Xôn xao 'tre rừng' trong đời sống người dân rẻo cao Nghệ An

(Baonghean) - Cây mét thực chất là một loại tre rừng. Người mạn Thanh Hóa trở ra Bắc gọi mét là luồng. Ở Nghệ An, cộng đồng người Thái gọi là “mẹt”, tiếng Kinh phổ thông vẫn gọi là mét, đây có lẽ cũng xuất phát từ cách gọi tên của đồng bào Thái.
Rừng mét ở huyện Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân
Rừng mét ở huyện Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân

Tuy nhiên gọi tên như thế nào cũng được, miễn là mọi người đều hiểu về loài tre rừng này là được. Phía sau nhà tôi ở lòng hồ Thủy điện Chi Khê (Con Cuông) là những bụi mét già mọc thành từng cụm. Vào mùa xuân, mỗi buổi trưa khi làn gió nhè nhẹ lướt qua, những gốc mét cao lênh khênh lại như mềm mại nghiêng xuống, cành lá rung lên xào xạc, đôi khi nghe được cả tiễng kĩu kịt của những gốc mét va vào nhau như ai đó đang đưa nôi ru con ngủ. Người già ở địa phương cho biết, trước đây vùng đất này có một rừng mét rậm rạp chạy từ rừng xuống sát bờ sông Nặm Pao (Sông Lam).

Chỉ có những người sinh ra, lớn lên trên vùng rừng núi, sống dựa vào sự giúp đỡ của tạo hóa, thiên nhiên thì mới thấu cảm công dụng của tre, của mét.

Ngay từ khi cây mét mới nhú mầm măng ra khỏi mặt đất nó đã giúp ích cho cuộc sống của người dân. Trải qua bao đời cây, đời người, và cho đến ngày nay măng tre vẫn là thứ không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân. 

Măng tre, mét được dùng để chế biến món ăn. Ảnh: Lữ Phú
Măng tre, mét được dùng để chế biến món ăn. Ảnh: Lữ Phú

Nếu như trước đây người bản địa ăn măng để chống đói, để vượt qua mùa giáp hạt, thì nay, măng đã được chế biến để trở thành đặc sản. Và với người miền núi, cho dù cuộc sống đã trở nên khá giả, dù có tha phương thì nghĩ về mảnh đất quê hương là nghĩ về món măng luộc chấm chẻo, chấm ruốc ngày nào. Không chỉ có vậy, trong bức tranh ẩm thực của người Thái Nghệ An, măng mét còn được nướng than để chế biến thành món nộm; ngâm muối làm măng chua dự trữ. Đặc biệt măng chua được nấu với các nguyên liệu như: thịt, cá, nhộng tằm, trứng kiến, châu chấu, ong non... và tạo ra những đặc sản trứ danh chỉ người Thái mới có. 

Với các loại mét khi đã già, người dân dùng chúng để dựng lán, chòi, lát nhà sàn, làm hàng rào, guồng, máng nước. Chưa hết, biết bao đồ dùng, vật dụng trong đời sống sinh hoạt của người miền núi đều được làm từ tre, mét, đó là rổ, rá, sọt cuôi, nong nia, dần sàng, bồ liếp… Đến ngay cả cái tăm cũng từ cây mét mà ra.

Tre, mét góp mặt cả trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Chẳng hạn như mét để làm nhà thờ “chầu đin chầu nhà” (chủ đất chủ cỏ), nhà thờ “lung tá” (đằng ngoại), cây nêu, cây hoa trong lễ hội Xăng khan (Xặng bọc), dựng cây Tồn cảo (cột vũ trụ) bên mồ người chết với những con ve sầu, con quạ thần (cá léo) treo trên đó…

Cây mét là nguyên liệu để người dân đan lát các vật dụng sinh hoạt. Ảnh: Đình Tuân
Cây mét là nguyên liệu để người dân đan lát các vật dụng sinh hoạt. Ảnh: Đình Tuân

Tôi lại nhớ bài “Cây tre Việt Nam” của tác giả Thép Mới, (Trích giảng Văn học lớp 7, Nxb Giáo dục, 1980) mà tôi học hồi còn nhỏ. Tôi tin rằng, người nào đã học ít nhất cũng nhớ được vài câu, đoạn trong bài, như: “Tre sẽ còn mãi với người dân Việt Nam”.

Láng giềng của tôi là anh Vi Văn Linh, ở bản Châu Đỉnh, xã Châu Khê (Con Cuông) mấy hôm nay bận chặt mét để bán. Anh có một rừng mét do tổ tiên để lại. Mỗi lần chặt khoảng 100 cây. Mỗi cây được bán với giá từ 15.000 - 30.000 đồng tùy loại.  “Cháu chặt dón (lựa) lấy những cây già thôi” - anh Linh nói. “Ừ! Phải nuôi nó chứ! Đừng thu hoạch theo kiểu tận diệt”.

Hàng ngày, từ trong nhà trông ra Quốc lộ 7, thỉnh thoảng tôi lại thấy xe tải “siêu trường, siêu trọng” chở mét đi qua, đầy ăm ắp. Mỗi lần tôi đi xuống thị trấn Con Cuông, qua xã Chi Khê đều thấy nhiều nhà tấp hàng đống mét trước cửa chờ xe thu mua đến chở đi.

“Mét rất dễ trồng”, anh Linh nói, “Có khi cắm cọc rào nó cũng lên. Khoảng 5-6 năm là thu hoạch được. Để thật già là khoảng 10 năm”. Tôi đồng ý với anh láng giềng và nói: “Trồng mét bây giờ cũng góp phần để bảo vệ môi trường”. 

Mét được người dân huyện Tương Dương khai thác, bốc xếp lên xe ô tô vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Ảnh: Quang An
Mét được người dân huyện Tương Dương khai thác, bốc xếp lên xe ô tô vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Ảnh: Quang An

Tin mới