Xuất khẩu lao động rồi... thất nghiệp?

(Baonghean) - Hầu hết các lao động sau khi hết hạn về nước đều đã được đào tạo nghề và mong muốn có được công việc ổn định. Tuy nhiên, với những gì đã được trang bị, cộng với sự chênh lệch về mức thu nhập, nhiều lao động vẫn muốn quay trở lại làm việc ở các nước bạn.
Tiếp tục XKLĐ vì không tìm được việc làm
Dù đã tham gia khóa học tiếng Hàn để được tuyển dụng vào các công ty đánh bắt xa hoặc gần bờ phía Hàn Quốc nhưng Lưu Đình Hùng (SN 1998) tại xóm 1, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) vẫn đang mong mỏi nhận được hồi âm của công ty môi giới việc làm mà anh đăng ký. Bởi, dù đã về nước 3 năm nhưng đến nay Hùng vẫn không thể tìm được công việc phù hợp.

“Nhiều lần cả gia đình bỏ vốn kinh doanh đầm tôm nhưng đều bị thua lỗ. Dù vừa mới cưới vợ và có con nhỏ, nhưng em vẫn phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội sang nước ngoài làm việc, bởi ở nhà không có công việc ổn định, không có thu nhập thì lâu dần “ăn mất vốn”.

                                                            Lưu Đình Hùng (SN 1998) tại xóm 1, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) 
Lãnh đạo Sở LDTBXH kiểm tra các gian hàng tại hội chợ việc làm XKLD tại huyện Nghĩa Đàn được tổ chức vào tháng 2 năm 2019. Ảnh: Thanh Nga
Lãnh đạo Sở LĐTBXH kiểm tra các gian hàng tại hội chợ việc làm XKLĐ tại huyện Nghĩa Đàn được tổ chức vào tháng 2/2019. Ảnh: Thanh Nga
Một lao động đánh bắt xa bờ như Hùng, hoặc làm nghề sửa máy trên tàu đánh cá của nước bạn có mức lương ổn định từ 50 - 60 triệu đồng/tháng. Những lao động đã lành nghề sau khi hết hợp đồng về nước sẽ được chủ lao động gọi lại nếu có nhu cầu muốn quay lại làm việc.
Theo Hùng, nếu lao động không tự ý đổi chủ hoặc không nhảy việc thì sẽ được chủ ưu ái gọi lại và sẽ được nhận nguyên chế độ, ưu đãi như trước đây. “Nếu để được ở gần nhà thì phải có nơi để làm việc cho thu nhập ổn định, đằng này bên mình nếu đi biển xa bờ cũng chỉ được vài mùa trong năm và thu nhập rất bấp bênh”.
Theo bà Nguyễn Thị Bích - Cán bộ chính sách văn hóa xã Nghi Tiến, hiện xã có 475 lao động đang làm việc ở các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản chủ yếu đánh bắt xa bờ và gần bờ. Riêng đối với các lao động đang làm việc ở Nhật Bản đa số làm nghề bồi bàn, xây dựng và sau khi hết hạn về nước đều gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm và đều muốn tiếp tục XKLĐ. “Hiện xã vẫn còn 30 lao động chuẩn bị xuất cảnh và tới 50 - 60 người nữa đang tìm các cơ hội để sang các nước có nhu cầu tuyển lao động”.
Thường khi hết hạn, lao động sẽ trở về nhưng đa số sau khi ở nhà tầm 6 tháng - 1 năm lại tìm kiếm cơ hội đi XKLĐ, vì nhiều người không thể phát huy được tay nghề đã được đào tạo để có thể tăng thu nhập. “Đơn giản là các ngành nghề không phù hợp với nhu cầu địa phương, ví như một người thạo nghề lắp đặt linh kiện điện tử sẽ không thể mở hiệu sửa chữa điện tử vì nhu cầu của người dân ở đây thấp; hoặc khi đã có vốn đa số rất khó phát triển các dịch vụ kinh doanh thương mại vì dân cư thưa thớt, địa bàn xã lại nằm ở vị trí địa lý không có sự liên kết giao thương với các xã lân cận”.

 Cũng chỉ vì không có việc làm mà nhiều lao động sau khi hết hạn về nước đã tiêu hết tiền, rồi lại vay anh em bạn bè tìm cách tiếp tục XKLĐ. 

Bà Nguyễn Thị Bích - Cán bộ chính sách văn hóa xã Nghi Tiến

Anh Hồ Văn Hùng ở xóm 7, xã Nghi Tiến vừa trở về nước sau 3 năm lao động tại Đài Loan nhưng vẫn sẽ tiếp tục XKLĐ vì ở nhà không tìm được việc làm. Ảnh: Thanh Nga
Anh Hồ Văn Hùng ở xóm 7, xã Nghi Tiến vừa trở về nước sau 3 năm lao động tại Đài Loan nhưng vẫn sẽ tiếp tục XKLĐ vì ở nhà không tìm được việc làm. Ảnh: Thanh Nga
Việc được đào tạo nghề ở nước bạn nhưng khi hết hạn về nước không biết làm gì ngoài việc tìm cách tiếp tục XKLĐ là thực trạng chung của nhiều lao động ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu). Đa số từ chỗ chỉ là lao động phổ thông nhưng sau quá trình được học việc và thực hành làm ra sản phẩm thì họ là những người có tay nghề vững ở các công ty nước ngoài.

