Xứ Nghệ với các cuộc kháng chiến chống giặc Minh

(Baonghean.vn) - Xứ Nghệ vinh dự đã là “kinh đô kháng chiến” của nhà Hậu Trần, là “đất đứng chân” của nghĩa quân Lam Sơn và đóng góp rất nhiều cho các cuộc kháng chiến, cho chiến thắng của dân tộc trước âm mưu xóa tên Đại Việt của giặc nhà Minh (Trung Quốc).
Hoan Châu - Tiền đồn của Đại Việt

Hoan Châu - Tiền đồn của Đại Việt

(Baonghean.vn) - Dưới thời Lý - Trần, Hoan Châu/Nghệ An, từ một miền biên viễn xa xôi, đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ và mở mang bờ cõi đất nước. Giai đoạn này (khoảng 400 năm) cũng đánh dấu những phát triển hưng thịnh về kinh tế, văn hóa của Nghệ An lúc bấy giờ.

Thất bại của nhà Hồ, đất nước lầm than

Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly truất Vua Trần, tự xưng hoàng đế, lập ra nhà Hồ. Mặc dù có nhiều cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng nhưng vì huy động quá nhiều tiền của, công sức của dân chúng và ngân khố quốc gia cho việc xây dựng quân đội, thành lũy nên trăm họ oán thán, không phục, không theo.

Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397. Ảnh tư liệu
Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397. Ảnh tư liệu

Trong lúc đó, ở Trung Quốc, nhà Minh đang ở thời điểm cực thịnh và có âm mưu thôn tính Đại Việt và các quốc gia Đông Nam Á. Nhân lúc nhà Trần đổ, nhà Hồ đang gặp nhiều khó khăn, cuối năm Bính Tuất (1406), nhà Minh tấn công Đại Việt. Năm Đinh Hợi (1407), sau một vài kháng cự yếu ớt, nhà Hồ nhanh chóng bại trận.

Tháng 4 năm 1407, nhà Minh đổi quốc gia Đại Ngu thành quận Giao Chỉ thuộc Minh; dưới quận là phủ, châu, huyện. Cả nước bị chia làm 15 phủ, vùng Nghệ Tĩnh ngày nay hồi đó gồm hai phủ Nghệ An và Diễn Châu. Năm Đinh Dậu (1417), quân Minh lại tách Châu Quỳ của phủ Diễn Châu vào phủ Thanh Hóa. Bộ máy đô hộ sau còn nắm xuống tận xã, thôn. Ngoài quan lại, tướng tá nhà Minh còn tuyển dụng nhiều tay sai người bản xứ. Chúng xây dựng nhiều thành lũy, đồn ải, trong đó có thành Nghệ An và thành Diễn Châu  (thành Trài) để đàn áp sự phản kháng của dân ta. Triệt phá mọi di sản văn hóa của người Việt nhằm âm mưu đồng hóa văn hóa. 

Tham gia kháng chiến của nhà Hậu Trần

Ngày tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), Trần Ngỗi là con thứ của Trần Nghệ tông tự xưng là Giản Định Hoàng đế, đặt niên hiệu Hưng Khánh, tổ chức khởi nghĩa ở Mộ Độ (Yên Mô, Ninh Bình). Bị đàn áp, nghĩa quân phải rút vào Nghệ An. Một số thủ lĩnh nghĩa quân và quan lại yêu nước của nhà Trần, nhà Hồ cùng đông đảo nhân dân Nghệ An tham gia. Cuối năm 1407, Nghệ An, Diễn Châu được giải phóng.

