Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết ở 3 miền

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên bàn thờ của mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Mâm ngũ quả ngày Tết mang một ý nghĩa chung sâu sắc, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và ước mong những điều tốt lành cho một năm mới sắp tới. Mỗi loại quả được lựa chọn để sắp xếp trong mâm ngũ quả đều mang những ý nghĩa riêng nhất định.
Do điều kiện ở các khu vực sinh sống của người Việt có khác biệt nên có nhiều cách bày mâm ngũ quả khác nhau. Gọi là ngũ quả nhưng thật ra, việc lựa chọn và bày biện những loại quả gì trên mâm tùy thuộc vào từng địa phương với những đặc thù về khí hậu, sản vật và quan niệm văn hóa riêng. Thông thường, mâm ngũ quả miền Bắc chú trọng ngũ hành thì mâm ngũ quả miền Trung và miền Nam coi trọng nghĩa của quả, thể hiện khí chất, sự thuận lợi về thiên nhiên.
Mâm ngũ quả ở miền Bắc không quá khắt khe trong việc lựa chọn quả mà phải phù hợp với ngũ hành trong văn hóa phương đông, là vạn vật dung hòa trong trời đất và theo ý nghĩa của từng loại quả. Mặc dù gọi là mâm ngũ quả, song ngày nay nhiều gia đình chọn lựa nhiều thứ quả với nhiều màu sắc khác nhau, nhằm cầu tiền tài, một năm mới sung túc, no ấm.
 Mâm ngũ quả của người miền Nam (Ảnh: doisongphapluat.com)
Mâm ngũ quả của người miền Nam (Ảnh: doisongphapluat.com)
Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, quất, lê… Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhất thiết phải có nải chuối bởi theo quan niệm nải chuối có hình dáng như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa Xuân để đọng thành quả ngọt; nó còn có ý nghĩa che chở, bảo bọc. Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng thể hiện sự che chở của đất trời cho con người. Đặt nải chuối ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác.
Mâm ngũ quả miền Trung có chút khác biệt so với miền Bắc bởi đây vốn có đất đai cằn cỗi, ít hoa trái nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Mâm ngũ quả của người miền Trung có phần giản tiện nhất, không câu nệ hình thức cũng như ý nghĩa nên có gì cúng nấy, không cần theo số lẻ như miền Bắc, cũng không kiêng trái cây gì mà chủ yếu đẹp mắt và thành tâm dâng kính tổ tiên. Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, cam, lê ki ma, thanh long…
Trong 3 miền, có lẽ người miền Nam thường cầu kỳ hơn trong khâu chọn lựa hoa quả để bày mâm ngũ quả cũng gia tiên. Nếu người miền Bắc dùng chuối làm loại quả quan trọng nhất để bày lên bàn thờ, thì người miền Nam lại khác. Do cách phát âm gần giống với từ “chúi” (thể hiện sự nguy khó) nên chuối là thứ quả không bao giờ xuất hiện. Cũng bởi câu nói: “Cam làm quýt chịu” nên người Nam không bày những trái cam óng ả vui mắt như người Bắc. Gia đình người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có lê ("lê lết"), táo (người Nam gọi là "bom")… không có cả sầu riêng, dù người Nam bình thường rất thích ăn sầu riêng, và không chọn trái có vị đắng, cay.
Mâm ngũ quả của người miền Nam thường có các loại trái: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu: “Cầu sung vừa đủ xài”), thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa), thể hiện sự vững vàng. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.
Cho dù cách lựa chọn cũng như trình bày mâm ngũ quả của ba miền có khác nhau nhưng mâm ngũ quả Tết là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam- thể hiện sinh động cho ý tưởng, tín ngưỡng và thẩm mỹ trong ngày Tết. Ngày Tết, bên cạnh những bánh chưng xanh, hoa đào đỏ, hoa mai vàng… mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên luôn nhắc nhở con cháu nhớ ơn ông bà tổ tiên và thể hiện ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc.
Theo ĐCSVN

Tin mới