Ý nghĩa của sự sẻ chia

(Baonghean) - Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghệ An được thành lập ngày 26/9/2006, nhằm vận động mọi tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn hòa nhập cộng đồng.

Nỗi đau da cam

Theo số liệu của các nhà khoa học Hoa Kỳ từ 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam chứa 366 kg dioxin, là loại hóa chất độc hại nhất, nguy hiểm nhất. Khối lượng chất độc hóa học khổng lồ như vậy của Mỹ đã trùm lên 1/4 diện tích toàn miền Nam nước ta, làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. 

Ông Đinh Xuân Tứ - Chủ tịch  Hội nạn nhân chất độc  da cam/dioxin tỉnh thăm em  Đậu Thị Nga xóm 6, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) làm tranh thêu.
Ông Đinh Xuân Tứ - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm em Đậu Thị Nga xóm 6, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) làm tranh thêu.

Nghệ An có hơn 40.000 đối tượng bị phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Trong số họ có rất nhiều cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật dày vò, cô đơn không nơi nương tựa, đơn cử như hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Năm, ở khối 5, thị trấn Anh Sơn có chồng là thương binh, sinh ra 8 người con nhưng 5 người con và chồng đã chết, còn 3 con còn lại tật nguyền, nay đều đã hơn 40 tuổi nhưng nằm một chỗ, tất cả dựa vào bà mẹ; bà Nguyễn Thị Ninh ở xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ nay 80 tuổi, không chồng, không con, sống cô đơn; như anh Đinh Xuân Lục có 3 người con đều dị tật, 1 người con năm nay 20 tuổi nhưng cao 90 cm; ông Hòa ở Quỳnh Văn có 2 con gái, đứa lớn 30 tuổi và 25 tuổi nằm 1 chỗ; vợ chồng bà Lê Thị Hòa có 5 nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở huyện Quỳ Châu; nhà ông Ngô Xuân Thung, xóm 5, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên có 4 nạn nhân...

Nhiều gia đình đã di chứng đến đời cháu; nhiều cặp vợ chồng sinh con ra không biết nói, không biết nghe, không biết nhìn, không đi lại được, nhiều cháu đã 20 - 30 tuổi mà cân nặng chỉ 10 - 15 cân, cao chỉ 90 cm, ăn uống, sinh hoạt đều nằm tại chỗ, bố mẹ bồng bế ngày này qua ngày khác...

Cùng sẻ chia

Trước những nỗi đau và cảnh đời bất hạnh do chất độc da cam/dioxin gây ra, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, lãnh đạo chính quyền các cấp, đoàn thể và nhân dân giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Ở Nghệ An, đến nay trên 21/21 huyện, thành; 409/480 xã, phường, thị trấn có lượng hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là 15.000 người. Hoạt động của hội đang cho thấy ngày một hiệu quả. 

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao tặng 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở huyện Yên Thành. 	Ảnh: P.V
Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao tặng 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở huyện Yên Thành. Ảnh: P.V

Cùng đồng hành, chia sẻ với các nạn nhân, trong tổ chức hội là những người có lương tâm, đạo lý, giàu lòng nhân ái, tự nguyện gia nhập hội để góp phần cưu mang, giúp đỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin do chiến tranh. Sau khi ra đời hội đã trở thành cầu nối giữa các nạn nhân với các tổ chức xã hội, cộng đồng; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức bằng tấm lòng nhân ái sẻ chia, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Có không ít những cán bộ hội nhiệt tình, trách nhiệm, không quản khó khăn, gian khổ vào Nam, ra Bắc đến các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, vận động, ủng hộ tiền xây dựng Quỹ nạn nhân. 10 năm qua, tổng số tiền thu được trên 17 tỷ đồng. Từ số tiền đó đã làm 243 ngôi nhà cho các gia đình nạn nhân chưa có nhà ở (mỗi nhà trị giá từ 10 - 40 triệu đồng), hỗ trợ vốn sản xuất 442 suất (mỗi suất 10 triệu đồng), tặng học bổng 171 suất, thăm tặng quà nhân các ngày lễ, tết 8.410 suất, với số tiền 15.178.300.000 đồng. 

Ngoài hỗ trợ của Tỉnh hội, các huyện, thành phố, thị xã, các ngành, các cơ quan hỗ trợ cho nạn nhân hàng trăm triệu đồng, điển hình như các địa phương Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Nam Đàn, Con Cuông, Nghi Lộc, Tương Dương, Quỳ Châu, Đô Lương, Thanh Chương, Kỳ Sơn...; các cơ quan, đơn vị như Cục Hải quan Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Nhi Nghệ An...

Từ đó góp phần để hàng ngàn gia đình nạn nhân vượt khó hòa nhập cộng đồng, xóa đi mặc cảm. Nhiều nạn nhân vươn lên trong cuộc sống như: ông Lam ở xã Đông Sơn, huyện Đô Lương; ông Hùng vợ mất, vừa nuôi con, vừa làm kinh tế giỏi ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu; cháu Nga tật nguyền không đi lại được vừa làm tranh và dạy cho con em nạn nhân ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu; ông Lê Như Hóa có vợ và 5 con là nạn nhân ở xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu...

Mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Xuân Quán (xã Tân Thành, Yên Thành)  nạn nhân chất độc da cam/dioxin. 	Ảnh: P.V
Mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Xuân Quán (xã Tân Thành, Yên Thành) nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ảnh: P.V

Những món quà, những tấm lòng của tổ chức, cá nhân đã dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong thời gian qua tuy chưa lớn nhưng đầy ý nghĩa, đã tôn thêm nét đẹp truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam...

Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu trình phương án có tính khả thi để tỉnh và các ngành liên quan có hướng giải quyết; quyết tâm thực hiện thành công chương trình hành động của mình trong những năm tới, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của hội, góp phần giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống để hòa nhập cộng đồng.

Đại tá Đinh Xuân Tứ
(Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh)
 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới