Ý kiến đảng viên:

Xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm: Tránh 'dĩ hòa vi quý'

(Baonghean.vn) -Có nhiều trường hợp nhờ kiểm tra, giám sát, nhờ xử lý kỷ luật mà cảnh tỉnh, ngăn chặn được sự “sa lầy”, quá đà của tập thể, cá nhân, tạo cơ hội và điều kiện cho họ tiếp tục công tác. Cách xử lý như vậy là đúng với phương châm “chữa bệnh cứu người”...

Kiểm tra, giám sát có vai trò rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Hoạt động lãnh đạo bao gồm nhiều nội dung, trong đó có vấn đề xây dựng bản thân đảng chính trị. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng phải thực hiện kiểm tra, giám sát. Đó là yếu tố cực kỳ quan trọng, bảo đảm thắng lợi của công tác lãnh đạo.

Vấn đề có tính nguyên lý ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Không kiểm tra là không lãnh đạo. Người còn viết: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho Nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.

 Kỳ họp thứ ba của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII  -ảnh minh họa
Kỳ họp thứ ba của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII - Ảnh minh họa

Kiểm tra, giám sát là để thực hiện “Xây” và “Chống”. “Xây” là xây năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây sự đoàn kết thống nhất, xây kỷ luật, kỷ cương của Đảng,... “Chống” là chống tham nhũng, lãng phí; chống chuyên quyền, độc đoán, chống chạy chức, chạy quyền, chống “diễn biến” trong công tác cán bộ,...

Kiểm tra, giám sát nghiêm minh, thường xuyên còn là để đánh giá đúng phong trào, đánh giá đúng cán bộ; chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Thông qua kiểm tra, giám sát còn là để phát hiện, khẳng định, nêu gương những  việc làm mới, nhân tố mới, những người tốt, việc tốt,... để nhân rộng, lan tỏa trong Đảng và trong xã hội.

Trong những năm gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều vụ đại án được đưa ra ánh sáng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Chắc chắn những cán bộ, đảng viên chân chính đều nhận thức đầy đủ việc thi hành các hình thức kỷ luật đối với tổ chức đảng, đối với cán bộ, đảng viên là bất đắc dĩ. Mặt khác, phải nói công tác kiểm tra, giám sát nói chung, việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên nói riêng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc “trị bệnh cứu người”, ngăn chặn được những nhận thức, mưu đồ hành vi sai trái, thậm chí kịp thời cứu được một số cán bộ đang chênh vênh “bên vực thẳm”!

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Thực tế, đã có những đồng chí là chủ trì địa phương, đơn vị, do nhận thức không đầy đủ, bản lĩnh không vững vàng, do năng lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm,...  đã có những sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính hoặc làm sai trong công tác cán bộ. Qua kiểm tra, giám sát, đã phân tích, chỉ rõ những sai phạm. Có những cán bộ bị xử lý đúng mức bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức, chuyển công tác khác phù hợp.

Phải nói công bằng, có nhiều trường hợp nhờ kiểm tra, giám sát, nhờ xử lý kỷ luật mà cảnh tỉnh, ngăn chặn được sự “sa lầy”, quá đà của tập thể, cá nhân, tạo cơ hội và điều kiện cho họ tiếp tục công tác. Cách xử lý như vậy là đúng với phương châm “chữa bệnh cứu người”, khẩu phục, tâm phục.

Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh. Kỷ luật Đảng có bốn hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ đảng. Phát hiện đúng khuyết điểm, lỗi phạm nhưng cả nể, “đá bóng lên trên”; lẽ ra mức độ là cách chức nhưng chỉ biểu quyết là khiển trách hoặc cảnh cáo,... rồi để cấp trên “phán quyết”! Những trường hợp như vậy, cần được kiểm điểm nghiêm túc, kể cả có thể kỷ luật cả tập thể và cá nhân những người chịu trách nhiệm trong việc đưa ra quyết định ấy.

Hiện tượng này không ít. Qua báo chí, thông tin, được biết có những trường hợp đang chờ quyết định của thanh tra, kiểm tra về sai phạm hoặc vừa “dính” kỷ luật vẫn được đưa vào danh sách ứng cử, đề cử vào cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp, thậm chí đại biểu Quốc hội. Có cán bộ cấp cao có tài sản hàng trăm tỷ đồng không lý giải được mà chỉ cảnh cáo… Trong khi, một cán bộ ở cơ sở biển thủ dăm triệu đồng là cách chức.

Nên nhớ là một viên chức mẫn cán, suốt một đời làm việc, chủ yếu lo được ăn mặc, phương tiện sinh hoạt cơ bản cho vợ chồng và vài đứa con, tài sản rất bình thường, hưởng lương hưu năm, sáu triệu. Nhiều người không có ô tô, nhà to, không có tiền tiết kiệm để “dưỡng già”.

Nói như vậy, là việc xử phạt các vi phạm sau kiểm tra, giám sát vẫn nhiều nơi chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe và mức xử phạt cũng còn thiếu công bằng.

Bác Hồ đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Khen thưởng ban hành đúng lúc thì kẻ sĩ cũng liều thân cống hiến. Hình phạt được thực hiện đúng chỗ, nghiêm minh thì kẻ tàn ác cũng sợ hãi, tránh đi. Đề ra thế nào phải thực hiện công khai, khách quan, nghiêm minh, đúng Điều lệ, đúng pháp luật. Có như vậy, kiểm tra, giám sát mới thực sự là “thượng phương bảo kiếm” của công tác xây dựng Đảng!  

Tin mới