Xót xa những "vần thơ da cam"

(Baonghean.vn) - Qua 6 lần sinh nở nhưng chỉ nuôi được 4; trong số 4 người con, 2 người mắc chứng bệnh thiểu năng trí tuệ, 2 người con gái lấy chồng, sinh con đều bị thiếu cân. Tất cả do thứ chất độc da cam quái ác.

Bà Phan Thị Liên (SN 1948) sinh ra và lớn lên ở xã Tường Sơn (Anh Sơn). Năm 17 tuổi, người con gái ấy quyết định gác lại chuyện học hành để lao động sản xuất. Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Liên xung phong vào Đội dân quân trực chiến. Thời gian này, người con gái ấy đem lòng yêu thương Bùi Công Mỹ (SN 1941), người cùng làng. Đất nước lâm nguy, cũng như bao chàng trai thời chiến, Bùi Công Mỹ sớm cầm súng lên đường, theo đơn vị làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở nước bạn Lào, rồi về nước chiến đấu ở vùng núi rừng Quảng Trị và Tây Nguyên.

1.	Vợ chồng bà Liên và 2 người con bị nhiễm chất độc da cam
Vợ chồng ông Mỹ- bà Liên và 2 người con bị nhiễm chất độc da cam

Năm 1973, Bùi Công Mỹ hoàn thành nghĩa vụ trở về với gia đình, quê hương. Đúng như lời hẹn ước, đám cưới của 2 người được tổ chức trong niềm vui sướng, hân hoan của 2 bên gia đình và bạn bè, người thân. Niềm vui sướng, hạnh phúc càng được nhân lên khi tình yêu của 2 người đơm hoa, kết trái. Bà Liên mang thai và sang đầu năm sau sinh hạ con gái đầu lòng.

Nhưng niềm vui sướng đó chợt nguội lạnh khi đứa con đầu sinh ra thân hình dị dạng, trí não không bình thường và mất khi chưa đầy 3 tuổi. Hình ảnh đứa con đầu tật nguyền, dị dạng vẫn đi về và ám ảnh tâm trí của người mẹ và kết đọng thành những mấy vần thơ: “Gần 3 năm sao con chẳng nói?/ Mẹ gọi con, con chẳng thèm nhìn/ Mẹ đau lòng và khóc trong đêm/ Sao con mình như vậy? /Đôi chân con sao không đứng dậy/ Cái tai con sao chẳng buồn nghe/Thân thể con bé bỏng, khẳng khiu/Ăn chẳng được, ốm đau quặt quẹo /Xót thương con ngày càng tàn héo/ Rồi một ngày rời mẹ con đi...”.

2.	Bà Liên chải đầu cho Bùi Công Sơn- đứa con bị nhiễm chất độc da cam
Bà Liên chăm sóc cho Bùi Công Sơn- đứa con bị nhiễm chất độc da cam

Rồi 5 năm sau, bà Liên mang thai đứa con thứ 2, niềm vui sướng, hạnh phúc đan xen sự lo âu, thấp thỏm. Và thật bất hạnh khi đứa con trai thứ 2 sinh ra thân hình vẫn dị dạng, trí não không bình thường. Và đứa con gái thứ 3 sinh ra cũng giống như anh trai mình. Giờ đây, cả 2 người con ấy đều đã trên tuổi 30 nhưng suốt ngày lang thang ngoài đường, không giúp được bố mẹ bất cứ việc gì.

Trước hoàn cảnh ấy, bà Liên bày tỏ nỗi lòng người mẹ qua những vần thơ đầy xót xa, gói trọn nỗi buồn tủi, lo âu và cả niềm hy vọng: “Con ơi! Ba mốt tuổi rồi/ Sao con chẳng biết một lời yêu đương?/Người ta cuộc sống bình thường/Tuổi con họ đã gia đình ấm êm/Bây giờ con chỉ biết chơi/Mai kia mẹ phải xa rời trần gian/Thương con cuộc sống cơ hàn/Dù cho núi bạc, núi vàng làm chi?/Thời gian vun vút trôi đi/Mẹ già, con dại có gì tội hơn?/Lo buồn, nghĩ ngợi thâu đêm/Thôi đành phó mặc để xem thế nào/Nhưng còn anh chị, đồng bào/Ra tay giúp đỡ lẽ nào không xong”.

3.	Bà Phan Thị Liên với những bài thơ “Nỗi đau da cam”
Bà Phan Thị Liên và những bài thơ “Nỗi đau da cam”

Qua 3 lần sinh nở, cả 3 đứa con đều dị dạng nên bà Liên luôn khát khao có được những đứa con bình thường, khỏe mạnh. 3 đứa con Bùi Thị Hương, Bùi Thị Lợi và Bùi Công Lực lần lượt chào đời. Những khổ đau, bất hạnh được bù đắp khi 3 người con này sinh ra bình thường. Hiện tại, 2 người con gái đã có gia đình riêng và sinh con nhưng đều bị thiếu cân, trí não phát triển chậm. Vợ chồng bà Liên đặt tên Lực cho con trai út là để gửi gắm niềm hy vọng về một thân hình khỏe mạnh bình thường, làm điểm tựa cho ông bà lúc chiều tà, xế bóng. Nhưng khi Lực vừa lên 3, một cơn đau bụng đột ngột đã cướp đi sinh mạng. Nỗi đau và bất hạnh của người bố, người mẹ đã đi đến tận cùng giới hạn...

Đến nay, hình bóng đứa con trai bé bỏng, đáng thương ấy vẫn chập chờn trong giấc mơ của người mẹ: “Con mất rồi tại bệnh viện quê nhà/Bởi căn bệnh chưa tìm thấy bệnh/Vì chất độc da cam đã ngấm/Đã cướp con trên tay mẹ mất rồi/ Ôi đứa con nối đời của mẹ!/Con đi xa hai mươi năm có lẻ/Mẹ gặp con trong giấc ngủ mơ màng/Mẹ sướng vui khi được ở bên con/ Nhưng, trời ơi! Đó chỉ là giấc mộng...”.

Từ nỗi đau của chính mình, bà Phan Thị Liên khái quát thành nỗi đau chung của những người cùng cảnh ngộ: “Thương những ai nằm trong trận tuyến/Đã ngấm rồi chất độc da cam/Cơ thể đớn đau, thân xác bàng hoàng/Sinh con cái trăm đường cực khổ/Đàn con tôi- đó là chứng cớ/Về nỗi đau muôn thuở không phai”. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới