Xuất hiện biến chủng Omicron tại Việt Nam: Không quyết liệt sẽ ‘vỡ trận’

“Nguy cơ lây lan biến chủng Omicron vẫn là do tiếp xúc gần với nguồn lây, tụ tập đông người, trong phòng kín… vì vậy các biện pháp phòng dịch vẫn không thay đổi so với biến chủng Delta. Nhưng chúng ta cần quyết liệt hơn để giảm lây lan”.

Xuất hiện biến chủng mới là việc không ngoài dự đoán

Ngày 28/12, Bộ Y tế công bố Việt Nam ghi nhận người nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Đó là hành khách K.V.H.M trên chuyến bay BAMBO AIRWAY QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam ngày 19/12. Trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron này tại nước ta đã được cách ly ngay từ khi nhập cảnh. Sức khỏe bệnh nhân ổn định, chưa có biểu hiện lâm sàng, được bác sĩ chẩn đoán là ca Covid-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp. Tuy nhiên, việc xuất hiện ca mắc biến chủng mới đầu tiên vẫn làm người dân lo ngại.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng: “Việc mở rộng giao thương trở lại như hiện nay, nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập Việt Nam là điều nằm trong dự báo từ trước. Biến chủng này lây lan rất nhanh, đã xuất hiện tại hơn 100 nước trên thế giới. Việt Nam sẽ tiếp tục có ca mới nhiễm biến thể này”.

PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: Lê Anh Dũng
PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta gọi đây là “trường hợp đầu tiên được phát hiện” chứ có thể không phải là trường hợp duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Bởi PGS.TS cho rằng, cũng có thể có trường hợp nhiễm biến chủng này đã xuất hiện tại nước ta vì muốn phát hiện chúng ta phải giải trình tự gen. Ông cũng nhấn mạnh, trên thế giới, tại nhiều nước, cũng có trường hợp chủng này đã thâm nhập nhưng không phát hiện.

Ngoài khả năng lây lan nhanh, PGS.TS Trần Đắc Phu còn đánh giá đây là biến chủng nguy hiểm. Ông giải thích: “Biến chủng này có đột biến, chứa đến 36 đột biến trong protein gai, trong khi đó protein gai đã giúp vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người nên gây nên sự lây lan nhanh. Chúng ta cần đánh giá xem nó có làm vô hiệu hóa vắc-xin hay không”.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho biết thêm, biến thể này gây ra các triệu chứng nhẹ như một số các nghiên cứu được công bố trước đó, nhưng theo ông, nếu không kiểm soát được sẽ dẫn tới ca nhiễm tăng dễ dẫn tới quá tải cho các bệnh viện, hệ thống y tế, từ đó tăng ca tử vong.

“Nguy cơ lây lan dịch trong dịp Tết Dương lịch và âm lịch là rất lớn do chúng ta đang phải đối phó với chủng Delta, lại xuất hiện chủng Omicron. Bên cạnh đó, dịp Tết nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Như vậy nguy cơ không phải trong phạm vi một tỉnh, thành phố mà nguy cơ giữa các tỉnh, cả nước”, PGS.TS Phu cảnh báo.

Ông Phu cũng đề cập đến nguy cơ do lây lan nhanh, nên số lượng người nhiễm biến chủng này tăng dẫn đến việc phân tầng điều trị không chuẩn. Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp nhẹ được can thiệp y tế nhưng những trường hợp nặng lại không được can thiệp, làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong.

Không quyết liệt sẽ “vỡ trận”

Nhưng dù biến chủng Delta hay Omicron, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, virus vẫn lây lan qua đường hô hấp từ người này sang người kia. Ngoài ra, khi virus dính vào bề mặt vật dụng do ta thở ra hoặc ho bắn vào, tồn tại trên các bề mặt, sau đó, chúng ta chạm tay vào và đưa lên mũi, miệng cũng làm lây lan virus.

“Nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn là do tiếp xúc gần với nguồn lây, tụ tập đông người, trong phòng kín… vì vậy các biện pháp phòng dịch vẫn không thay đổi so với biến chủng Delta. Nhưng chúng ta cần quyết liệt hơn để giảm lây lan”, ông nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Clubmahindra
Ảnh minh họa. Clubmahindra

Cụ thể, người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo 5K, nâng cao ý thức hơn trong việc phòng dịch. Quan trọng nhất vẫn là việc hạn chế xuất hiện nơi đông người, hạn chế tiếp xúc gần hay tiếp xúc trong môi trường kín.

Người dân cần tránh tư tưởng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ không bị nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh không chuyển nặng, từ đó có tâm lý chủ quan, lơ là dẫn đến dịch lây lan mạnh.

Đặc biệt, trong dịp Tết cận kề, người dân nên hạn chế đi lại, không đi lại khi không cần thiết. Nếu bắt buộc về quê nên có các biện pháp phòng dịch ví dụ chọn phương tiện đi lại an toàn, ưu tiên phương tiện cá nhân. Ví dụ về quê thắp hương nhưng không thăm hỏi nhau, không tụ tập ăn uống…

Về phía chính quyền, chuyên gia cũng nhấn mạnh, chúng ta cần chuẩn bị hệ thống y tế đáp ứng để không bị động khi số ca mắc tăng lên.

 Các địa phương phải đánh giá nguy cơ, phải có kịch bản cụ thể chi tiết đến từng xã/phường, quận/huyện. Đó là kịch bản tùy từng tình hình để đánh giá hoạt động nào được phép, hoạt động nào tạm dừng, hoạt động nào được phép hoạt động có điều kiện (điều kiện an toàn dịch bệnh).

Trước việc, một số quận nội thành Hà Nội tạm dừng các hoạt động thiết yếu, chuyên gia cho rằng đây là biện pháp khả thi. “Quận nào nguy cơ cao chuyển sang ưu tiên hoạt động thiết yếu, tạm dừng các hoạt động không cần thiết. Thậm chí chúng ta có thể đánh giá nguy cơ ở cấp nhỏ hơn. Ví dụ trong 1 quận, có vài phường sẽ phải dừng hoạt động không thiết yếu để chống dịch”, ông nói.

“Chính quyền cũng cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống dịch. Xử phạt mạnh hơn bởi nếu không quyết liệt, dịch bùng lên sẽ vỡ trận. TP.HCM vẫn là bài học nhãn tiền”, PGS.TS Phu khẳng định.

“Nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó, tránh việc đáp ứng không tới, không kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng chúng ta cũng tránh việc thái quá dẫn tới giãn cách diện rộng, ngăn sông cấm chợ, ảnh hưởng kinh tế và an sinh xã hội cho người dân”, ông nói thêm.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Với những người chưa tiêm vắc-xin mũi 2, cần được tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và đẩy mạnh tiến độ phủ vắc-xin mũi 3.

Thủ tướng yêu cầu tiêm chủng vắc-xin, kiểm soát Omicron . Ảnh tư liệu: Tiến Hùng
Thủ tướng yêu cầu tiêm chủng vắc-xin, kiểm soát Omicron . Ảnh tư liệu: Tiến Hùng

“Vấn đề mắc chủng mới có vô hiệu hóa hay giảm hiệu quả vắc-xin hay không vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên các nghiên cứu của quốc tế cho rằng, tiêm mũi 3 có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới. Hiện, đã có nước như Israel đã tiến hành tiêm mũi 4”, ông thông tin thêm.

Trong các biện pháp ứng phó với chủng mới, PGS.TS Phu khẳng định, tiêu chí ưu tiên bảo vệ người cao tuổi, người bệnh nền vẫn được đặt lên hàng đầu. “Họ có hệ miễn dịch yếu dễ bị lây nhiễm và lúc lây nhiễm sẽ nhiều nguy cơ trở nặng. Khi xuất hiện nhiều ca nặng khiến hệ thống y tế quá tải dẫn đến tăng ca tử vong, vì vậy để đối phó với chủng mới, chúng ta vẫn ưu tiên bảo vệ nhóm đối tượng này”, PGS.TS Trần Đắc Phu giải thích thêm.

Tin mới