Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng

(Baonghean) - Hỏi: Việc xử  lý kỷ luật đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước là người có công với cách mạng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến qua các thời kỳ có được coi là tình tiết giảm nhẹ khi xử lý kỷ luật đảng viên hay không? (Trần Văn Thành – Nam Thành – Yên Thành)
Trả lời: - Điều 34, Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức đảng và đảng viên có thành tích được khen thưởng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”.
- Khoản 1, Điều 35, Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời”.
- Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 35 hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI (Ban  hành kèm Quyết định số 46-QĐ/TƯ, ngày 1/11/2011 của Bộ Chính trị khóa XI), quy định:
“Việc thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật cho phù hợp theo thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước quyết định đó.
Trong xử lý phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận khách quan, đầy đủ, chính xác. Cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã qua giáo dục, ngăn chặn vẫn làm trái; không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất hoặc có hành vi đối phó với việc kiểm tra; phân biệt đảng viên khởi xướng, tổ chức, quyết định với đảng viên bị lôi kéo, đồng tình làm sai”.
- Khoản 1, Điều 3 Quy định số 94-QĐ/TƯ, ngày 15/10/2007 của Bộ Chính trị quy định: “Những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau được xem xét giảm mức kỷ luật:
a) Chủ động báo cáo vi phạm của mình, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm.
b) Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh về những người cùng vi phạm.
c) Chủ động khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường những thiệt hại do mình gây ra”.
Như vậy, theo những quy định trên thì trường hợp đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật là người có công với cách mạng, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến qua các thời kỳ, hiện nay chưa được quy định là tình tiết giảm mức kỷ luật khi xem xét, xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn xem xét thành tích, cống hiến của đảng viên để cân nhắc, quyết định kỷ luật thấu tình, đạt lý bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của Đảng trong xử lý kỷ luật đối với đảng viên.
Hỏi: Ở đại hội chi bộ, khi biểu quyết các chỉ tiêu trong nghị quyết đại hội, đồng chí bí thư nói các đảng viên dự bị đều được biểu quyết, trừ biểu quyết, bỏ phiếu bầu các cơ quan lãnh đạo. Như vậy đúng hay sai? Chi bộ biểu quyết đề nghị kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng bằng phiếu kín. Có đồng chí nói làm như vậy là không đúng, có đồng chí cho như thế là lạm dụng, có đồng chí lại cho rằng đảng viên dự bị được bỏ phiếu và biểu quyết kết nạp đảng viên. Ý kiến nào đúng?
Điều 3, Điều lệ Đảng đã ghi: “…Đảng viên dự bị có các quyền trên, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng”. Theo quy định trên thì trong đại hội và trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, đảng viên dự bị không có quyền biểu quyết, bỏ phiếu kín. Khi chi bộ biểu quyết đề nghị kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, việc sử dụng hình thức giơ tay hay bỏ phiếu kín đều hợp lệ. Nhưng lựa chọn hình thức nào do chi bộ quyết định; dù biểu quyết bằng giơ tay hay bỏ phiếu kín thì đảng viên dự bị đều không được quyền biểu quyết.
T.N

Tin mới