Xuân về trên núi Quyết

(Baonghean) - Núi Quyết nằm ở một vị trí đặc biệt mà người xưa gọi là “bình địa tạo sơn” (đất bằng tạo núi). Phía bắc, thành Vinh như năm ngón tay xòe, phía Tây Nam ruộng đồng xóm mạc trải ra bát ngát, phía Đông là dòng Lam xanh ngắt đổ ra cửa biển Hội Thống. Núi hội đủ hình long, ly, quy, phượng xưa gọi là tứ linh. Chính cái vẻ nên thơ mà hùng vĩ, rắn rỏi mà mềm mại của núi đã lọt vào “mắt xanh” của bao thi nhân các thời đại, bao nhà quân sự xưa nay. 
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Quyết.	Ảnh: P.V
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Quyết. Ảnh: P.V
Đọc bài thơ chữ Hán “Dũng Quyết sơn xuân vọng” của Bùi Huy Bích, lòng tôi vang vọng những âm thanh, những hình ảnh đẹp mê hồn: Ngọn núi hiển hiện qua làn mưa bụi, cánh buồm lướt nhẹ ghé vào bóng cây mép núi, lầu ngự giữa những bậc đá hoa bằng phẳng, tiếng chim hót trong động vọng qua xóm cỏ, thật là:“Nhất vọng thanh thanh họa bất như” (Một thoáng nhìn cảnh sắc xanh xanh khó vẽ ra được). Tác giả không chỉ đứng xa ngắm mà còn lên trên đỉnh để ngưỡng vọng, thả hồn vào cảnh biển trời bao la. Tầm ngắm nâng lên đồng thời cũng nâng vẻ đẹp của núi hòa nhập vào cái cuồn cuộn, mênh mông rộng lớn của đất trời, tạo nên bức họa đồ bằng thơ có một không hai:
Tĩnh  ngoạn vị cùng thiên hải thú
Long Xuyên mãn mãn hội Song Ngư
(Lặng ngắm cảnh thú trời biển mãi chưa dứt
Sông Lam cuồn cuộn đổ ra hội nhập với Song Ngư)
Trong cuốn “Ngọc phả các vua Hùng”, một cuốn sách nôm lâu đời hiện còn được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia có đoạn chép: “Lộc Tục là con Đế Nghi, cháu Đế Minh, khi lên ngôi Vua, hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ, đóng đô ở Thứu Lĩnh”. Thứu Lĩnh tên nôm gọi là Ngàn Hống, ở bờ Nam sông Lam. Kinh Dương Vương đã cho xây pháo đài và đồn lũy trên núi bên bờ Bắc sông, quan sát cả một vùng rộng lớn từ Cầu Cấm đến Cửa Lò, Cửa Hội và có thể phát hiện quân bộ cũng như quân thủy từ xa. Núi đấy chính là núi Quyết...
Để bảo vệ kinh đô Vạn An, năm 722 Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) đã cho xây chiến tuyến dọc dãy Hồng Lĩnh và trên núi Quyết để đánh quân xâm lược nhà Đường. Tại đây đã xảy ra nhiều trận chiến ác liệt… Năm 1003, Vua Lê Đại Hành đích thân đem quân vào Nghệ An chỉ huy đào tiếp kênh Đa Cai nối sông Kẻ Gai với sông Lam. Để tiện việc chỉ huy đào kênh và xây dựng cảng Chính Đức (vùng Cầu Đước, thành phố Vinh bây giờ) nhà vua đã đóng đại bản doanh dưới chân núi Quyết, sau đó vùng này được mở mang trù phú…
Năm 1039, Vua Lý cử Thái tử Lý Nhật Quang vào làm tri châu Nghệ An. Ông đã dừng chân ở vùng núi Quyết và cho xây Vọng Hải Đài ở đỉnh cao nhất trên núi để quan sát biển Đông, phát hiện tàu thuyền địch thâm nhập cửa biển Hội Thống và cho lập Đồn Thủy cạnh Cồn Rùa sát chân núi để kiểm soát đường thủy trên sông Lam. Trên ngọn Cánh Phượng bố trí một đội quân thường trực mạnh mang tên Dũng Quyết để từ đó núi có tên Dũng Quyết Sơn.
