Xử lý hình sự các hành vi vi phạm về pháo

(Baonghean) - Dịp cuối năm là thời điểm nhạy cảm để nhiều đối tượng tìm cách thu lợi từ việc kinh doanh, sản xuất, vận chuyển thuốc pháo, pháo nổ. 

Đối tượng có hành vi mua bán pháo bị công an phát hiện, bắt giữ
Đối tượng có hành vi mua bán pháo bị công an phát hiện, bắt giữ

Những năm qua, từ hiệu quả hoạt động của các cơ quan, ban ngành, với vai trò chủ lực là lực lượng công an, nhiều vụ phạm pháp về pháo được phát hiện cho thấy tình trạng vận chuyện, mua bán, sản xuất pháo các loại vẫn luôn “nóng” và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Vì mục đích lợi nhuận, các đối tượng không từ mọi thủ đoạn tìm cách tuồn pháo vào Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, thời gian qua việc xử lý bằng pháp luật hình sự các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ và thuốc pháo còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong quy định của các văn bản pháp luật.

Theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại năm 2005, “pháo các loại” thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh; Thông tư liên tịch số 06/2008 giữa Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc cũng nêu rõ hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhưng theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 thì quy định: “pháo các loại” lại thuộc danh mục “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”. Chính vì vậy, dẫn đến việc Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Thương mại năm 2005 có sự chồng chéo nhau về đối tượng điều chỉnh.

Nghệ An là một trong những địa bàn phức tạp về tội phạm liên quan đến pháo nổ. Trong thời gian qua, đã có nhiều vụ việc về pháo đã được các cơ quan chức năng của Nghệ An phát hiện và xử lý. Mặc dù vậy, việc xử lý hình sự các vụ án về pháo nổ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Lực lượng CSGT (Bộ Công an) phối hợp với CSGT Công an tỉnh bắt vụ vận chuyển gần 100 kg pháo nổ.
Lực lượng CSGT (Bộ Công an) phối hợp với CSGT Công an tỉnh bắt vụ vận chuyển gần 100 kg pháo nổ.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Tại Nghệ An có đến 26 vụ án tòa án sắp đưa ra xét xử phải tạm hoãn xét xử, đồng thời, VKSND hai cấp của Nghệ An cũng không phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố hoặc gia hạn tạm giữ đối với các đối tượng buôn bán pháo nổ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC”.

Trước bất cập đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng  mắc trong các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm về pháo, ngày 22/11/2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua luật sửa đổi bổ sung  Điều 6 và phụ lục 4, Luật Đầu tư 2014 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (có liệu lực từ 1/1/2017).

Theo đó, pháo nổ là hàng hóa cấm kinh doanh và đã được đưa ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời dự thảo Luật Sửa đổi,  bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng đã bổ sung quy định xử lý hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo các loại với số lượng từ 6kg trở lên.

Để đáp ứng tốt yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, hành vi vi phạm về pháo nổ và thuốc pháo nói riêng, ngày 9/12/2016, Giám đốc  Công an tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An ra Công văn liên ngành số 2153/HDLN-CA-VKS-TA về việc hướng dẫn xử lý hành vi vi phạm về pháo nổ và thuốc pháo.

Theo đó, đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ và thuốc pháo mới được phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng chưa xử lý nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật hình sự hiện hành và Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ và thuốc pháo.

Đối với các vụ án về các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ, thuốc pháo và Viện Kiểm sát đã truy tố theo Điều 155, Bộ luật Hình sự, Toà án nhân dân hai cấp thụ lý tạm đình chỉ theo nội dung Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 26/1/2016 của Tòa án nhân dân tối cao thì khi Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4, Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2017), Tòa án nhân dân các cấp đưa các vụ án đang tạm đình chỉ ra xét xử và tiếp tục thụ lý các vụ án mới theo quy định của pháp luật. 

Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới