Xúc tiến thương mại: Cần những hoạt động sát thực

(Baonghean) - Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được xem là “cầu nối” giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, lưu thông hàng hoá... Thời gian qua, hoạt động XTTM  bên cạnh  góp phần tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường vẫn đang còn những vấn đề bất cập cần được quan tâm, giải quyết kịp thời.
Sản phẩm nước mắm Vạn Phần tham gia trưng bày, giới thiệu tại Sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của Sở KH - CN.
Sản phẩm nước mắm Vạn Phần tham gia trưng bày, giới thiệu tại Sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của Sở KH - CN.
Vai trò “cầu nối”…
Tham gia Hội chợ Giao lưu kinh tế vùng Bắc Trung bộ, mục tiêu của Công ty TNHH Bình An là giới thiệu đến người tiêu dùng các thiết bị viễn thông, thiết bị nghe nhìn kỹ thuật số, điện tử, điện lạnh và tìm đối tác tại Nghệ An. Theo anh Nguyễn Quốc Hùng - đại diện Công ty tại hội chợ: "Nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng, nên đến với hội chợ, doanh nghiệp không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng, loại hình sản phẩm mà còn chăm chút đến phong cách giới thiệu, thưởng thức sản phẩm. Từ đó, tạo nên hình ảnh tốt đẹp về sản phẩm và  doanh nghiệp. Tại hội chợ này, công ty đã trưng bày hơn 20 sản phẩm với cam kết đem dịch vụ tốt nhất đến tận tay người tiêu dùng. Việc công ty tham dự hội chợ là một cơ hội tốt khi được tiếp xúc với các doanh nghiệp khác, đây cũng là dịp thuận lợi để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm chính hãng”. 
Công ty TNHH Thế Hệ Mới (chuyên về các sản phẩm túi xách, gối xe hơi, phụ kiện may làm từ nguyên liệu hạt nhựa PP thân thiện với môi trường), đã chú trọng thị trường trong nước song song với xuất khẩu. Các kỳ hội chợ được lãnh đạo công ty xác định là nơi giúp công ty thực hiện tốt nhất mục tiêu chiến lược của mình. Chị Huỳnh Thanh Thủy, phụ trách maketing cho biết: "Những sản phẩm của công ty có mặt tại thị trường Việt Nam chưa nhiều. Do đó, để khai thác thị trường nội địa, công ty chú trọng tham gia các hội chợ trong nước. Ngoài việc giới thiệu và bán sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng tại các tỉnh, hội chợ còn là nơi nhà sản xuất thăm dò thị trường một cách chính xác để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, nhất là thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng và sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà sản xuất chuyên về xuất khẩu trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn như hiện nay".
Doanh nghiệp tư nhân Song Thắng (chuyên sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất) cũng cho hay: Công ty chúng tôi  tích cực tham gia các kỳ hội chợ thương mại để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời đưa thương hiệu vươn ra thị trường ngoại tỉnh. Do đó, ngoài việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, công ty còn cử nhân viên tìm hiểu nghiên cứu thị trường, thị hiếu, đối thủ cạnh tranh, kênh phân phối để định hướng sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng...
Với vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động XTTM, Trung tâm XTTM Nghệ An (Sở Công thương) đã đổi mới cách tổ chức, đa dạng hóa hình thức XTTM, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời chú trọng công tác tập huấn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, khảo sát thị trường để trang bị bổ sung kiến thức về XTTM cho các cơ quan, các chủ doanh nghiệp. Trong năm 2013, Trung tâm đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu biểu đưa sản phẩm của tỉnh nhà đi tham gia các kỳ hội chợ ở tỉnh bạn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội đầu tư, như: Hội chợ triển lãm Thương mại Du lịch - Quảng Bình; Hội chợ Thương mại quốc tế Hà Tĩnh, Hội chợ Công thương đồng bằng sông Hồng - Hải Dương; Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung ở Lào Cai... Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm tới các đối tác trong và ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường và tiếp cận với chuỗi tiêu thụ sản phẩm toàn cầu.
Ông Nguyễn Trọng Hùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nghệ An (Sở Công Thương) cho biết: Năm 2013, ngoài các chương trình xúc tiến được hỗ trợ từ nguồn khuyến thương của tỉnh phân bổ, Trung tâm còn được nhận hỗ trợ 670 triệu đồng từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để tổ chức ''Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn''. Do đó, số lượng các chương trình xúc tiến thương mại do Trung tâm thực hiện nhiều hơn so với các năm trước (năm 2013, Trung tâm đã tổ chức được 7 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn). Trong quá trình hoạt động, Trung tâm luôn bám sát mục tiêu là cầu nối giúp doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và từng bước tìm kiếm khách hàng. Hàng năm, Trung tâm tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Thông qua các sự kiện này, dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng với chi phí tối thiểu doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm hiểu được thị hiếu và nhu cầu của khách hàng, hiểu rõ hơn về đối thủ cạnh tranh. Từ đó, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh hoặc đưa ra những chiến lược mới để có hướng phát triển phù hợp với xu thế của thị trường.