Giặc Minh đã thi hành chính sách tàn bạo và hà khắc với nhân dân ta. Tranh vẽ minh họa
Giặc Minh đã thi hành chính sách tàn bạo và hà khắc với Nhân dân ta. Tranh vẽ minh họa

Đặng Tất, quê Thiên Lộc/Can Lộc, làm quan thời nhà Hồ, sau nhận chức của nhà Minh để náu mình. Năm 1407, ông dấy binh ở Hóa Châu rồi tham gia khởi nghĩa Trần Ngỗi. Cùng với Nguyễn Cảnh Chân, quê Thanh Chương, là hai nhân vật chủ yếu của cuộc khởi nghĩa. Năm 1408, quân Minh phản công, nghĩa quân tạm  rút về Hóa Châu. Quân Minh rút về Đông Quan, nghĩa quân quay ra lấy lại Nghệ An, lại quay vào Nam  giải phóng phủ Tân Bình, quay tiếp ra Bắc tấn công Diễn Châu rồi thừa thắng đánh ra tận Bình Than (Hải Dương), Hàm Tử (Hưng Yên), Tam Giang (Phú Thọ). Vua Minh điều viện binh sang, ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tý (1408) bị Đặng Tất đánh bại ở Bô Cô, phải rút về cố thủ Đông Quan. Nhưng sau đó Đặng Tất cùng Nguyễn Cảnh Chân bị Trần Ngỗi nghi kị rồi giết chết.

Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị là con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân rời bỏ Trần Ngỗi, về Nghệ An tổ chức khởi nghĩa mới. Ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu (1409), lập Trần Quý Khoáng là cháu của Trần Nghệ Tông lên làm vua, niên hiệu Trùng Quang. Để thống nhất lực lượng hai cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân ra Bắc bắt Trần Ngỗi đem về Nghệ An rồi tôn làm Thái Thượng hoàng. Hành dinh của Vua Trùng Quang ở Bình Hồ (Chi La/Đức Thọ), đối diện với thành Nghệ An qua sông Lam. Từ Nghệ An, nghĩa quân tiến ra Bắc, đánh chiếm Hàm Tử, Bình Than… làm cho quân Minh khốn đốn phải hai lần điều quân sang tiếp viện. Nhưng từ năm 1042 nghĩa quân suy yếu dần và thất bại vào năm 1413.

Cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng. Tranh vẽ
Cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng. Tranh vẽ

“Đất đứng chân” của khởi nghĩa Lam Sơn 

Cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần thất bại nhưng người dân xứ Nghệ tiếp tục nổi dậy chống giặc Minh.

Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418), Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa) và nhanh chóng thu hút được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước. Ở Nghệ An có anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí ở Thượng Xá (nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc) tham gia ngay từ đầu.

Thời kỳ đầu, nghĩa quân chủ yếu hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa, quân ít, lương thiếu nên thắng ít thua nhiều, bị quân Minh, quân Ai Lao và các tù trưởng miền núi vây đánh nhiều trận, 3 lần phải rút chạy lên núi Chí Linh những năm 1418, 1419, 1422 và một lần cố thủ ở Sách Khôi năm 1422.

Năm 1422, Lê Lợi xin giảng hòa chờ thời cơ. Năm 1423, khi thực lực được củng cố, nghĩa quân Lam Sơn lại tiếp tục cuộc chiến nhưng vẫn khó khăn nhiều mặt, nhất là định hướng chiến trường phát triển cuộc khởi nghĩa. Trước tình thế đó, tướng Nguyễn Chích hiến kế: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông… Nay ta trước hãy đánh lấy đất Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra Đông Đô, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”.

Ngày 20 tháng Chín năm Giáp Thìn (1424), nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công đồn Đa Căng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để khai thông đường vào Nghệ An. Trên đường tiến vào Trà Lân, nghĩa quân tiếp tục đánh thắng ở trang Trịnh Sơn (nay thuộc xã Thạch Ngàn - Con Cuông) - tiền đồn phía Đông Bắc của thành Trà Lân. Tháng 10 năm 1424, nghĩa quân bắt đầu bao vây thành Trà Lân đồng thời chốt chặn phòng địch từ thành Nghệ An và Diễn Châu lên ứng cứu. Sau 2 tháng bị vây hãm, lại không có viện binh, Cầm Bành và toàn bộ quân lính phải mở thành xin đầu hàng. Cả một vùng rộng lớn ở miền Tây Nghệ An được giải phóng, nhân dân hồ hởi hưởng ứng. Các thủ lĩnh khởi nghĩa ở Nghệ An như Cầm Quý, Phan Liêu, Lộ Văn Luật, Nguyễn Vĩnh Lộc… tìm đến gia nhập.

