Ý kiến cử tri: Công tác quy hoạch cần sát với thực tế và có tính khả thi hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hiện nay Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang được triển khai lập, đang chuẩn bị trình thẩm định phê duyệt. Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII sẽ chất vấn Sở Xây dựng về công tác lập, quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Liên quan đến nội dung này, các ý kiến của chuyên gia, cử tri đã phân tích, góp ý vào kết cấu và nội dung của Dự thảo Quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển; lĩnh vực mũi nhọn và sản phẩm chủ yếu của Nghệ An; các phương án quy hoạch hệ thống đô thị, kết cấu hạ tầng; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:

Quy hoạch cần định hướng rõ hơn về phát triển kinh tế biển

Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh “Tốc độ tăng trưởng của kinh tế biển giai đoạn 2021-2030 đạt trung bình 15%,đóng góp của kinh tế biển vào GRDP tỉnh đạt từ 22-25% (trong đó kinh tế thuần biển chiếm khoảng 8-8,5%). Tuy nhiên trong dự thảo Đề án về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” mục tiêu đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh. Do đó, cần có sự nghiên cứu, thống nhất về mục tiêu, định hướng phát triển của các sở, ngành liên quan đến cùng 1 nội dung.

Liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế biển, từ thực tế sản lượng khai thác hải sản của Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng đã vượt mức khả năng khai thác của biển quá lớn (khoảng 60%), nên nếu không sớm điều chỉnh cơ cấu đội tàu, chỉ tiêu sản lượng khai thác (giảm sản lượng khai thác) thì sẽ dẫn đến nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm và hiệu quả đầu tư của người dân ngày càng giảm, đời sống sẽ khó khăn và dân sẽ không còn bám biển. Về đội tàu xa bờ cần hình thành các Tập đoàn khai thác thủy sản lớn thay cho các tổ hợp tác, hợp tác xã như hiện nay. Có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển nghề khai thác ven biển sang dịch vụ, nuôi trồng trên bờ, hỗ trợ thanh niên vùng biển (hoặc thành viên các hợp tác xã) khai thác xa bờ đi học đại học, cao đẳng về kỹ thuật khai thác, cơ khí tàu thuyền,… Ưu tiên nâng cao giá trị khai thác thay cho nâng cao sản lượng. Lấy nuôi trồng ven biển, dịch vụ kinh tế biển để làm nguồn sinh kế thay thế. Trong đó lưu ý đặc biệt việc phát triển tảo, vi tảo để làm dược liệu, thực phẩm chức năng, thức ăn cho thủy sản, vật nuôi, phân bón, thậm chí nhiên liệu,…

Ông Trương Công Anh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An:

Đưa kinh tế rừng vào quy hoạch

Việc quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh Nghệ An. Có ý nghĩa chiến lược, vừa là tiền đề, vừa là động lực để phát triển tỉnh trong mười năm tới và tầm nhìn đến 2050. Giải quyết những vướng mắc, chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch riêng lẽ của từng cụm kinh tế, của các sở, ngành, địa phương; đồng thời khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa kinh tế - chính trị, phát huy thế mạnh đặc thù, tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới, nhằm phát triển nhanh và bền vững hơn để xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển khá của Bắc Trung Bộ.

Tôi cho rằng quy hoạch trước hết phải đặt câu hỏi “vì sao Nghệ An vẫn đang nghèo” để từ đó có những quy hoạch chi tiết thiết thực, sát thực tiễn. Tôi băn khoăn là về miền Tây Nghệ An, nhất là từ Anh Sơn - Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn – Quế Phong, nếu các địa phương này đang còn nghèo thì Nghệ An chưa giàu. Đồng thời, phải tổ chức lại nền kinh tế Nghệ An, bởi không thể đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp manh mún. Về các khu kinh tế, không để chồng chéo trong quy hoạch vùng, hành lang, các khu, cụm kinh tế.

