Xử lý trách nhiệm 25 người đứng đầu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng

(Baonghean.vn) - Đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm 11 người đứng đầu tại 4 cơ quan, địa phương, đơn vị để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình phụ trách; Xử lý trách nhiệm 14 người đứng đầu tại 8 cơ quan, địa phương, đơn vị khi để xảy ra các sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai.

Những tấm gương “mờ”

Qua đấu tranh PCTN, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý một số vụ việc lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi.

Điển hình như vụ án xảy ra tại Ban Dân tộc tỉnh. Theo đó, Kim Văn Bốn - nguyên là Công chức phòng Chính sách dân tộc thuộc Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An được giao thực hiện một số nhiệm vụ trong quá trình thực hiện Đề phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ đu trên địa bàn xã Nga My, huyện Tương Dương. Quá trình thực hiện, Kim Văn Bốn đã có hành vi lập khống hồ sơ, chiếm đoạt tiền ngân sách, tổng số tiền là 350.000.000 đồng.

Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt ông Kim Văn Bốn. Ảnh tư liệu Trọng Tuấn
Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt ông Kim Văn Bốn. Ảnh tư liệu Trọng Tuấn

Ngày 21/7/2020 và 30/7/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố vụ án, và Quyết định khởi tố bị can đối với Kim Văn Bốn về tội “Tham ô tài sản”. Còn Nguyễn Tâm Long - nguyên Phó trưởng Phòng Chính sách dân tộc cũng bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 2, Điều 353, Khoản 1, Điều 360 BLHS. Quá trình điều tra xác định: Ngoài hành vi trên, năm 2019, thực hiện gói thầu số 02 trong Đề án, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã ký hợp đồng với Công ty CPXD Văn Sơn, địa chỉ xóm 8, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Trong  đó, có hạng mục mua sắm máy cày Kubuta với giá tiền 224.500.000 đồng để cung cấp cho bên hưởng lợi là bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.

Quá trình thực hiện gói thầu trên, Nguyễn Tâm Long là người được lãnh đạo Ban giao nhiệm vụ tham mưu và trực tiếp thực hiện. Quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và thanh toán mặc dù biết hạng mục máy cày xới đất không có (khống), tuy nhiên, Long vẫn tham mưu cho Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An ký nghiệm thu. Trên cơ sở đó, ngày 21/01/2020, Ban Dân tộc đã làm các thủ tục giải ngân cho Công ty CPXD Văn Sơn. Sau khi nhận được tiền, Công ty CPXD Văn Sơn không thực hiện việc mua sắm máy cày xới đất như đã thỏa thuận trong hợp đồng, gây thất thoát cho tài sản của Nhà nước.

Ngày 30/7/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Tâm Long, Lê Văn Sơn và Nguyễn Đình Thịnh (cán bộ Công ty CPXD Văn Sơn) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 2 Điều 356 BLHS. Vụ án hiện đang điều tra. Mới đây, cơ quan chức năng cho biết đã có quyết định chuyển tội danh khởi tố đối với Nguyễn Tâm Long từ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sang "Tham ô tài sản".

Cơ quan công an tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Tâm Long tại Ban dân tộc tỉnh. Ảnh tư liệu Đức Vũ
Cơ quan công an tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Tâm Long tại Ban dân tộc tỉnh. Ảnh tư liệu Đức Vũ
Trong một vụ án khác, vào khoảng tháng 12/2019, do thiếu tiền tiêu xài cá nhân nên Nguyễn Hoàng Thông - Cửa hàng trưởng Cửa hàng Tôn Hoa Sen Nam Đàn - Chi nhánh Nghệ An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã gọi điện cho nhân viên thị trường của cửa hàng là Lê Trọng Bắc nói sẽ trực tiếp thu tiền của các khách hàng có công nợ. Từ tháng 12/2019 đến giữa tháng 01/2020, Nguyễn Hoàng Thông đã trực tiếp thu tiền của 05 khách hàng với tổng số tiền là 181.303.000 đồng.

