Xung đột Libya có trở thành 'Syria thứ hai'?

(Baonghean) - Hai bên chiến tuyến trong cuộc xung đột tại Libya đã nhất trí ngừng bắn từ ngày 12/1, khép lại 9 tháng đối đầu dai dẳng. Nhưng lệnh này hiện vẫn rất mong manh, bởi người đứng đầu lực lượng miền Đông là Tướng Khalifa Haftar chưa chịu ký thỏa thuận ngừng bắn hôm 13/1 tại các cuộc đàm phán ở Moskva, nơi xứ bạch dương đứng ra làm trung gian hòa giải.

Lệnh ngừng bắn “dễ vỡ”

Theo AFP, các cuộc đối thoại xoay quanh các điều khoản của một lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng của Haftar và chính phủ được Liên hợp quốc (UN) công nhận do Fayez al-Sarraj đứng đầu đã diễn ra suốt 7 giờ đồng hồ song 2 phái đoàn không thực sự gặp gỡ nhau. Dù vậy, Moskva đã nhấn mạnh đạt được “tiến triển nhất định”. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) của Sarraj tại Tripoli đã bị các lực lượng trung thành với Haftar - nhân vật cùng các chính khách trung thành với ông nắm quyền kiểm soát tại miền Đông đất nước này - tấn công liên tiếp từ hồi cuối tháng 4 năm ngoái. Vì thế, hai bên được kỳ vọng sẽ thống nhất được các điều khoản của lệnh ngừng bắn có hiệu lực hồi cuối tuần qua, từ đó tăng thêm niềm hy vọng đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến đang dày vò quốc gia Bắc Phi giàu dầu lửa này.

Các chiến binh trung thành với Haftar tại thành phố Benghazi ở miền Đông Libya hồi tháng 12/2019. Ảnh: AFP
Các chiến binh trung thành với Haftar tại thành phố Benghazi ở miền Đông Libya hồi tháng 12/2019. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói rằng, Sarraj cùng người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Tối cao ở Tripoli là Khaled al-Mechri đã ký văn kiện, nhưng Haftar cùng đồng minh Aguila Saleh “đã đề nghị có thêm thời gian đến sáng hôm sau” (tức 14/1) để nghiên cứu kỹ lưỡng. Thế nhưng, theo thông tin mới nhất, Haftar đã rời Moskva mà không ký kết thỏa thuận. Thời gian qua, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của 2 nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã sắm vai trung gian, nhưng các bên trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột thì chưa từng gặp nhau trực diện. Kênh truyền hình al-Ahrar của Libya từng dẫn lời al-Mechri cho biết: “Chúng tôi đã từ chối bất kỳ cuộc gặp nào với Haftar”.

Được biết, sáng kiến ngừng bắn do Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng đưa ra. Trải qua quá trình không hề đơn giản, đến nửa đêm Chủ nhật vừa rồi, một lệnh ngừng bắn dẫu mong manh những đã chính thức có hiệu lực.

Lãnh đạo Nga-Thổ trong cuộc gặp hồi tuần trước tại Istanbul. Ảnh: Sputnik
Lãnh đạo Nga - Thổ trong cuộc gặp hồi tuần trước tại Istanbul. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, 1 ngày sau đó, nhà lãnh đạo Ankara tái nhắc lại “sự cấp thiết” của một hiệp định dài lâu sau cuộc gặp với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác cũng tỏ rõ thái độ quan tâm đến diễn biến trên chính trường Tripoli. Đơn cử, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới thăm ông Putin hôm 11/1 và được nhà lãnh đạo tại Moskva ủng hộ nỗ lực tổ chức một hội nghị hòa bình do UN bảo trợ, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 1 này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 13/1 cũng đã lên tiếng kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn “đáng tin cậy, lâu dài và có thể thẩm tra”.

Có thể thấy, các cường quốc phương Tây đang thiết tha muốn ổn định Libya, nơi sở hữu trữ lượng dầu thô lớn nhất châu Phi, mà nguyên do ắt hẳn là xuất phát từ mối quan ngại của họ, rằng các tay súng Hồi giáo và bọn buôn người di cư, vốn dĩ đang hoạt động tích cực, rất có khả năng sẽ lợi dụng nếu tình thế hỗn loạn leo thang.