Tiếp đến thời Trần rồi thời Lê, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã lập phòng tuyến chặn giặc Nguyên Mông, Tướng Nguyễn Xí (được Vua Lê Lợi phong Khai quốc công thần, đổi họ thành Lê Xí) đã đóng Đại bản doanh tại vùng núi Quyết. Nguyễn Xí còn dựa vào thế núi lập đồn lũy, cho đào hầm trong núi làm kho vũ khí, dự trữ quân lương đề phòng giặc Minh trở lại xâm lược… Đặc biệt năm 1788, Vua Quang Trung chọn nơi đây lập đế đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Nhà Vua thấy rõ vùng đất này (xã Yên Trường, huyện Chân Lộc - tên Thành Vinh xưa) “Hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng... thật là chỗ đẹp để đóng đô”. Đóng đô ở đây “Độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc” (Chiếu gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp). Hoàng cung có hai lần thành gọi là thành ngoại và thành nội, thành ngoại hình tứ giác chu vi 2.820 m, thành nội xây đá ong chu vi 1.680 m, giữa dựng tòa lầu rồng 3 tầng.
Cùng với việc xây kinh đô ở núi Quyết, Quang Trung còn cho xây Trường thi hương và Sùng chính thư viện. Công việc sắp hoàn tất, việc dời đô chỉ trong nay mai thì năm 1792 nhà Vua đột ngột băng hà. Nhà Tây Sơn bị Gia Long tiêu diệt cùng với thành trì và những gì xây dựng nên. Nhưng Phượng Hoàng Trung Đô mãi mãi đi vào lịch sử khẳng định tầm nhìn văn hóa, con mắt chiến lược tài tình của người anh hùng áo vải.
Phong cảnh đền thờ Vua Quang Trung (núi Dũng Quyết TP. Vinh). Ảnh tư liệu
Phong cảnh đền thờ Vua Quang Trung (núi Dũng Quyết TP. Vinh). Ảnh tư liệu
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh Pháp đuổi Mỹ, núi Quyết vừa là thành lũy chở che, vừa là bệ phóng nâng tầm súng cho quân dân thành phố Đỏ lập nên những chiến công hiển hách. Đây là nơi Hội Phục Việt - tổ chức cách mạng đầu tiên ở Nghệ Tĩnh, được thành lập. Hội đã liên lạc với tổ chức thanh niên ở Quảng Châu, đổi tên thành Việt Nam cách mạng đồng chí hội, sau đó đổi tên thành Tân Việt cách mạng đảng, gọi tắt là đảng Tân Việt. Những đảng viên tích cực trong tổ chức này đã tỏa xuống các nhà máy, các xóm thợ hoạt động, là nòng cốt cho cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, cho cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Đế quốc Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vinh - Bến Thủy là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng để chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi đây là trọng điểm đánh phá của giặc trời. Để bảo vệ các công trình quan trọng của thành phố Vinh, một lực lượng phòng không lớn gồm bộ đội pháo cao xạ, tên lửa, hải quân, dân quân tự vệ được bố trí với mật độ cao hai bên bờ sông và một số địa điểm lân cận. Núi Quyết trở thành bức tường thép, vị trí lợi hại cho phòng tuyến bảo vệ thành phố.
Cán bộ công nhân Nhà máy điện Vinh đã tháo tua-bin đưa vào cái hang tự nhiên có cửa rộng và cao hơn 3m, lắp đặt vận hành trong nhiều năm; nhà máy bị đánh phá mà điện vẫn bừng sáng phục vụ sản xuất, chiến đấu. Hang này cũng là nơi sống và làm việc của hàng trăm công nhân và tự vệ phà Bến Thủy, bám trụ ngày đêm đưa bộ đội, xe pháo, súng đạn, lương thực, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo công binh đào thêm một số hầm ở sườn núi phía Đông và Đông Nam đặt các khẩu pháo mặt đất có thể bắn các tàu địch ngoài biển Đông. Một đại đội phòng không 37 ly thuộc Trung đoàn 280 đã kéo pháo lên đỉnh núi lập trận địa và ngay trong trận đầu ngày 5/8/1964 đã hợp đồng tác chiến bắn rơi một chiếc F4D và bắn bị thương 2 chiếc khác. Đây là chiếc máy bay phản lực đầu tiên bị bắn rơi trên miền Bắc. Kết thúc chiến tranh chỉ riêng vùng Bến Thủy - Núi Quyết có 6 tập thể và 5 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang…
Phải chăng hồn thiêng sông núi, khí phách cha ông đã kết tụ vào đây để núi Quyết qua hàng ngàn tấn bom hủy diệt chỉ còn đá trọc nay vươn lên xanh mướt bóng thông? Cái loài cây Cội rễ bền dời chẳng động (Nguyễn Trãi) này, ngày càng tỏa bóng um tùm làm cho Dũng Quyết đã thơ càng thêm thơ, đã hùng vĩ càng thêm hùng vĩ; cho ta gặp lại tiếng chim vọng vang, cảnh sắc xanh xanh khó vẽ  trong thơ Hoàng giáp Bùi Dương Lịch. Chỗ đỗ xe sát vách núi của đại đội hậu cần Trung đoàn 280 xưa được san làm sân bóng chuyền vẫn còn dấu vết của hàm ếch khoét vào núi cho xe ẩn náu, hố rãnh nứt toác do bom Mỹ. Vẫn còn đây ống khói Nhà máy điện vươn cao sừng sững, trụ sắt bến phà xưa. Nó không chỉ là di tích, mà còn là chứng nhân của một thời lịch sử hào hùng của mảnh đất “đứng đầu dậy trước”.
