Bài cuối: Hài hòa lợi ích, phù hợp định hướng

Xử lý tài sản công sau sáp nhập - Bài 2: Hài hòa lợi ích, phù hợp định hướng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Việc xử lý tài sản công sau sáp nhập hiện nay đang thực hiện theo quy trình, giao quyền chủ động cho các địa phương đề xuất qua Sở Tài chính thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Hiện nay, tổng số cơ sở nhà, đất cần sắp xếp đã được phê duyệt xong đợt 1, đồng thời tiến hành các bước để phê duyệt đợt 2. Tuy nhiên, việc xử lý cần đảm bảo tính căn cơ và định hướng lâu dài.

>> Bài 1: Lúng túng phương án sắp xếp

VƯỚNG HỒ SƠ PHÁP LÝ

Hiện nay, để xử lý tài sản công sau sáp nhập, theo quy trình, từng cơ sở cấp xã xây dựng phương án cụ thể trình chính quyền cấp huyện, trên cơ sở đó các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp, báo cáo với Sở Tài chính thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt phương án cuối cùng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, một số địa phương đang gặp những khó khăn, vướng mắc do các trụ sở nhà văn hóa xóm, kể cả trụ sở xã (đối với xã sáp nhập) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nên khi làm phương án đề xuất đòi hỏi phải thực hiện trích đo lại diện tích trong điều kiện nhiều cơ sở cùng làm một lúc, nên đơn vị thực hiện chức năng này khó đáp ứng về tiến độ.

Trong tổng số 29 nhà văn hóa thì có đến 13 nhà văn hóa chưa có bìa đất, trong đó có những cơ sở cũng chưa tiến hành đo đạc".

Ông Lưu Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương
Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát cơ sở vật chất sau sáp nhập tại xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh khảo sát cơ sở vật chất sau sáp nhập tại xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Hay ở thị trấn Nam Đàn, ngoài trụ sở thị trấn cũ chưa có bìa đất thì các nhà văn hóa phần lớn cũng rơi vào tình trạng trên. Ông Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, toàn huyện phải sắp xếp 363 tài sản công sau sáp nhập, chủ yếu là các nhà văn hóa khối, xóm. Tuy nhiên, huyện gặp khó khăn do hồ sơ pháp lý các nhà văn hóa bị thất lạc, sai sót, do vậy trình phương án sắp xếp theo quy định chậm. Nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí để Chi nhánh Văn phòng Đất đai thực hiện trích đo nhà đất dẫn đến thực hiện trích đo kéo dài. Mặt khác, một số xã công chức địa chính mới điều chuyển về nên chưa nắm hết hồ sơ, số liệu dẫn đến khi có yêu cầu báo cáo, cung cấp hồ sơ lại thực hiện chậm, chưa thống nhất được số liệu.

Đối với huyện Quế Phong, trên cơ sở đề xuất của huyện với tổng 408 cơ sở phải sắp xếp, nhưng tỉnh mới chỉ phê duyệt 351 cơ sở, trong đó có 337 cơ sở nhà, đất giữ lại tiếp tục sử dụng và 14 cơ sở nhà, đất được điều chuyển sang cơ quan khác sử dụng. Theo bà Nguyễn Thị Hoài - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Quế Phong, 57 cơ sở còn lại chưa được tỉnh phê duyệt nằm trong những trường hợp điều chuyển và bán đấu giá nhưng chưa đảm bảo về hồ sơ thủ tục, như chưa trích đo, trích lục, chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trụ sở xã Nam Thượng cũ, huyện Nam Đàn đang được giao cho xóm quản lý, sinh hoạt. Ảnh: Mai Hoa

Trụ sở xã Nam Thượng cũ, huyện Nam Đàn đang được giao cho xóm quản lý, sinh hoạt. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với các yếu tố khó khăn nêu trên, câu chuyện kinh phí để thực hiện đo đạc cũng đang tạo áp lực, gánh nặng cho các địa phương, nhất là các địa bàn nông thôn không có nguồn thu, các xã, huyện nghèo. Đơn cử như huyện Quế Phong, theo số liệu báo cáo của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, nếu đo đạc lại toàn bộ nhà và đất của 168 cơ sở chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần khoảng 700 triệu đồng; nếu đo đạc lại toàn bộ các cơ sở nhà đất có thay đổi hiện trạng so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp thì chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Từ thực tiễn đó, các địa phương đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ địa phương một phần kinh phí để thực hiện.

Hiện nay, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, qua thẩm định của Sở Tài chính, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất sau sáp nhập đợt 1. Cụ thể, số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp quản lý, sử dụng là 1.436 cơ sở, với tổng diện tích hơn 1.673.589m2 và diện tích nhà hơn 227.011m2; theo đó, giữ lại để tiếp tục sử dụng là 1.398 cơ sở; bán tài sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất 6 cơ sở; thu hồi 9 cơ sở và điều chuyển 23 cơ sở.

Tuy nhiên, vẫn còn đến 2.866 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất hơn 4.314.049m2 và diện tích nhà gần 488.983m2 nhà chưa được phê duyệt phương án sắp xếp. Cụ thể là ở cấp xã có 122 cơ sở; khối, xóm, bản còn 2.613 cơ sở; đơn vị sự nghiệp công lập là 131 cơ sở. Cùng với đó, có 476 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập không có nhu cầu sử dụng, hiện cũng chỉ mới có 40 cơ sở đã được phê duyệt phương án, 436 cơ sở còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ pháp lý để trình phê duyệt.

