Y tế Nghệ An đồng hành, hỗ trợ y tế Xiêng Khoảng – Bài 3: Giúp bạn đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao

Bước vào những ngày hè, Trường Đại học Y khoa Vinh trở nên vắng vẻ hơn. Thời điểm này, ở ký túc xá nhà trường, chỉ còn khoảng vài chục sinh viên Lào lưu trú tại đây. Những sinh viên này không về nghỉ hè mà xin ở lại để được học bổ trợ, nâng cao thêm kiến thức chuyên ngành.

Phòng ở của Kimphavong (20 tuổi, sinh viên năm 2, ngành Cử nhân Xét nghiệm) nằm ở tầng 4, ký túc xá Trường Đại học Y khoa Vinh. Căn phòng rộng chừng 30m², được trang bị đầy đủ các tiện nghi thiết yếu như giường, nệm, chăn, ga, quạt điện, vệ sinh khép kín. Kimphavong cười cho hay: “Phòng ở đây cũng giống như phòng em ở nhà. Chỉ khác  là ở cùng các bạn mà thôi!”.

Các sinh viên Xiêng Khoảng trong giờ tự học bài tại Ký túc xá Trường Đại học Y khoa Vinh.
Các sinh viên Xiêng Khoảng trong giờ tự học bài tại Ký túc xá Trường Đại học Y khoa Vinh.

Kimphavong kể chuyện hành trình đến với trường y: “Em ở huyện Khun, tỉnh Xiêng Khoảng. Bố em là bác sỹ của bệnh viện đa khoa huyện. Từ nhỏ em vẫn luôn mơ ước được giống như bố để có thể chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Khi học xong phổ thông, qua tìm hiểu, em biết được 2 tỉnh Xiêng Khoảng – Nghệ An có chương trình cấp học bổng toàn phần cho sinh viên Lào sang du học chuyên ngành y tại Trường Đại học Y khoa Vinh nên em đã đăng ký dự thi và giành được suất học bổng quý giá này”.

Kimphavong chia sẻ thêm: “Dẫu đã thi đậu vào Trường Đại học Quốc gia Lào nhưng em vẫn chọn du học ở Nghệ An. Bởi sang đây em được tỉnh Nghệ An đài thọ toàn bộ tiền ăn, ở, sinh hoạt, học tập. Còn nếu theo học ở trong nước sẽ tốn khá nhiều chi phí. Mỗi tháng ngoài được miễn phí hoàn toàn các chi phí sinh hoạt, học tập, em còn được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng tiền ăn. Gia đình em rất vui, hoàn toàn yên tâm khi em sang đây học”.

Còn với nữ sinh viên Philomphed Somoh (sinh viên năm 3, ngành Cử nhân Điều dưỡng) cũng được tỉnh Nghệ An hỗ trợ học bổng toàn phần khi theo học tại Trường Đại học Y khoa Vinh. Những ngày đầu sang Việt Nam, Somod khá bỡ ngỡ vì sự khác biệt văn hoá, ngôn ngữ nên cô không thật tự tin khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên sau 3 năm theo học, cô sinh viên này đã cảm thấy thật sự yêu mảnh đất, con người nơi đây.

Các sinh viên Xiêng Khoảng trong giờ tự học bài tại Ký túc xá Trường Đại học Y khoa Vinh.
Các sinh viên Xiêng Khoảng trong giờ tự học bài tại Ký túc xá Trường Đại học Y khoa Vinh.

“Càng sống ở đây, em lại thấy gắn bó hơn. Lớp em có 99 sinh viên, trong đó 6 du học sinh Lào, còn lại là các bạn Việt Nam. Sinh viên Lào chúng em được các bạn Việt Nam quan tâm, giúp đỡ rất nhiều. Những buồn vui trong cuộc sống, chúng em đều có thể tâm sự cùng nhau. Thời gian dịch bệnh, sinh viên Lào không thể về nước, các bạn Việt Nam đã hỗ trợ, động viên giúp chúng em vơi đi nỗi nhớ gia đình, yên tâm học tập”, Somod cho biết.

Nam sinh viên Yengxoualee (sinh viên năm 3, ngành Y học dự phòng) tiết lộ: “Sinh viên Lào chúng em còn được nhà trường kết nối, để nhận bố mẹ nuôi. Cuối tuần là dịp chúng em được ăn, ở, quây quần bên gia đình mới. Tết Nguyên đán vừa qua, chúng em còn được tận tay gói bánh chưng cùng bố mẹ nuôi. Điều này đã giúp chúng em cảm nhận được sự đầm ấm, sum vầy. Chúng em đã xem Nghệ An như là quê hương thứ hai của mình”.