Theo tôi, cần có quan niệm đầy đủ về tài nguyên: đất là tài nguyên, nước là tài nguyên, rừng là tài nguyên, khoáng sản là tài nguyên (khoáng sản kim loại và phi kim loại), khí hậu cũng là tài nguyên. Chỉ nói tài nguyên khoáng sản là rất thiếu. Khai thác bảo vệ tài nguyên đất thế nào (chống xói mòn, chống sa mạc hóa, chống thoái hóa đất…) đặc biệt khai thác bảo vệ tài nguyên rừng thế nào? Theo tôi tài nguyên rừng là tài nguyên quý nhất của Nghệ An (cùng tài nguyên nước, tài nguyên đất) là tài nguyên có thể tái tạo. Càng khai thác tốt nó càng giàu lên. Đây là tài nguyên duy nhất để có thể “vực dậy” được miền Tây Nghệ An. Nếu muốn Nghệ An phát triển bền vững phải đưa tài nguyên rừng ở miền Tây vào tầm chiến lược, vì lâu nay khu vực này chưa được đánh giá đúng mức. Bởi, đối với miền Tây tài nguyên duy nhất là đất và rừng, do đó phải đưa kinh tế rừng vào quy hoạch.

Rừng săng lẻ ở xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thành Cường

Rừng săng lẻ ở xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Thành Cường

Từ quy hoạch tỉnh để quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương (huyện, thị) tạo được tổng thể quy hoạch thống nhất, đồng bộ, cụ thể, chi tiết có tính khả thi cao nhất. Từ quy hoạch tỉnh để xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm. Từ quy hoạch ngành, lãnh thổ để xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm của từng ngành, từng lãnh thổ. Tổ chức chỉ đạo thực hiện quy hoạch cấp tỉnh, cấp ngành, cấp địa phương. Dù quy hoạch có tốt đến đâu thì cũng không tránh khỏi tính chủ quan khi lập quy hoạch (chung và riêng ngành, lãnh thổ) do đó phải bám sâu thực tiễn để kịp thời bổ sung, điều chỉnh… quy hoạch nếu thấy cần thiết (tức là có tư duy mở, linh hoạt tránh máy móc, cứng nhắc).

Ông Võ Ngọc Hoàng - phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò:

Công tác quy hoạch còn manh mún, chắp vá, chưa đồng bộ

Là người dân sống hàng chục năm nay nhưng tôi thấy bộ mặt đô thị Cửa Lò chậm thay đổi. Cửa Lò là điểm du lịch của tỉnh và được xác định là cực tăng trưởng của tỉnh nhưng nhiều tuyến đường còn trong tình trạng quy hoạch treo. Đơn cử như tuyến đường số 2 quy hoạch treo hàng chục năm nay, không được giải tỏa được, nhà cửa nhân dân xuống cấp nhưng không dám xây dựng vì chờ thi công tuyến đường, mỗi lần mưa đến người dân đi lại vất vả. Tuyến đường số 3 hư hỏng, mùa hè đến, các nhà hàng khách sạn sử dụng nước nhiều dẫn đến nước thải hôi thối ảnh hưởng đến môi trường du lịch của thị xã. Trong khi đó phía Đông đường Bình Minh tuyến đường trung tâm của thị xã nhưng quy hoạch còn manh mún, chắp vá, chưa đồng bộ.

Thị xã đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng đô thị du lịch Cửa Lò phát triển nhanh, bền vững, cùng với thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới sáng tạo của Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã đề ra. Người dân mong chờ đến khi nào bộ mặt đô thị của thị xã Cửa Lò thay đổi được?

Ông Hồ Sỹ Hòa - Nguyên Trưởng phòng Tổng hợp - quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư):

Xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch

Dự thảo quy hoạch tỉnh hướng tới mục tiêu chung đến năm 2030 Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ; tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện thu nhập cao văn minh, hiện đại của cả nước là cực phát triển quan trọng của vùng Bắc Trung bộ. Quy hoạch đưa ra các định hướng phát triển trọng tâm gồm 2 khu vực động lực tăng trưởng, 3 đột phá chiến lực, 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực trụ cột phát triển, 6 trung tâm đô thị.

