Xin việc hay tìm việc

Trong lộ trình của một đời người mà các bậc phụ huynh chuẩn bị cho con mình, không thể bỏ qua các cột mốc quan trọng sau đây: Thi đại học, xin việc và… lấy vợ.

Lưu ý là mình dùng từ “xin việc”, từ này rất khác với “tìm việc”. Nội tại của chữ “xin” thể hiện một mối quan hệ mà trong đó một bên ở thế bị động và thấp hơn về vai vế so với bên còn lại. Người đi xin là người có nhu cầu còn người cho là người cung cấp. Vì mối quan hệ này không bình đẳng nên đôi khi người đi xin cứ xin, còn người cho có cho không thì chưa chắc. Mà thường thì làm gì có ai cho suông ai cái gì bao giờ, nên cuộc giao dịch xin – cho hầu như luôn đi kèm với sự trả giá nhất định.

Trong khi đó, “tìm việc” lại là một quá trình vận động theo nguyên lý đối nghịch với “xin việc”. Người đi tìm là người chủ động và có nhiều sự lựa chọn. Cuộc giao dịch giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng là cuộc giao dịch bình đẳng và sòng phẳng. Nhiều khi người tìm việc còn “được” việc tìm ngược lại và các nhà tuyển dụng phải đưa ra các chính sách cạnh tranh nhau để thu hút người tài. Trong tình huống đó, có lẽ người đi tìm việc còn ở vị thế ít nhiều cao hơn nhà tuyển dụng.

Ai đi xin việc và ai đi tìm việc? Có một sự thật thú vị là các bậc phụ huynh rất “thích” đi xin việc cho con vào các cơ quan nhà nước. Với họ, biên chế nhà nước là tấm vé bảo hành cho cuộc đời yên ổn dù chỉ với mức lương 3 cọc 3 đồng. Nghỉ việc hay đổi công việc là khái niệm xa vời họ không bao giờ nghĩ đến và cũng không dám nghĩ đến. Đối với họ, đó là một thảm hoạ, một bi kịch, một dấu chấm hết cho cuộc đời. Nếu điều đó đúng thì có lẽ tất cả những ai đi tìm việc bằng đôi chân và năng lực của mình đã kịp chết đi sống lại vài cuộc đời.

Nhưng sự ổn định không phải là luật chơi của cuộc sống. Rồi đây sẽ hết thời của những biên chế hết đời. Rồi đây những ai muốn có việc làm sẽ phải bỏ cái tư tưởng xin – cho đi để thẳng lưng lên mà làm người. Rồi đây đừng ai than phiền về một công việc không như ý nguyện mà vẫn không dám buông tay.

Kỹ thuật: Chôm Chôm