Nhà văn hóa làng Đại Đồng, xã Hưng Tiến sau sáp nhập để hoang mấy năm nay. Lãnh đạo xã Hưng Nghĩa đề xuất tiếp tục cho người dân sử dụng phục vụ mục đích cộng đồng.

Nhà văn hóa làng Đại Đồng, xã Hưng Tiến sau sáp nhập để hoang mấy năm nay. Lãnh đạo xã Hưng Nghĩa đề xuất tiếp tục cho người dân sử dụng phục vụ mục đích cộng đồng.

CÓ NHẤT THIẾT PHẢI BÁN ĐẤU GIÁ TOÀN BỘ?

Số lượng diện tích đất, số cơ sở nhà, đất đang chờ phương án phê duyệt sắp xếp rất lớn và phương án xử lý có 4 cách gồm: Giữ lại tiếp tục sử dụng; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thu hồi hoặc điều chuyển. Hiện nay, xử lý như thế nào đối với từng tài sản phù hợp 1 trong 4 phương án để đảm bảo tính toán căn cơ và định hướng lâu dài phụ thuộc rất lớn tính chủ động đề xuất từ cơ sở. Qua nắm bắt được biết, đối với các nhà văn hóa khối, xóm, bản, cơ bản đều được đề xuất giữ nguyên để tiếp tục phục vụ người dân.

Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, phương án sắp xếp trên địa bàn là cơ bản giữ nguyên các nhà văn hóa xóm sau sáp nhập. Trong đó, lựa chọn nhà văn hóa ở địa điểm trung tâm có diện tích rộng hơn, có thể cơi nới, làm thêm mái tôn để bà con sinh hoạt; các nhà văn hóa còn lại tổ chức thành khu sinh hoạt của các cụm dân cư và các tổ tự quản tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao như bóng chuyền, cầu lông, định hướng thời gian tới có thể tổ chức các địa điểm này thành các thư viện xanh, thân thiện.

Sau sáp nhập, khối Bắc Trung thị trấn Nam Đàn được xây dựng mới. Ảnh: Mai Hoa

Sau sáp nhập, khối Bắc Trung thị trấn Nam Đàn được xây dựng mới. Ảnh: Mai Hoa

Cũng liên quan đến nội dung này, ông Phạm Chí Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa cho biết: Tổng số tài sản công trên thị xã cần sắp xếp lại và xử lý là hơn 215 tài sản, trong đó các nhà văn hóa khối, xóm chiếm số lượng lớn. Tháng 5 vừa qua, thị xã Thái Hòa đã xử lý đợt 1 được 158 tài sản công. Trao đổi về hướng xử lý cho các nhà văn hóa khối, xóm dôi dư hoặc cần sắp xếp trên địa bàn, người đứng đầu UBND thị xã Thái Hòa cho biết: Để xác định các nhà văn hóa này tiếp tục sử dụng lại, thu hồi hay điều chuyển thì phải trên cơ sở đề nghị các xã, phường sau khi tổ chức họp khối, xóm để lấy ý kiến và thống nhất với người dân.

Qua nắm bắt thì người dân đều mong muốn giữ lại các điểm nhà văn hóa này để làm địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao".

Ông Phạm Chí Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa

Việc thiên về phương án tiếp tục sử dụng đối với các nhà văn hóa khối, xóm, bản được xem là giải pháp hợp lý vì thực tế, nhiều địa phương gặp phải những khó khăn khi bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với những dạng tài sản công này. Nguyên nhân dẫn đến người mua không “mặn mà” là do cách định giá để bán đấu giá bao gồm cả diện tích đất và tài sản trên đất. Nhưng thực tế, người mua chỉ có nhu cầu với phần diện tích đất, còn nhà lại không phù hợp công năng sử dụng song vẫn phải cấu thành vào giá, nên việc bán đấu giá có những nơi khó thực hiện; chưa kể có những nhà văn hóa ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa lại càng khó thu hút người mua. Trong khi đó, sau sáp nhập, quy mô về diện tích, dân số các khối, xóm, bản đều tăng lên nên nhu cầu người dân cần những địa điểm sinh hoạt thể thao, văn hoá thuận lợi, phù hợp.

Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Vừa qua, trước những tồn tại trong vấn đề này, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua phiên giải trình, những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, phương án xử lý đã được phân tích kỹ càng. Qua đó, đại diện cho UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, UBND tỉnh sẽ hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý đối với 2.866 cơ sở nhà, đất còn lại vào cuối năm 2022.

Kết luận phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu ngay sau phiên giải trình: UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát lại quy hoạch đất đai, gắn liền với các thiết chế văn hóa ở khối, xóm, bản để sử dụng những tài sản này một cách phù hợp, hiệu quả, có tầm nhìn lâu dài. Theo đó, Chủ tịch HĐND tỉnh gợi mở hướng xử lý là cần quy hoạch, xây dựng những nhà văn hóa khối, xóm, bản thuộc diện sắp xếp thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cho nhân dân thông qua kêu gọi nhân dân chung tay, góp sức để thay đổi công năng sử dụng. Mặt khác, các địa phương, các ngành liên quan cần thống kê, rà soát lại các trụ sở của cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn do cấp trên quản lý để có phương án xử lý đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, vì đây là những trụ sở có vị trí đắc địa.

Quang cảnh xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Sách Nguyễn

Quang cảnh xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Sách Nguyễn

Tin mới