Quan điểm, mục tiêu và định hướng giải pháp của bản quy hoạch nêu ra đã phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước thời kỳ 2021-2030 và định hướng chỉ đạo của Đảng trong các kỳ Đại hội, tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 trình Đại hội XIII của Đảng. Phương hướng và mục tiêu phát triển phù hợp chiến lược phát triển của cả nước và điều kiện cụ thể của Nghệ An. Tuy nhiên, cần đề cập các nội dung chưa phù hợp quy hoạch: Phát triển các khu đô thị vượt ngoài quy hoạch. Các vùng chuyên canh nguyên liệu chưa đảm bảo quy hoạch. Quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp chưa phù hợp... Quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó quan tâm đến các huyện huyện miền núi và trung du để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; quy hoạch cần phân tích lựa chọn sản phẩm thế mạnh của Nghệ An.

Để thực hiện được công tác quy hoạch cần phải xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Theo tính toán tổng mức đầu tư để thực hiện quy hoạch: Để đảm bảo phương án quy hoạch đòi hỏi phải huy động được nhiều nguồn vốn, trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 khoảng 500.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2025-2030 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 1.000.000 tỷ đồng. Vốn trong tỉnh đảm bảo khoảng 20% và vốn thu hút bên ngoài 80%. Do đó, để thu hút nguồn vốn cần phải tập trung cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Xây dựng phương án phát triển thị trường chứng khoán ở Nghệ An. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao khoa học công nghệ... Thành lập các quỹ như quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu và đủ điều kiện, quỹ bảo hiểm sản xuất… Thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại để huy động vốn đầu tư tại chỗ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển các hình thức huy động vốn đóng góp bằng các hình thức như cổ phiếu, trái phiếu.

Tỉnh Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn - Thành Cường

Tỉnh Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn - Thành Cường

Ông Lê Văn Lợi xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai:

Cần sớm khắc phục tình trạng​ quy hoạch treo

Ở thị xã Hoàng Mai còn có khu công nghiệp Đông Hồi tại 2 xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc với diện tích 1.436ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.388 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay khu công nghiệp này cũng chỉ có vài dự án vào đầu tư như Nhà máy Hoa Sen Nghệ An - Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An; Bến cảng Thanh Thành Đạt thuộc cảng biển Đông Hồi - Công ty TNHH Thanh Thành Đạt; Nhà máy bánh kẹo Hải Châu II… còn lại vẫn trống hàng nghìn hecta đất. Khu công nghiệp được đầu tư bài bản trên quy mô lớn với kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, đem lại diện mạo mới cho nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, nhiều khu cụm công nghiệp bị bỏ hoang, gây lãng phí về đất đai, hạ tầng, trong khi ngân sách còn hạn hẹp, người lao động địa phương cần việc làm. Đất đai bỏ không trong khi người dân muốn sản xuất cũng không được, gây lãng phí tài nguyên đất, quy hoạch treo kéo dài khiến người dân bức xúc. Người dân mong muốn Nhà nước cần có giải pháp thu hút đầu tư vào khu công nghiệp hoặc rà soát lại tất cả dự án đã nhiều năm chưa triển khai hoặc triển khai nửa chừng rồi dừng lại, thu hồi dự án, thay thế bằng dự án khác.

Cùng với quy hoạch treo khu công nghiệp, hiện nay trên địa bàn xã có một số tuyến đường quy hoạch treo nhiều năm nay như đường cứu hộ, cứu nạn, đường tái định cư đang thi công dở dang và dừng lại gây lãng phí về đất đai và giao thông đi lại khó khăn hơn. Người dân mong muốn nhà nước sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến các dự án này nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân sinh sống ở địa phương.

Tin mới