Đến ngày 20/01/2020, biết được thông tin Tập đoàn Hoa Sen - Chi nhánh tỉnh Nghệ An yêu cầu các cửa hàng báo cáo công nợ, nên Thông nhắn tin cho Cao Thị Nho - nhân viên bán hàng kiêm thủ quỹ của cửa hàng với nội dung đã thu đủ tiền nợ của các khách hàng nêu trên và yêu cầu Cao Thị Nho báo cáo giảm hết công nợ cho tất cả các khách hàng trên hệ thống phần mềm rồi Thông sẽ chuyển toàn bộ số tiền trên cho hệ thống Tập đoàn Hoa Sen - Chi nhánh tỉnh Nghệ An. Sau khi nhận được yêu cầu của Thông, Nho vào phần mềm quản lý khách hàng giảm công nợ các khách hàng về 0 đồng nhưng sau đó Thông không nộp tiền vào tài khoản công ty.

Ngày 23/01/2020, Tập đoàn Hoa Sen - Chi nhánh tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra và lập biên bản về hành vi sai phạm của Nguyễn Hoàng Thông. Đến ngày, 30/01/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen - Chi nhánh Nghệ An có đơn tố giác tội phạm đối với hành vi chiếm đoạt số tiền 181.303.000 đồng của Thông. Ngày 10/8/2020 và 24/8/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hoàng Thông về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Khoản 2, Điều 353 BLHS. Vụ án hiện đã kết thúc điều tra, truy tố, chờ xét xử.

Đó chỉ là 2 trong những vụ án liên quan đến tham nhũng mà cơ quan chức năng đã thụ lý điều tra trong thời gian gần đây. Tập trung vào các tội danh:  tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ... mà đối tượng phạm tội là giáo viên, cán bộ lãnh đạo xã, xóm, công chức địa chính; cán bộ HĐBT giải phóng mặt bằng, cán bộ trong doanh nghiệp...

Bị cáo Phan Tiến Sỹ nguyên Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành và các đồng phạm tại tòa. Ảnh tư liệu Trần Vũ
Bị cáo Phan Tiến Sỹ - nguyên Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành và các đồng phạm tại tòa. Ảnh tư liệu Trần Vũ

Đau xót là nhiều vụ việc có đông đối tượng phạm tội, có cả lãnh đạo chủ chốt như vụ án Ngô Xuân Nghĩa - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ và đồng phạm, phạm tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” liên quan đến bán đất không đúng quy định của pháp luật. Cùng bị khởi tố có Trịnh Hữu Minh - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã và 02 cán bộ nguyên là địa chính, tài chính xã này. Hay vụ án Phan Tiến Sỹ và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ” xảy ra tại BQL rừng phòng hộ Yên Thành…

Thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và đạo đức công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.

Trong năm 2020, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã thụ lý điều tra 08 vụ/30 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó án cũ chuyển qua: 3 vụ/14 bị can, thụ lý mới: 05 vụ/16 bị can. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phát hiện gây thiệt hại hơn 28,91 tỷ đồng, bao gồm 10,94 tỷ đồng và 196.378 m2 đất (tương ứng hơn 17,97 tỷ đồng); trong đó đã thu hồi 10,46/10,94 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 95,6%). Tính trong vòng 10 năm (2011-2020), toàn tỉnh phát hiện, xử lý 522 cán bộ, đảng viên phạm pháp hình sự, trong đó phạm tội về tham nhũng, chức vụ có 60 trường hợp.