Lực lượng GNA tranh thủ thời gian ngừng bắn để nghỉ ngơi ở phía Nam thủ đô Tripoli. Ảnh: AFP
Lực lượng GNA tranh thủ thời gian ngừng bắn để nghỉ ngơi ở phía Nam Thủ đô Tripoli. Ảnh: AFP

Quá khứ sẽ sang trang?

Đầu tuần này, Sarraj đã kêu gọi người dân Libya “hãy để quá khứ sang trang, xóa bỏ bất hòa và đoàn kết để hướng tới ổn định và hòa bình”. Dù ít dù nhiều, đây là một tín hiệu tích cực, bởi tình hình đã rất căng thẳng. Theo UN, kể từ khi Haftar phát động tấn công nhằm vào Tripoli, hơn 280 dân thường cùng 2.000 chiến binh đã ngã xuống, chưa kể 146.000 dân Libya bị mất nhà cửa.

Trong bối cảnh phức tạp như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã cùng đưa ra sáng kiến ngoại giao, dẫu 2 nước được cho là ủng hộ 2 đầu chiến tuyến. Vào tháng 1, Ankara đã điều quân dưới danh nghĩa huấn luyện, để hậu thuẫn cho GNA và động thái này đã bị các cường quốc châu Âu và Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ. GNA cũng đã ký các thỏa thuận với Ankara giao quyền cho Thổ Nhĩ Kỳ đối với một khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải. Thỏa thuận này, không quá bất ngờ, cũng đã vấp phải sự lên án của Pháp, Hy Lạp, Ai Cập và Síp.

Thủ tướng Fayez al-Sarraj (trái) và Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AP
Thủ tướng Fayez al-Sarraj (trái) và Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AP

Còn Nga lại bị cáo buộc hậu thuẫn cho các lực lượng thân Haftar, vốn đang nhận được sự ủng hộ của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Saudi Arabia và Ai Cập - tất cả những nước này đều là đối thủ trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ. Có nguồn tin tiết lộ rằng, vài trăm lính đánh thuê gốc Nga đã có mặt ở Libya, đứng vào hàng ngũ các lực lượng của Haftar. Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Putin đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định rằng bất kỳ công dân Nga nào có mặt tại đất nước Bắc Phi đang xảy ra giao tranh đều không phải do Moskva trả lương.

AFP dẫn phân tích của chuyên gia phân tích quốc phòng người Nga Alexei Malashenko, lập luận rằng sở dĩ Nga ủng hộ Haftar là bởi ông này có sức mạnh quân sự cao hơn, lại được đồng minh của họ là Ai Cập hậu thuẫn. Ông nhận định thêm, Moskva muốn thông qua đó bảo vệ sự hiện diện của mình tại Libya, bao hàm luôn cả các lợi ích liên quan đến dầu lửa. Từ đó, chuyên gia này phỏng đoán, Nga có thể nhen nhóm lại thương mại vũ khí và lúa mì, đồng thời tái khởi động một dự án xây dựng đường sắt hiện đang tạm ngừng.

Bản đồ toàn cảnh chiến sự ở Libya.
Bản đồ toàn cảnh chiến sự ở Libya. Màu đỏ: Quân đội Quốc gia Libya (LNA); màu xanh lá cây: Chính phủ Đoàn kết Dân tộc. Ảnh: GNA

Trên mặt trận ngoại giao, Châu Âu và Bắc Mỹ cũng đã phát động cuộc “tấn công” riêng, nhằm tìm cách ngăn Libya, trong bối cảnh các chủ thể quốc tế ngày càng gia tăng can dự vào cuộc xung đột nơi đây, không bị biến thành cái mà Berlin gọi là một “Syria thứ hai”. Mới đây nhất, Nhà vua Jordan Abdullah đã cảnh báo, hàng nghìn chiến binh đang rời Syria để tiến về Libya, và quả thực, dẫu đây là điều đang xảy ra ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, thì cũng sẽ khiến các quốc gia phương Tây đứng ngồi không yên, trăn trở tìm cách để giải quyết gọn ghẽ trong năm 2020.

Tin mới