Xôn xao lễ mừng cơm mới

(Baonghean) - Lên miền Tây dịp này, khi những rẫy lúa đã bắt đầu chín vàng, khi những bông lúa trĩu hạt đã nằm trên giá, thế nào khách phương xa cũng sẽ được bà con các bản làng đãi một bữa xôi nếp mới. Dẻo thơm, hương nếp mới như thấm vào hầu hết các giác quan và để lại bao dư vị khó có thể quên, dù chỉ một lần thưởng thức. Nhưng nếu may mắn lên trước thời điểm mùa gặt độ khoảng 3 tuần, khách phương xa sẽ có cơ hội được tham dự buổi lễ mừng cơm mới, dù sau này có nếm hết bao sơn hào hải vị cũng phải nhớ đến bữa cơm mừng lúa mới của người vùng cao.
 
Theo tục lệ bao đời nay, khi lúa trên nương bước vào độ chắc xanh, tức là lúc lúa đã tròn hạt và còn ngậm sữa chứ chưa đến độ chín, bà con gặt một ít về làm lễ mừng cơm mới. Những bó lúa xanh gặt về đập lấy hạt rồi luộc chín và phơi khô bằng ánh nắng mặt trời. Sau đó, tiếp tục gác lên mái bếp để đảm bảo cho hạt vừa khô, vừa giòn. Chừng một tuần sau, đem xuống giã và loại bỏ lớp vỏ trấu, lấy những hạt gạo nếp chắc mẩy. Hạt nếp được vò kỹ và ngâm nước chừng vài giờ rồi bắc lên hông. Theo bà con vùng cao, muốn xôi ngon và giữ được hương vị thì phải dùng hông gỗ, loại hông được dùng từ hàng bao đời nay chứ không phải hông bằng nhôm như người dưới xuôi vẫn dùng. Khi từ chiếc hông trên bếp tỏa ra hương vị ngát lừng, ấy là lúc xôi vừa chín.
 
Xôi được bày lên mâm cùng với các loại thức ăn quen thuộc như: thịt gà, thịt lợn, thịt bò, cá moọc và rượu rồi dâng lên bàn thờ tổ tiên và các vị thần linh. Người đàn ông chủ nhà thắp mấy nén hương trước bàn thờ để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, các vị thần linh năm qua đã phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, cuộc sống yên vui và không quên mời họ về cùng an hưởng. Khói hương ngào ngạt cùng không khí trang trọng đã làm cho buổi lễ mừng cơm mới trở nên linh thiêng.

Niềm vui được mùa của bà con bản Quỳnh, xã Xiêng My (Tương Dương)

Khi hương tàn, mâm cỗ được dọn ra. Ngoài các thành viên trong gia đình, buổi lễ mừng cơm mới còn có sự góp mặt của bà con hàng xóm và họ hàng gần xa. Cỗ xôi tỏa hương thơm ngát. Đây là sự hòa quyện giữa hương thơm của ngũ cốc, của hạt lúa non còn ngậm sữa, của hoa cỏ, của giọt sương mai đọng lại trên bông và sự tích tụ của hương thơm núi rừng. Bên cạnh đó là mùi vị hấp dẫn của các loại thực phẩm vốn là đặc trưng của núi rừng miền Tây càng làm cho bữa cơm thêm phần hấp dẫn. Bên chum rượu cần thơm nức, mọi người cùng nhau trao đổi tâm tình. Từ chuyện mùa màng đến chuyện bản, chuyện làng và đến cả chuyện riêng tư đều đưa ra góp vui trong buổi lễ mừng cơm mới.
 
Khi men rượu đã thấm, mọi người cùng cất lên câu lăm, điệu xuối và tiếng cồng, tiếng pí, tiếng khèn lần lượt vang lên rồi cùng nhau hòa điệu. Điệu múa lăm vông quyến rũ bắt đầu, vòng xòe càng được mở rộng. Lúc này đây, đất trời, bản làng và con người dường như hòa cùng một nhịp để mừng một năm được mùa rẫy, mừng bữa cơm mới thắm thiết nghĩa tình. Hương thơm, tiếng hát, tiếng khèn và điệu múa làm xôn xao tấm lòng những người khách miền xuôi...

Công Kiên

Tin mới