Xin việc

Sự thật là trong nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn, khao khát nuôi con học đại học, cao đẳng để ra trường có công việc ổn định, đổi đời… là mong mỏi chính đáng của cha mẹ. Nhưng những ý nghĩ như: học xong ra trường không có tiền xin việc, không biết có xin việc được hay không, không quen ai để nhờ vả xin việc, học cho lắm rồi cũng thất nghiệp… đã và đang là nỗi ám ảnh, trở thành câu cửa miệng của nhiều người và vô tình gieo vào đầu óc các thế hệ sau những suy nghĩ tiêu cực. Vậy mới có chuyện đứa cháu họ của tôi sau khi nghe mọi người khuyên nên học xây dựng cầu đường vì nghề đó dễ xin việc, cậu ta liền đăng ký học xây dựng cầu đường. Khăn gói ra thành phố nhập học, cậu nói với tôi: “Con học vậy chứ ra có xin việc được hay không thì còn tùy thuộc vào may mắn và số phận nữa”. Tôi kìm nén mãi mới bớt bực bội để phân tích: “Tại sao con lại nghĩ có chuyện may mắn, số phận ở đây? Mình đi học thì phải biết mình thích học ngành gì. Và phải xác định học xong thì sẽ đi làm, không có việc này thì sẽ có việc khác. Chỉ có người không chịu làm việc chứ xã hội này không thiếu việc”…

Ngán ngẩm nhất là lâu nay nhiều sinh viên của chúng ta sau khi học xong lại có tư tưởng về quê nằm chờ xin việc. Tôi thật không thể hiểu tại sao các bạn lại về quê chờ xin việc. Cha mẹ nuôi các bạn ăn học bao nhiêu năm, nhưng chắc chắn cha mẹ không thể nào hiểu mọi chuyện ở thành phố và chuyện xin việc bằng các bạn được. Lẽ ra học xong các bạn phải tự tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình chứ! Chưa nói đến chuyện khi quay trở về quê, ban đầu các bạn còn có chút ý định đi nộp hồ sơ chỗ này chỗ nọ, nhưng có phải xin là được gọi đi làm ngay đâu, chờ một thời gian chắc chắn các bạn sẽ bị mai một ý chí, sẽ thấy ở nhà bình yên quá mà không muốn lăn lộn nữa. Ngày 3 bữa cơm mẹ nấu, xóm làng bình yên, nhà cửa có sẵn… vậy là các ý nghĩ lười biếng sẽ liên tục xuất hiện: giờ mà ra thành phố thuê nhà ở trọ thì sao, ăn cơm bụi thì thế nào, lương đi làm tháng dăm ba triệu thì tiêu sao đủ… Rồi chắc chắn các bà mẹ kính mến sẽ xót con mà nói: “Thôi ở nhà với mẹ con ạ, có rau ăn rau có cháo ăn cháo…”. Còn gì bằng, các bạn sẽ thấy xuôi tai ngay và ở nhà luôn.

Cũng có những bạn sau một thời gian nằm chờ việc như chờ sung rụng mà… việc không chịu tìm đến mình nên đành ở nhà trồng rau cỏ, nuôi lợn gà, buôn bán, lập gia đình… Đó cũng là do chính các bạn lựa chọn. Nhưng đã lựa chọn rồi thì không than vãn và không nên gieo vào đầu óc các thế hệ sau rằng thời nay toàn là người học xong không xin được việc nên phải ở nhà nuôi lợn như anh/ chị A, B, C…

Đó là chưa kể việc khi học xong nếu các bạn về nhà nằm chờ việc thì sẽ có một cơ số kẻ đến mai mối chuyện xin việc. Thế là cha mẹ không đành lòng nhìn con thất nghiệp, đành phải chạy vạy vay mượn, cắm đất cắm nhà để có mấy chục đến mấy trăm triệu mà gửi gắm theo đường dây này đường dây nọ chạy việc cho con. Điều đó vừa tạo nếp suy nghĩ xấu, tạo ra tệ nạn chạy việc trong xã hội vừa gây thêm nợ nần chồng chất cho cha mẹ. Thật đáng buồn khi tôi hỏi chuyện những bạn về quê xin được việc đi làm thì được biết đa phần gia đình các bạn đều phải mất một số tiền, thậm chí là rất lớn so với hoàn cảnh gia đình, để chạy việc.

