Xử phạt nghiêm những đơn vị vi phạm công tác an toàn lao động

(Baonghean.vn) - Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh để đánh giá công tác an toàn, vệ sinh, lao động năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018, được tổ chức vào sáng 20/4.

Đồng chí Lê Minh Thông – Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.

 Đồng chí Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội, đại diện các sở, ban, ngành là các thành viên trong Hội đồng và các huyện, thành, thị cùng tham dự.

 Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền

Các đại biểu tham gia cuộc họp Hội đồng ATVSLĐ tỉnh. Ảnh: Thanh Nga
Các đại biểu tham gia cuộc họp Hội đồng ATVSLĐ tỉnh. Ảnh: Thanh Nga
Năm 2017, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã chú trọng việc tuyên truyền, huấn luyện phổ biến các nội dung về ATVSLĐ đi liền với công tác quản lý chăm sóc sức khỏe người lao động, đặc biệt là việc điều tra tai nạn lao động, giải quyết chế độ tai nạn cho các lao động.

Cũng trong năm này, Hội đồng đã tổ chức hơn 230 buổi tuyên truyền về công tác PCCC cho lực lượng PCCC dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở trên địa bàn tỉnh với hơn 60.600 lượt người tham gia; mở 117 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, với 7.196 lượt người tham gia.

Đồng thời phổ biến kiến thức về an toàn lao động cho công nhân lao động liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp tại 1 khóa đào tạo thợ mìn; liên quan đến hóa chất tại 4 lớp cho 211 học viên. 

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra môi trường lao động tại Công ty TNHH Mía đường Nghệ An. Ảnh: Tư liệu
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra môi trường lao động tại Công ty TNHH Mía đường Nghệ An. Ảnh tư liệu
Bên cạnh đó Sở Lao động, TB&XH chủ trì, phối hợp thanh kiểm tra 13 cuộc về việc thực hiện các quy định về pháp luật ATVSLĐ tại 113 doanh nghiệp, lập biên bản và xử phạt hành chính 542 triệu đồng/34 đơn vị.
 9 ca tử vong, 29 vụ tai nạn lao động

Theo thống kê, báo cáo từ các đơn vị, doanh nghiệp, năm 2017 trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 29 vụ tai nạn lao động làm 29 người bị nạn, trong đó có 09 người chết/09 vụ, 20 người bị thương nặng/20 vụ.

Khai thác mỏ ở Quỳ Hợp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ. Ảnh: Tư liệu
Khai thác mỏ ở Quỳ Hợp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ. Ảnh: Tư liệu
Tại cuộc họp các thành viên hội đồng cho rằng việc nâng cao công tác tuyên truyền là rất quan trọng, đặc biệt là công tác phối hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức đảm bảo ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. “Đặc biệt là lao động tự do khi đối tượng lao động này hầu như chưa ý thức được việc tự đảm bảo an toàn để đòi hỏi quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với chủ sử dụng lao động” – Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết.
Bên cạnh đó công tác đảm bảo về PCCC, ATVSLĐ cho các công nhân hầm mỏ vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm. “Chúng tôi đi kiểm tra tại các hầm mỏ nhưng công tác đảm bảo ATVSLĐ được niêm yết và trình báo một đàng, thực hiện một nẻo” – Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Đại diện Sở Công Thương cho biết. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp - Võ Sỹ Sơn thông tin: “Khi phê duyệt hồ sơ để cấp phép thì đa số các hồ sơ đều đảm bảo nhưng thực hiện sai. Vì vậy cần phải làm nghiêm trong khâu thanh kiểm tra sau cấp phép. Tránh để tình trạng xử phạt hành chính xong đâu lại vào đó.”

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần đổi mới hoạt động của Hội đồng để tăng tính hiệu quả trong việc thanh kiểm tra công tác ATVSLĐ tại các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp.

Đơn cử như việc kiểm tra công tác PCCC, theo báo cáo ghi nhận tới 600 đơn vị vi phạm nhưng chỉ xử phạt  mỗi đơn vị hơn 1,2 triệu đồng. Hay có 29 vụ tai nạn lao động là con số khá thấp so với thực tế.  Đặc biệt báo cáo không phân tích chỉ ra nguyên nhân các vụ tai nạn.

Đồng chí Lê Minh Thông kết luận tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga
Đồng chí Lê Minh Thông kết luận tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga
Kết luận hội nghị đồng chí Lê Minh Thông nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng là rất quan trọng vì trên thực tế những nguy cơ về mất ATVSLĐ rất cao. Các thành viên cần trăn trở về cách thức hoạt động để phân tích được nguyên nhân, đối tượng, thành phần doanh nghiệp nào có nguy cơ cao để từ đó có biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mất an toàn lao động.
Đồng chí Phó Chủ tịch yêu cầu, các thành viên Hội đồng cần phải có biện pháp để kiểm soát các vụ tai nạn lao động, tránh tình trạng giấu diếm, thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Đồng chí khẳng định: Hiện doanh nghiệp vi phạm lợi ích của người lao động rất nhiều, chúng ta cần có biện pháp ngăn chặn đồng thời xử lý nghiêm.

Tin mới