Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất phân bón vi phạm chất lượng

(Baonghean) - Phân bón kém chất lượng  vẫn được tuồn ra ngoài thị trường, trong khi nhiều cơ sở sản xuất phân bón chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Thực trạng sản xuất phân bón đang đặt ra nhiều thách thức cho các ngành chức năng trong công tác quản lý.

8 mẫu phân bón kém chất lượng

Thị trường phân bón đang ngày càng diễn biến phức tạp khi nhiều vụ vi phạm về chất lượng được các ngành chức năng phát hiện trong thời gian gần đây.

Mới đây nhất, đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, bao gồm sản phẩm được sản xuất trong tỉnh và các sản phẩm của các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh như Hà Nội, Long An, Ninh Bình, Lào Cai, Thanh Hóa.

Đoàn đã lấy 24 mẫu phân bón để thử nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy, sản phẩm phân bón hỗn hợp của một cơ sở sản xuất trong tỉnh có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và chỉ tiêu chất lượng theo quy định. Bên cạnh đó, có 7 mẫu phân bón của 6 cơ sở kinh doanh có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

q
Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất phân bón của Tổng Công ty cổ phần VTNN Nghệ An.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chánh Thanh tra Sở KH&CN cho biết: Các mẫu phân bón mà đoàn lấy để đưa đi kiểm nghiệm là ngẫu nhiên và được kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, có uy tín. Vì thế, kết quả phản ánh là chính xác và khách quan. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở kinh doanh theo Nghị định 80/2013 của Chính phủ với tổng số tiền là 15,55 triệu đồng. Đối với cơ sở sản xuất, Sở KH&CN đã chuyển hồ sơ vụ vi phạm lên UBND tỉnh xử phạt doanh nghiệp vi phạm 160 triệu đồng. 

o
Chị Nguyễn Thị H. một trong những gia đình trồng mía ở xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn phàn nàn về chất lượng phân bón ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây mía.
Phân bón giả không có giá trị dinh dưỡng, gây mất mùa, phá hoại môi sinh, mà còn khiến nhà nước thất thu một khoản lớn. Đó mới chỉ là tính toán theo khoản tiền mất đi chưa tương xứng với hàm lượng chất dinh dưỡng được công bố trên bao bì. Còn những thiệt hại vô hình và hậu quả do sử dụng phân bón giả, phân kém chất lượng gây ra với mùa màng, môi trường, sức khỏe cộng đồng thì còn nguy hại khôn lường.

Trước đó, vào năm 2013, các ngành chức năng đã bắt được nhiều vụ phân bón giả nhái các nhãn hiệu uy tín. Như vụ việc vào ngày 04/8/2013, đội chống buôn lậu (PC46), CA Nghệ An đã ập vào nhà vợ chồng đối tượng Lê Thị Hương (trú tại xóm Chợ Vịnh, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương) bắt quả tang Hương đang cho bốc 232 bao phân bón giả (loại 25kg/bao) mang nhãn hiệu NPK 8-10-3 của Cty TNHH Phân bón Việt Mỹ lên xe ô tô để đưa lên huyện Quế Phong tiêu thụ. Kiểm tra tại kho của đối tượng cơ quan công an thu giữ thêm 5.755 vỏ bao đã in nhãn hiệu phân bón NPK 8-10-3 của Cty TNHH phân bón Việt Mỹ.

Theo ông Nguyễn Tùng Sơn, Đội trưởng Đội cơ động (Chi cục QLTT) thì qua kiểm tra phát hiện chất lượng một số sản phẩm phân bón không đúng như tiêu chuẩn. Điều đáng lo nhất là các cơ sở làm ăn chụp giật, các đơn vị ngoài địa bàn vào kinh doanh phân bón kém chất lượng để bán cho người dân.

Chưa có giấy phép sản xuất

Kể từ ngày 1/2/2014, Nghị định 202/2014 của Chính phủ có hiệu lực thì lĩnh vực phân bón được chia tách trong công tác quản lý. Cụ thể, ngành công thương quản lý phân bón vô cơ, còn ngành nông nghiệp quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác. Thế nhưng, kể từ khi tiếp nhận từ ngành nông nghiệp đến nay thì công tác quản lý nhà nước mặt hàng phân bón của ngành công thương còn hết sức lúng túng.

p
Đoàn thanh tra lấy mẫu phân bón của Nhà máy sản xuất phân bón và dịch vụ nông nghiệp (Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An).

Ông Lê Đức Ánh, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công thương) cho biết: Sau khi tiếp nhận từ ngành nông nghiệp thì Sở Công thương đang trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện. Do tất cả mọi thứ đang mới nên để công tác quản lý đi vào quy cũ thì ít nhất cũng phải sang năm 2016 mới thực chất.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 12 đơn vị sản xuất phân bón vô cơ và khoảng 430 đơn vị kinh doanh phân bón. Theo ghi nhận ban đầu thì hầu hết các cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ trộn bán tự động theo kiểu vừa máy, vừa cuốc xẻng. Về năng lực sản xuất thì đa phần ở mức thấp, từ 5 - 10.000 tấn/năm. Chỉ một số ít doanh nghiệp có năng lực sản xuất trên 50.000 tấn/năm như Tổng công ty VTNN Nghệ An, Công ty CP Hóa chất Vinh.

Để các cơ sở hoạt động đúng quy định, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 31/2015 về quản lý chất lượng phân bón trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn cho các cơ sở xây dựng hồ sơ gửi ra Bộ Công thương để được cấp giấy phép sản xuất phân bón.

Nếu đến tháng 2/2016, cơ sở nào không có giấy phép thì sở sẽ tiến hành xử phạt theo quy định. Cho đến thời điểm hiện nay, theo ghi nhận thì trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào được cấp giấy phép sản xuất phân bón. Bên cạnh đó,  mới chỉ có 9/12 cơ sở sản xuất phân bón công bố hợp quy.

pơ
Để có cơ sở kiểm chứng, đoàn đã đến tận nhà người dân để lấy mẫu phân bón.

Vấn đề khó khăn nhất trong quản lý chất lượng phân bón là lấy mẫu kiểm định. Hiện trên địa bàn tỉnh không có phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc có đăng ký, thiếu cán bộ kỹ thuật, phương tiện, thiết bị nên việc đánh giá chất lượng là một vấn đề không dễ dàng. Trong khi đó, chi phí giám định cao, thời gian dài, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý do khi có kết quả, cơ sở vi phạm đã bán hết cho nông dân, vô tình tạo điều kiện để phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường. 

Vì vậy, cơ quan quản lý chất lượng phân bón cần có biện pháp yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên gửi mẫu thử nghiệm chất lượng theo các lô phân bón, đồng thời xử lý, nghiêm các cơ sở vi phạm quy định kiểm soát chất lượng trong sản xuất. Bởi phân bón là loại hàng hóa đặc thù, đã sử dụng bón cho cây trồng thì không thể thu hồi lại được do vậy khi người nông dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng đem sử dụng và chịu thiệt hại thì không giám định được chất lượng để làm căn cứ xử lý.

Theo Nghị định 202/2013 của Chính phủ thì các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có giấy phép sản xuất phân bón. Cụ thể, theo Thông tư 29/2014 của Bộ Công thương và Thông tư 41/2014 của Bộ Nông nghiệp thì các cơ sở này phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn lực như diện tích nhà xưởng, kho, máy móc thiết bị... Bên cạnh đó, phải áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng như  đảm bảo đầu vào, có phòng thử nghiệm hoặc thỏa thuận với các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, đã đăng ký để quản lý chất lượng sản phẩm, có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường...

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới