Tăng ý thức phòng, chữa bệnh tim mạch

(Baonghean) - Theo thống kê của tổ chức y tế Thế giới, mỗi năm, toàn thế giới có trên 17 triệu người tử vong do các bệnh lý về tim mạch; cao gấp 4 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh lý: HIV/AIDS, sốt rét và lao. Bởi vậy, để phòng tránh các bệnh lý tim mạch trước hết cần nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng. 

Ghi nhận tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày có trên 50 bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói là đa số trường hợp bệnh nhân đến khám khi bệnh đã nặng và thường xẩy ra các biến chứng. Ông Nguyễn Văn Hồng, 63 tuổi, ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, có tiền sử bị huyết áp cao nhưng do chủ quan nên ông ít đi khám định kỳ. Cách đây gần một năm, ông bị tai biến nhẹ do huyết áp tăng đột ngột. Mới đây ông đã phải nhập viện khẩn cấp với triệu chứng đau đầu, đau thắt ngực, nôn với chẩn đoán suy tim mức độ nhẹ. Ông cho biết: Lúc trẻ, ông thường có thói quen uống rượu và hút thuốc lào trong thời gian dài nên bị cao huyết áp lúc nào không hay. Mặc dù mấy năm gần đây, ông đã bỏ hẳn rượu và thuốc nhưng huyết áp không ổn định, lại không mấy quan tâm đến bệnh tình nên bây giờ bệnh nặng. 
Chăm sóc, tư vấn sức khoẻ cho bệnh nhân tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Chăm sóc, tư vấn sức khoẻ cho bệnh nhân tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Trường hợp khác là bà Dương Thị Bình, phường Lê Lợi, TP Vinh, năm nay 70 tuổi, đã nhập viện gần tuần nay, được chẩn đoán là tắc động mạch vành, xơ vữa mạch máu. Trước đây bà có tiền sử đái tháo đường, huyết áp cao (thường xuyên ở mức 160 – 180mmHg). Bà vẫn “chung sống” bình thường với bệnh tật gần 10 năm nay, chỉ khi nào có triệu chứng mệt mỏi mới đi khám, uống thuốc. Nhưng do thói quen sinh hoạt, ăn uống không được điều chỉnh nhiều khiến bệnh tình ngày một nặng hơn. Với trường hợp của bà Bình, do biến chứng khá nặng nên các bác sỹ sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật khá phức tạp, tốn kém chi phí lên tới gần trăm triệu đồng. Sau đó, bệnh nhân còn phải tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và uống thuốc đều đặn, mới mong cải thiện sức khoẻ. 
Khoa Tim mạch - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải, nhất là vào những thời điểm mùa nắng nóng và rét đậm. Công suất trung bình của khoa Tim mạch luôn ở mức trên 150%. Trung bình mỗi năm, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 5.000 lượt bệnh nhân về các bệnh lý tim mạch, con số này có xu hướng gia tăng hàng năm. 
Bác sỹ Nguyễn Hồng Phương, Trưởng khoa Tim mạch cho biết: Nếu như cách đây khoảng 10 năm, số bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa chỉ giao động từ 40 - 50 người thì hiện nay con số đó tăng lên gấp 3; thường xuyên duy trì ở mức 150 - 160 bệnh nhân điều trị nội trú. Dạng bệnh về tim mạch cũng khác trước, trước đây bệnh nhân chủ yếu bị suy tim (do nhiễm khuẩn), còn hiện nay bệnh nhân thường mắc các bệnh tim mạch chuyển hoá, tức là do rối loạn chuyển hoá của cơ thể như: tiểu đường, huyết áp, do rối loạn, xơ vữa mạch máu... Đa phần các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch là người già, từ 60 tuổi trở lên. 
Lý giải nguyên nhân gia tăng các trường hợp mắc bệnh lý về tim mạch, bác sỹ Nguyễn Hồng Phương cho biết: Có hai yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch; yếu tố không thể thay đổi được (tuổi, giới, tiền sử gia đình...) và có thể thay đổi được (rối loạn lipit máu, béo phì, căng thẳng, ít vận động). Hiện nay, bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch do rối loạn chuyển hoá ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do ăn uống thiếu khoa học, không điều độ gây thừa chất, béo phì; nhiều người còn có thói quen sử dụng rượu, bia, hút thuốc... Cuộc sống bận rộn khiến cho nhiều người ít có thời gian nghỉ ngơi, luôn bị căng thẳng và ít có điều kiện rèn luyện sức khoẻ... 
Để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lý liên quan đến tim mạch, người dân nên thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, không ăn mặn; nghỉ ngơi, luyện tập thể dục đều đặn; duy trì cân nặng hợp lý; không sử dụng rượu, bia, không hút thuốc lá, thuốc lào...Theo định kỳ 6 tháng 1 lần với người thường và khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đi khám sức khoẻ để được phát hiện sớm các bệnh lý về tim mạch, để tránh các biến chứng nặng nề. Với những trường hợp phát hiện sớm các bệnh lý về tim và điều trị kịp thời, tuân thủ điều trị sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Còn với những trường hợp bị biến chứng nặng thì việc can thiệp khó khăn và tốn kém hơn nhiều.
Theo tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, số ca tử vong do bệnh lý tim mạch nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong do 3 loại bệnh lý là HIV/AIDS, sốt rét và lao. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra bị mắc các bệnh tim bẩm sinh. Ở nước ta, các bệnh tim mạch đang có xu hướng tăng lên. Trong các bệnh lý tim mạch thì tăng huyết áp là loại bệnh phổ biến nhất và tỷ lệ mắc bệnh này cũng ngày càng gia tăng. Theo điều tra năm 2008 của Viện Tim mạch Việt Nam thì tỷ lệ tăng huyết áp của người từ 25 tuổi trở lên ở nước ta là 25,1%. Vì tỷ lệ tăng huyết áp quá cao và nhanh như vậy nên tỷ lệ các biến chứng của tăng huyết áp như: tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ... cũng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sức lao động của người dân. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng bệnh lý tim mạch gây nhiều biến chứng nguy hiểm, vì thế tỷ lệ tử vong cao.
“Ngày Tim mạch Thế giới” năm 2015 với chủ đề “Tạo môi trường lành mạnh cho một trái tim khoẻ” nhằm gửi thông điệp: Mỗi người cần biết quan tâm đến sức khoẻ của bản thân, thực hiện lối sống lành mạnh; nâng cao nhận thức phòng bệnh của cả cộng đồng bằng việc ý thức tạo môi trường sống lành mạnh cho gia đình và những người xung quanh mình, để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong công cuộc phòng chống các bệnh lý về tim mạch. 
Bài, ảnh: Đinh Nguyệt

Tin mới