Các bạn có biết rằng lãnh đạo các đơn vị, các nhà tuyển dụng thường rất có cảm tình với những người trẻ mà tự trực tiếp đến gõ cửa xin việc không? Thậm chí nếu chỗ họ đang không có nhu cầu tuyển người thì có khi họ sẽ nhiệt tình giới thiệu các bạn qua đơn vị khác nữa. Đó là thực tế tôi gặp hồi tôi mới tốt nghiệp và tự lần mò tới xin việc ở một đơn vị nọ, cơ quan đang không có nhu cầu tuyển người nhưng lãnh đạo vẫn hẹn gặp nói chuyện và gọi điện giới thiệu cho một lãnh đạo ở đơn vị khác đang cần nhân sự mà tôi có thể đáp ứng được yêu cầu.

Như vậy để thấy chính mình phải tìm kiếm, tạo ra cơ hội cho mình các bạn ạ. Cứ tốt nghiệp xong thì phải đi làm, nhất định không được về quê nằm chờ việc. Bạn thử hình dung khi một đơn vị nào đó gọi bạn đi làm, người ta hỏi từ khi học xong đến giờ bạn làm chỗ nào, nếu bạn trả lời bạn đã từng trải qua việc này việc nọ có phải có cảm tình hơn là bạn nói bạn về quê nằm chờ việc suốt thời gian qua không?

Một số thực tế nữa khiến các bạn nếu có đi xin việc cũng khó được chấp nhận, đó là: có bạn đi học chỉ biết học, không tự trang bị cho mình kiến thức ngoại ngữ, các kĩ năng giao tiếp; con nhà nghèo mà khi ra trường thì sợ khổ, sợ va chạm; mới ra trường mà đòi công việc cho ngon lành, nhẹ nhàng, lương cao; có bạn lại nói mình nhất nhất chỉ làm được việc mình học, còn việc khác thì không thể…

Xin nhấn mạnh rằng, vấn đề bạn đang cần là có một công việc để đi làm, đừng ăn bám cha mẹ mãi nữa! Các bạn hãy bỏ bớt những đòi hỏi đi! Nếu bạn có đam mê gì khác công việc, thì trước hết cũng phải sống đã rồi mới theo đuổi được đam mê.

Chúng ta không cần kể đến các tên tuổi đâu đâu ở nước nảo nước nào cho xa xôi, các bạn hãy nhìn những người thành công xung quanh mình xem có phải tất cả họ đều học xong là xin được việc ngon lành ngay hoặc lập tức được làm việc đúng ngành nghề mà họ học không? Khi các bạn xông pha đi tìm việc, có việc để làm thì có thể không đúng công việc yêu thích nhưng sẽ có cơ hội tìm được việc mà mình yêu thích. Còn nếu bạn không chịu dũng cảm bước đi, không dấn thân thì không bao giờ bạn có cơ hội nào cả.

Chúng ta hãy xác định mỗi người học xong tự đi xin việc làm là chuyện đương nhiên, không quá dễ nhưng cũng không phải là không thể được. Vậy thì tại sao nhiều bạn sinh viên học xong lại có ý định trở về quê nằm chờ cha mẹ xin việc cho mình? Tại sao lại mặc định để xin được việc là phải quen biết, phải tốn mấy chục, mấy trăm triệu đồng? Xin khẳng định rằng chỉ cần bạn có ý thức học hành và trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết thì khi ra trường bạn hoàn toàn có thể tự tin đi xin việc và đi làm. Chuyện xin việc, vấn đề việc làm thật sự không phải là cái gì đó cao vời quá tầm tay với của các bạn.