnh Tiếng Anh, nhưng Quang sẽ tiếp tục tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy và tham dự Kỳ thi SAT để tăng cơ hội trúng tuyển ngành Khoa học máy tính - 1 trong 2 ngành mà Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không xét điểm thi tốt nghiệp.

Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Hùng - Phó Hiệu trưởng THPT Nguyễn Xuân Ôn: Dù là phương thức xét tuyển mới nhưng tính riêng năm 2022 vừa qua, THPT Nguyễn Xuân Ôn có khoảng 200 em tham gia Kỳ thi riêng và chủ yếu là học sinh khá, giỏi. Chính vì thế, để đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp 2023, hiện nhà trường phải điều chỉnh kế hoạch dạy học, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực, năng lực tư duy và khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn để hỗ trợ các em tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ... như thế các em mới có thêm cơ hội để chọn được ngôi trường đại học yêu thích.

Đây cũng là chỉ đạo của ngành Giáo dục Nghệ An nhằm thích ứng và phù hợp với yêu cầu của việc học và thi để xét tuyển vào các trường đại học hiện nay. Thời điểm này, các nhà trường cũng đang tuyên truyền về những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường đại học để giúp định hướng, hướng nghiệp và chuẩn bị tâm lý vững vàng cho học sinh trước nhiều kỳ thi quan trọng phía trước./.

Tin mới