Về Việt Nam lại không thể thi tuyển vào công ty nào vì không có bậc thợ và dây chuyền cũng khác biệt chỗ làm cũ. Thế nên, tôi đang tìm cách thi tuyển vào công ty cũ phía bạn”.

Anh Nguyễn Văn Vương ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) 

Anh Nguyễn Văn Vương ở xã An Hòa cho biết: “Chúng tôi được một công ty Đài Loan nhận vào lắp linh kiện điện tử, ban đầu chỉ là phân loại lựa chọn những đinh ốc cùng thể loại, nhưng sau đó được công ty đào tạo và bây giờ đã có thể lắp được linh kiện như những thợ điện tử lành nghề. Thế nhưng về Việt Nam lại không thể thi tuyển vào công ty nào vì không có bậc thợ và dây chuyền cũng khác biệt chỗ làm cũ. Thế nên, tôi đang tìm cách thi tuyển vào công ty cũ phía bạn”.
Chính sách nào? 
Bà Trịnh Thị Huyên - Đại diện một công ty xuất khẩu lao động cho biết: hàng năm công ty bà tuyển được từ 300 - 400 lao động sang các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản,... đa số là lao động phổ thông và được nhận vào làm các việc như xây dựng, linh kiện điện tử, may mặc, bồi bàn, giúp việc, nông nghiệp... Làm việc được một thời gian, nhiều lao động đã trốn khỏi công ty cũ và cư trú bất hợp pháp với lý do là lo ngại sau khi về nước sẽ không đi được sang nước ngoài làm việc nữa, bởi ở nhà khó tìm được việc. 

“Một thực trạng đáng lo ngại là ngày càng có nhiều lao động sau khi về nước đã không biết cách tận dụng trình độ tay nghề cũng như vốn liếng đã tích cóp được. Trên thực tế họ rất khó tìm được việc làm phù hợp tại các khu công nghiệp hoặc các công ty, nhà máy trong nước, không chỉ do mức lương mà còn là công việc không phù hợp tay nghề”

Bà Trịnh Thị Huyên - Đại diện một công ty xuất khẩu lao động

Người lao động làm thủ tục đăng ký tuyển dụng XKLĐ tại Công ty Quốc tế Kazen. Ảnh: Thanh Nga
Người lao động làm thủ tục đăng ký tuyển dụng XKLĐ tại Công ty Quốc tế Kazen. Ảnh: Thanh Nga
Đại diện một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết: “Thực tế chúng tôi chỉ tuyển những lao động có tay nghề ở các trường nghề vào những vị trí quan trọng trong dây chuyền, còn với lao động đã có nghề thông qua XKLĐ, chúng tôi chỉ xem là những lao động phổ thông vì trên thực tế họ chưa có chứng chỉ của các trường nghề trong nước, thế nên cho họ được nhận những chế độ ưu đãi hơn lao động phổ thông thì không hợp lý”.
Ông này cũng cho biết, thường những lao động thi tuyển vào công ty lắp đặt linh kiện điện tử mà có hồ sơ đã từng tham gia XKLĐ đều có mong muốn sẽ nhận được những khoản lương ưu đãi, ví như đối với lao động phổ thông mức lương bao gồm đã tăng ca chỉ từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng, thì đối với lao động đã có kinh nghiệm lại mong muốn nhận được từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. “Đây là yêu cầu không phù hợp, thế nên dù biết họ có kinh nghiệm nhưng chúng tôi cũng không nhận. Chưa kể dù có kinh nghiệm nhưng khi vào làm ở một dây chuyền mới họ vẫn phải được đào tạo lại”, ông này cho biết.
Có một thực tế, rất nhiều lao động sau khi về nước đã được các chủ cũ gọi lại nhờ uy tín về tay nghề và tính kỷ luật. Bên cạnh đó, sau khi bản giao ước thỏa thuận theo Chương trình EPS phía Hàn Quốc có hiệu lực, nhiều lao động trở về nước đã được phía bạn tiếp tục tuyển dụng với chi phí rất thấp.

“Chúng ta xác định rõ, XKLĐ là một giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Tuy nhiên, đối với chính sách tạo điều kiện việc làm mới cho lao động sau khi về nước thì hầu như không có văn bản nào từ Trung ương đề cập đến vấn đề này”.

Ông Đặng Cao Thắng - Giám đốc Sở LĐTB&XH

Hiện nay, tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên 60.000 người. Số tiền người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về giai đoạn 2015 - 2018 khoảng trên 255 triệu USD/năm. 

Tin mới