Xót thương hoàn cảnh mẹ câm điếc nuôi con u não

(Baonghean.vn) - Mẹ câm điếc nuôi con u não là hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Hoàng Thị Chín ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương.

Chị Chín bị câm điếc từ nhỏ, không nói, không nghe được. Chị chỉ có thể giao tiếp với người khác thông qua ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ... Hồi còn học tại Trung tâm người khuyết tật, chị đã học được cách diễn đạt ngôn ngữ bằng tay, chữ viết và thạo nghề may vá. Lúc chị sinh được cháu Đinh Hoàng Đạt (2013), cuộc đời chị như đã hé mở một niềm hy vọng mới về tương lai.

Mỗi lần cho con ăn, chị Chín lại khóc.
Mỗi lần cho con ăn, chị Chín lại khóc.
Trong ngôi nhà cũ chênh vênh trên sườn đồi, sau này đã được các đoàn thể địa phương và anh em xây dựng lại, hai mẹ con chị và bà ngoại cháu Đạt đã sống qua những ngày khó khăn, thiếu thốn, nhưng ấp áp tình yêu thương. Do tật nguyền, chị đã chọn nghề may vá thủ công để mưu sinh. Hàng ngày, chị thường đạp xe lên thị trấn nhận đồ của các tiệm may, đem về may tại nhà. Tuy khuyết tật, nhưng chị có đôi tay khéo léo và làm việc cẩn thận. Những tấm áo dài do chị may tay đều làm vừa ý khách hàng.
Những tưởng cuộc sống nghèo khó sẽ trôi đi trong yên bình, nào ngờ khi mẹ chị - bà Mã Thị Búp qua đời chưa được bao lâu, nỗi đau chưa dứt thì 1 tháng sau (7/2019), cháu Đạt - con chị phát bệnh hiểm nghèo.
Thấy Đạt đi lại khó khăn, miệng và mắt bị méo lệch, anh em họ hàng đã hỗ trợ chị đưa cháu đi bệnh viện huyện, tỉnh và ra Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ kết luận cháu bị u não ở vị trí nguy hiểm và mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hai lần đưa Đạt đi Hà Nội để phẫu thuật nhưng đều phải quay về. Từ một cháu bé khỏe mạnh, kháu khỉnh, căn bệnh quái ác đã làm Đạt phải nằm liệt giường, chân tay co quắp, mắt trái bị mờ dần.
Mỗi khi nói về con, chị thường giơ 2 bàn tay thể hiện, miệng ú ớ không thành tiếng.
Mỗi khi nói về con, chị thường giơ 2 bàn tay thể hiện, miệng ú ớ không thành tiếng.
Biết con bị u não, chị Chín như chết lặng, “nghĩ khôn thì ít, nghĩ dại thì nhiều”. Tuy chị không nói ra, nhưng ai cũng đoán được nỗi lòng thương con của người mẹ tật nguyền. Mỗi lúc chăm sóc, lau rửa, cho con uống sữa, chị lại khóc, nước mắt lăn dài trên gò má, mặn chát nỗi đau.
Khi có người hỏi về con, chị thường giơ 2 bàn tay lên ôm lấy đầu, miệng ú ớ không thành tiếng rồi chỉ vào đứa con đang nằm trên giường. Rồi chị lắc đầu, hoa tay để nói về con trông thật tội nghiệp.
Những ngày con đau bệnh, chị vẫn phải đạp xe đi thị trấn lấy đồ về may vá. Lúc nào rời nhà thì chị nhờ anh em đến trông dùm cháu để đi. Ngồi trên giường, chị vừa bóp tay, bóp chân cho con, vừa tranh thủ may hàng cho khách. Những lúc con đau quá, chị mới nép đồ để vỗ về con.
Anh trai chị Chín chia sẻ: Tội lắm, bản thân thì tật nguyền, sinh được đứa con nghĩ phúc trời chăm nuôi để làm chỗ dựa. Ai ngờ, cháu đổ bệnh hiểm nghèo, mẹ thì câm điếc nay lại phải nuôi con bị u não.
Hàng ngày chị Chín hành nghề may vá để mưu sinh.
Hàng ngày chị Chín hành nghề may vá để mưu sinh.
Trong gian ngoài của ngôi nhà tình thương, đối diện với bàn thờ người mẹ già vừa mới qua đời hơn 3 tháng nay, là chiếc giường nơi Đạt đang nằm dưỡng bệnh. Theo người thân của cháu, từ ngày đưa Đạt về nhà chăm nom, chữa trị, chờ thời gian ra Hà Nội tái khám, bệnh tình của cháu dường như ngày càng nặng hơn, không có dấu hiệu tiến triển.
Gia cảnh của người phụ nữ khuyết tật vốn đã nghèo khó lại càng gieo neo, vất vả. Có mặt tại nhà chị Chín, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của người mẹ câm điếc nuôi con bị u não, chắc nhiều người không cầm lòng nổi.
Ông Nguyễn Hữu Sáu - xóm trưởng xóm 5, xã Trung Sơn cho biết: “Gia đình chị Chín có hoàn cảnh éo le nhất xóm, mẹ già mới mất, con trai đau bệnh hiểm nghèo, bản thân chị là người khuyết tật câm điếc, điều kiện vô cùng khó khăn. Thời gian qua Mặt trận xóm cũng như các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã quan tâm, hỗ trợ, nhưng chủ yếu là động viên tinh thần, hoàn cảnh này rất mong sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng”.
Clip: Hoàn cảnh éo le của mẹ con chị Chín.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Hoàng Thị Chín, xóm 5, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. 

Hoặc thông qua Phòng Phát hành - HĐXH, Báo Nghệ An, số 3, đường Lênin, TP Vinh. Điện thoại: 02383.686.585

Tin mới