Kéo co tại Lễ hội đền Vua Quang Trung. Ảnh: P.V
Kéo co tại Lễ hội đền Vua Quang Trung. Ảnh: P.V
Có nhìn vào đấy mới thấy hết sự cố gắng to lớn của nhân dân thành phố Vinh từ vết thương sâu, từ hai bàn tay trắng đi lên. Phát huy truyền thống của cha ông, khơi dậy lòng tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và Trung ương. Thành phố đã tập trung tâm sức, trí tuệ hoạch định chiến lược phát triển Vinh hiện tại và trong tương lai. Những công trình tầm cỡ liên tục mọc lên. Bên chân núi phía Đông Nam, cầu Bến Thủy 1 rồi 2 sừng sững vắt qua sông Lam. Và núi Quyết được xây dựng thành lâm viên, thành một điểm đến lý tưởng. Năm 1995, khởi công xây dựng 450 bậc đá lên núi. Năm 1998, Kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh, đã đầu tư san ủi làm đường nhựa lên tận đỉnh cột cờ. Trên đỉnh đã được xây vọng đài lầu bát giác khang trang chính ngay trên nền Vọng hải đài của Lý Nhật Quang xưa.
Một mùa Xuân mới lại về trên núi Quyết. Lòng tôi bồi hồi xúc động hòa trong dòng người đông đúc chiêm ngưỡng Đền thờ Vua Quang Trung dựng trên núi ngoảnh mặt ra sông Lam. Ngôi đền đồ sộ uy nghi được làm bằng gỗ tốt, đá xây và kè móng được lấy từ núi đá Nhồi ở Thanh Hóa, gạch lát lấy từ Hà Tây (Hà Nội), ngói và gạch hoa tranh lấy từ An Lão, Hải Phòng. Khu vực Nghi môn có hai tầng, tám mái. Các mái lợp đều uốn lượn theo kiến trúc thời Nguyễn được xây dựng công phu có nét hoa văn chạm trổ rất tinh xảo. Công trình được xây dựng nhờ sự nỗ lực của địa phương cộng với bàn tay khéo léo tài hoa của một đội ngũ đông đảo những người thợ Việt Nam vừa hoành tráng lộng lẫy, vừa trang nghiêm cổ kính.
Công trình mọc lên cho tôi gặp lại hình ảnh tuyệt mỹ của núi Quyết trong thơ của các thi nhân xưa. Điều đáng nói: Nó không chỉ tôn vẻ đẹp, sự linh thiêng của núi mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, tạo cho núi Quyết - Thành Vinh thành một địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng thăm thú ngày càng đông. Mỗi độ Xuân về, thành phố Vinh tổ chức lễ hội, rước cờ, cúng tế  tri ân người anh hùng áo vải Quang Trung, tri ân những liệt sỹ anh dũng hy sinh ngay trên đỉnh cao này. Cùng với những công trình quy mô đã và đang xây dựng đưa Vinh  hướng tới trung tâm kinh tế - văn hóa khu vực Bắc miền Trung; hướng tới một đô thị giàu đẹp, văn minh và hiện đại trong tương lai.
Đinh Thanh Quang
TIN LIÊN QUAN

Tin mới