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí và nhân dân đã cùng đồng hành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Ban nội chính Tỉnh ủy kiểm tra rà soát các kết luận thanh tra KTXH tại thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu Lê Thủy
Ban Nội chính Tỉnh ủy kiểm tra rà soát các kết luận thanh tra KTXH tại thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu Lê Thủy

Nhiều cơ quan, đơn vị đã ban hành các quy định về quản lý cán bộ, công chức; tổ chức cho người lao động ký kết giao ước thi đua, cam kết không vi phạm đạo đức công vụ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, tích cực cải cách hành chính để phòng ngừa việc lợi dụng công vụ để sách nhiễu. Bên cạnh đó, các hoạt động thanh tra bao gồm (thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, tự kiểm tra nội bộ; thanh tra trách nhiệm, thanh tra công vụ..) cũng được các ngành chức năng phối hợp thực hiện quyết liệt và đồng bộ.

Trong năm 2020, qua công tác thanh tra đã phát hiện tổng giá trị sai phạm là 44,773 tỷ đồng; trong đó, kiến nghị thu hồi 28,031 tỷ đồng và xử lý khác 16,742 tỷ đồng; phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 20.564 m2 đất. Kết quả, đã thu hồi 23,587 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 84,2%); xử lý khác 16,742 tỷ đồng, thu hồi về cho Nhà nước 1.305/1.404 m2 đất, đạt tỷ lệ 92,95%.

Riêng thanh tra hành chính, đã kiến nghị xử lý hành chính 59 tổ chức và 179 cá nhân có sai phạm; chuyển 02 vụ việc có dấu hiệu sai phạm qua cơ quan cảnh sát điều tra là vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong quản lý tài chính - ngân sách tại UBND xã Long Sơn, huyện Anh Sơn và trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Qua đó, xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với 02 cá nhân và khiển trách đối với 03 cá nhân là cán bộ, công chức có sai phạm qua thanh tra việc quản lý tài chính - ngân sách tại UBND xã Long Sơn (Anh Sơn).

Bên cạnh các giải pháp phòng, chống vi phạm đạo đức công vụ, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 2993-QĐ/TU ngày 8/7/2019 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên BTV, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh Nghệ An".

Quy định thể hiện rõ cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nhiều hơn. Đồng thời, những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm, nhất là các sai phạm liên quan đến hoạt động thực thi công vụ đều bị xử lý nghiêm. Đến nay, đã xử lý trách nhiệm 11 người đứng đầu tại 4 cơ quan, địa phương, đơn vị để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình phụ trách. Xử lý trách nhiệm 14 người đứng đầu tại 08 cơ quan, địa phương, đơn vị khi để xảy ra các sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai.

Cán bộ thanh tra tỉnh rà soát nhiệm vụ theo chuyên môn. Ảnh tư liệu Thanh Lê
Cán bộ Thanh tra tỉnh rà soát nhiệm vụ theo chuyên môn. Ảnh tư liệu Thanh Lê

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh: Công tác thu hồi tài sản do hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ trong lĩnh vực đất đai gây ra gặp nhiều hạn chế. Đất sau khi được bán, đổi hoặc giao trái thẩm quyền cho các hộ dân hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xây dựng các công trình có giá trị lớn để ở và định cư ổn định, canh tác lâu dài trên đất được giao. Nếu phải thu hồi sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân nên việc thu hồi diện tích đất bị giao, bán trái quy định không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, mục đích của các bị can là cán bộ của xã, thôn khi thực hiện hành vi giao đất, bán đất, cho thuê đất… hầu hết sử dụng tiền thu vào việc xây dựng các công trình phúc lợi của thôn, xã, phục vụ dân sinh; sau khi bị khởi tố các bị can cũng đã nộp tiền khắc phục nhưng đa số đều khó khăn về kinh tế, nên việc thu hồi tài sản trong các vụ án này thường không thực hiện được.

Để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong hoạt động công vụ, ngoài việc tiếp tục tổ chức triển khai các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN và Chương trình hành động thực hiện công tác PCTN phù hợp với thực tiễn, tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ sớm có các văn bản quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương để có thể sớm triển khai thực hiện theo quy định của Luật PCTN năm 2018.

Tin mới