Trường Đại học Y khoa Vinh hiện đang có 364 sinh viên Lào theo học tại 7 ngành học (y khoa, điều dưỡng, xét nghiệm, y học dự phòng, y tế công cộng, y khoa liên thông và dược sĩ), trong đó có 109 sinh viên đến từ tỉnh Xiêng Khoảng. Tiến sĩ  Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh cho biết: “Thực hiện hợp tác, tỉnh Nghệ An đã đài thọ toàn bộ chi phí cho các sinh viên Lào trong việc ăn, ở, học tập. Nhà trường luôn chú trọng chăm lo về mặt tinh thần, tạo điều kiện để các em hoà nhập, học tập tốt; gắn kết và thắt chặt hơn tình cảm của du học sinh Lào với đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, các sinh viên Lào đều học tập rất nghiêm túc, chăm chỉ, tuân thủ tốt quy định của nhà trường. Và ngược lại, nhà trường và ngành y tế Nghệ An cũng đặc biệt chú trọng trong việc đào tạo toàn diện, chuyên sâu cho các sinh viên Lào. Những sinh viên Lào khi sang Nghệ An để học ngành y đều trải qua các chương trình như: Học Tiếng Việt, đào tạo về lý thuyết chuyên môn, học lâm sàng tại các bệnh viện lớn trong địa bàn tỉnh.

Các sinh viên Lào đang học Trường Đại học Y khoa Vinh được học Lâm sàng tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Các sinh viên Lào đang học Trường Đại học Y khoa Vinh được học Lâm sàng tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Cụ thể, các sinh viên Lào trước khi bước vào học chuyên ngành thì sẽ được đào tạo tiếng Việt trong vòng 1 năm. Khoá đào tạo này giúp các em có thể nghe, nói tốt và hiểu được thuật ngữ chuyên ngành. Sinh viên Kimphavong không ngờ bản thân lại có thể học tiếng nhanh như vậy: “Khi sang Nghệ An học, em được bố trí học Tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An trong 1 năm. Trong quá trình học ngôn ngữ, ngoài được đào tạo về ngữ pháp, từ ngữ thì em còn được nhà trường bố trí cho giao tiếp thường xuyên với người bản địa. Việc giao tiếp thường xuyên đã giúp cho em sớm hoàn thiện khả năng nghe, nói tiếng Việt… Sau 1 năm học, em đã hoàn toàn tự tin để theo học chuyên ngành Y tại Trường Đại học Y khoa Vinh. Đây là điều không ngờ vì khi đang học phổ thông ở Lào thì khả năng học ngoại ngữ của em là không thật sự tốt”.

Trong 2 năm đầu học chuyên ngành, các sinh viên Lào được đào tạo về lý thuyết y khoa từ cơ bản đến nâng cao. Các thầy, cô giáo ở trường y luôn cố gắng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, ưu tiên thời gian đào tạo cho sinh viên Lào. Sinh viên Yengxoualee  nhận xét: “Em đã từng so sánh giáo trình Y khoa của Lào, Thái Lan và Việt Nam thì nhận thấy không có quá nhiều khác biệt. Tuy nhiên, khi theo học ở Trường Đại học Y khoa Vinh, chúng em được thầy cô giảng dạy kỹ hơn và thầy cô cũng đưa ra nhiều ví dụ sát với thực tế. Điều này giúp chúng em dễ hiểu, hiểu sâu hơn kiến thức y học”.

Tiến sĩ  Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh trao đổi về nội dung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với ngành y tế Xiêng Khoảng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh trao đổi về nội dung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với ngành y tế Xiêng Khoảng.

Giúp cho sinh viên có thể thành thạo kỹ năng, quá trình đào tạo lâm sàng theo mô hình “Viện – Trường” đã được Trường Đại học Y khoa Vinh và ngành y tế Nghệ An chú trọng. Từ năm thứ 3 trở đi, tất cả các sinh viên Lào đều được đi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Nghệ An là địa phương có nhiều cơ sở khám chữa bệnh lớn, trong đó Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là bệnh viện tuyến cuối của khu vực Bắc Trung bộ. Số lượng bệnh nhân tập trung lớn, mô hình bệnh tật đa dạng. Đây chính là điều kiện quan trọng để các sinh viên Lào sớm thuần thục các kỹ năng, chuyển hoá kiến thức lý thuyết sang thực hành.

Sinh viên Philomphed Somoh cho biết: “Khi đi lâm sàng, chúng em được chia theo nhóm và thực hành ở nhiều bệnh viện. Điều này giúp chúng em có thể tiếp xúc nhiều trang thiết bị, kỹ thuật, mặt bệnh khác nhau. Ở tất cả các bệnh viện chúng em đến học, các bác sĩ, điều dưỡng đều rất quan tâm, hướng dẫn tận tình. Đặc biệt, khi biết em là sinh viên Lào thì họ lại càng hướng dẫn tỉ mỉ hơn. Trước đây, khi bắt đầu học lâm sàng thì em rất run nhưng sau thời gian ngắn em đã có thể tự tin tiêm, chuyền, đo điện tim….”.

Các sinh viên Lào đang học Trường Đại học Y khoa Vinh được học Lâm sàng tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Các sinh viên Lào đang học Trường Đại học Y khoa Vinh được học Lâm sàng tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Với sự quan tâm đào tạo của Trường Đại học Y khoa Vinh, cùng với sự cố gắng của các sinh viên Lào, chất lượng đầu ra của trường đã được đánh giá rất tốt. Khi tốt nghiệp, các sinh viên Lào đều đã được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn để bắt tay ngay vào công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ người bệnh. Sinh viên Yengxoualee tiết lộ: “Theo sự tìm hiểu của em, tất cả các anh chị sau khi tốt nghiệp ngành y ở Nghệ An khi trở về quê thì đều được nhận ngay vào các bệnh viện uy tín tại tuyến tỉnh, tuyến huyện hoặc của quân đội”.