Cần những hoạt động sát thực
Đã vài lần Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Mai Linh (TP. Vinh) là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng vật liệu xây dựng xanh (nguyên liệu  thân thiện với môi trường) đi tham gia các hội chợ tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, mỗi lần tham gia như vậy đều rất lỉnh kỉnh, vất vả với sản phẩm để trưng bày và gần như doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi để tham gia hội chợ. Tuy tốn kém, nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm tham gia các hội chợ với mong muốn là giới thiệu những sản phẩm mới VLXD xanh thân thiện với môi trường, mà nguyên liệu lại được khai thác, sản xuất tại địa phương. Đại diện Công ty TNHH xây dựng – Thương mại Mai Linh cho hay: “Doanh nghiệp mình không đảm đương được một gian hàng tại các hội chợ, phải ghép cùng với những doanh nghiệp của các tỉnh khác, nên rất khó gây được ấn tượng mạnh tại hội chợ. Thấy rất rõ vấn đề này, nên đã vận động một số doanh nghiệp trong tỉnh liên quan đến vực này cùng tham gia hội chợ nhưng  họ không mặn mà”. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ, mà được biết, tại một số Hội chợ chuyên ngành ở Hà Nội, Đà Nẵng… doanh nghiệp Nghệ An thường bị “lép vế” bởi có ít đơn vị tham gia, thậm chí chỉ là một vài doanh nghiệp gửi sản phẩm tham gia hội chợ.
Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh được xem là một trong những “cầu nối”  giữa doanh nghiệp - nhà phân phối và người tiêu dùng, tuy nhiên để làm tốt chức năng này, ngoài sự nỗ lực để đổi mới hoạt động, cũng cần có sự quan tâm, đầu tư  phù hợp. Bởi nguồn kinh phí chưa nhiều mà yêu cầu công việc là rất lớn, phải “trải đều” trong các hoạt động của xúc tiến thương mại, nên chưa thật sự tạo được động lực làm chuyển biến mạnh mẽ công tác XTTM. Trong khi nguồn đầu tư bị hạn chế, thì tại tỉnh ta vẫn thiếu mặt bằng để tổ chức hội chợ triển lãm có tính chuyên nghiệp. Điều này thể hiện là các hội chợ triển lãm tại TP. Vinh đều không diễn ra ở một nơi cố định, không chỉ gây lúng túng cho đơn vị tổ chức, doanh nghiệp tham gia, mà còn đối với cả người dân. Bởi thiếu sự đồng bộ đó, mà công tác XTTM đang gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại qua Sàn giao dịch công nghệ thiết bị (tại 75A, đường Minh Khai – TP Vinh).
Tại sàn này có cả sản phẩm nước mắm Vạn Phần, chè, tương Nam Đàn, rượu Nghi Đức, mây tre đan của doanh nghiệp Thái Đại Phong, Phong Cảnh… Ông Nguyễn Hữu Hòa – Phụ trách Sàn giao dịch công nghệ thiết bị  giải thích: “Do sàn được đầu tư xây dựng hiện đại tạo được điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại… nên có một số sản phẩm truyền thống đã tham gia tại sàn. Hiện nay, Sàn giao dịch công nghệ thiết bị chuẩn bị tổ chức lại các gian hàng trưng bày và những loại sản phẩm truyền thống này sẽ có vị trí mới phù hợp với ngành hàng”. Tuy chưa “ăn nhập” lắm với Sàn giao dịch công nghệ thiết bị của ngành KH - CN, nhưng dù sao, một số sản phẩm truyền thống tham gia vào hoạt động này cũng đã tạo được lợi thế trong việc quảng bá, giới thiệu, XTTM…
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một trong những hoạt động có ý nghĩa của XTTM, nhưng công tác này trong thời gian qua thực hiện vẫn chưa hiệu quả. Ngoài khó khăn về thương hiệu, trong thời gian tới một số mặt hàng của Nghệ An cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP (như ngành sản xuất mía đường, dệt may…) và bởi vậy rất cần vai trò của XTTM. 
Một hạn chế nữa trong công tác XTTM ở tỉnh ta là việc hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát thị trường, nhất là thị trường nước ngoài chưa được nhiều. Có doanh nghiệp phàn nàn: “Khi tham gia vào một số chương trình khảo sát, tìm hiểu thị trường nước ngoài thì doanh nghiệp phải nộp tiền như đi các  dịch vụ của tour du lịch, đã vậy ít được tham gia các hoạt động XTTM, mà là chủ yếu đi tham quan, du lịch là chính”. Tổ chức tìm hiểu thị trường nước ngoài là hoạt động rất cần thiết đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên tổ chức như nào để thực sự mang lại ý nghĩa là rất quan trọng, để qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thị trường, ký kết hợp đồng XNK… và nếu không làm tốt việc này, không những doanh nghiệp sẽ thiếu mặn mà, còn gây ra hậu quả nghiêm trọng (như doanh nghiệp bỏ trốn ở lại nước ngoài…). Bởi vậy, việc tổ chức tìm hiểu thị trường, XTTM ở nước ngoài cần được quan tâm một cách cụ thể và quản lý chặt chẽ hơn.
Có thể thấy rằng, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn về mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thì hoạt động XTTM  đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường. Tuy nhiên hoạt động này cũng còn những bất cập cần được quan tâm, giải quyết kịp thời để mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới.
Hoàng Vĩnh - Ngọc Anh

Tin mới