Cầu treo khe Rạn (Con Cuông). Ảnh: Hải Vương
Cầu treo khe Rạn (Con Cuông). Ảnh: Hải Vương

Mùa Xuân năm 1425, địch tập trung lực lượng từ Đông Quan và thành Nghệ An phản công hòng lấy lại thành Trà Lân. Đại quân ta lập trận địa phục kích ở ải Khả Lưu và Bồ Ải - những vị trí hiểm yếu trên đường lên thành Trà Lân. Thắng lớn trận này, nghĩa quân khai thông đường tiến xuống đồng bằng Nghệ  An. Giặc Minh lâm vào thế bị động, phải “đóng giữ cửa thành bền chặt”.

Nghĩa quân tiến xuống bao vây thành Nghệ An và tiến sang Đỗ Gia (Hương Sơn) xây dựng căn cứ địa ở Động Tiên Hoa/Đãng Phủ - vùng ngã ba sông Khuất (hói Nầm) và Ngàn Phố. Tại đây, nghĩa quân được nhân dân nghênh đón, ủng hộ sức người, sức của.

Thế và lực của nghĩa quân ngày càng mạnh. Triều đình nhà Minh viện binh từ Đông Quan và thúc bách quân ở thành Nghệ An phải đàn áp bằng được cuộc khởi nghĩa. Ngày 27 tháng Tư năm Ất Tị (14/5/1425), quân Minh ở thành Nghệ An và tăng viện từ Đông Quan phản kích lên căn cứ Đỗ Gia. Nghĩa quân bố trí một thế trận phục kích liên hoàn kéo dài từ ngã ba Tam Soa (giao giữa ngàn Sâu, ngàn Phố và sông La - cuối huyện Chi La đầu huyện Đỗ Gia), lên tới ngã ba Nầm, vào tận sông Khuất. Nghĩa quân mở đường nhử địch từ thành Nghệ An theo sông Lam, sông La lên ngàn Phố, vào tận trận địa phục kích ở sông Khuất mới phản công. Địch thua phải bỏ chạy. Về đến ngã ba Tam Soa lại rơi tiếp vào trận địa phục kích của Đinh Liệt, bị chết gần hết.

Sau chiến thắng Đỗ Gia, nghĩa quân chuyển đại bản doanh về thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn. Thế giặc ở Nghệ An, Diễn Châu ngày càng suy yếu, chủ yếu cố thủ trong thành. Vùng giải phóng mở rộng khắp nơi trong cả hai phủ. Nghĩa quân quyết định vây thành Nghệ An đồng thời tiến ra giải phóng phủ Diễn Châu. Sau một thời gian bao vây, Đinh Lễ lập trận phục kích đón lõng tiêu diệt quân địch từ thành Diễn Châu ra đón viện binh.

Dấu tích Thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn. Ảnh tư liệu: Hồ Phương
Dấu tích Thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn. Ảnh tư liệu: Hồ Phương

Đến đây, trừ 2 thành đang bị bao vây cô lập, toàn bộ Nghệ An, Diễn Châu được giải phóng. Nghĩa quân thừa thắng tiến ra giải phóng Thanh Hóa, tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa.

Dựa vào “đất đứng chân” là Nghệ An và vùng hậu phương rộng lớn từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, tháng 9 năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn mở cuộc tấn công ra Bắc. Cuối năm 1427, với trận thắng Chi Lăng- Xương Giang, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống nhà Minh kết thúc, mở ra một vương triều mới - vương triều Hậu Lê.

Tin mới