9 cách sơ cứu tăng mức độ nguy hiểm

Bạn chỉ nên giúp đỡ người bị nạn khi bản thân chắc chắn khả năng có thể làm được.

Hầu như tất cả chúng ta đều nhớ một số điều cơ bản về nguyên tắc sơ cứu khi gặp tai nạn, chấn thương. Tuy nhiên, kiến thức của chúng ta đôi khi không chính xác. Ilya Boyko, một chuyên gia trong lĩnh vực cứu thương, giải thích các lỗi phổ biến và có thể gây nguy hiểm cho người khác. Đó là:

1. Cố gắng làm cho mình đổ mồ hôi khi đang sốt là một ý tưởng tồi

Khi bị ốm, bạn sẽ có cảm giác người nóng bừng bừng nhưng chân tay lại run rẩy, nhiệt độ cơ thể đang tăng lên. Nếu ủ ấm bằng nhiều lớp quần áo hay quấn khăn, nhiệt độ càng tăng nhanh hơn. Mặc dù cơ thể tỏa nhiệt là phản ứng để chống lại sự nhiễm trùng nhưng nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C thì sẽ gây hại cho cơ thể hơn là có lợi. Vì vậy, khi thấy nhiệt độ cơ thể cao kèm theo co giật, bạn cần được làm mát thay vì ủ ấm.

2. Không đặt bất cứ thứ gì trong miệng của một người đang trải qua một cơn động kinh

Bạn có thể làm vỡ răng của một ai đó nếu cố gắng đặt một thứ gì để ngăn không cho người bị động kinh cắn vào lưỡi. Thực tế, người đó có thể cắn một chút vào lưỡi nhưng sẽ không gây ra tác hại lớn. Điều tốt nhất bạn có thể làm là đặt một chiếc gối hay khăn mềm dưới đầu của họ vì sẽ giúp họ tránh được những chấn động tới não.

3. Không bôi kem ngay lập tức lên vết bỏng

Khi da bị bỏng, nhiệt độ sẽ đi sâu hơn vào các mô. Điều tốt nhất trong tình huống này là cho vị trí bị bỏng trong nước lạnh khoảng 15 phút. Điều này giúp hạ nhiệt vết bỏng. Đừng bôi kem ngay lập tức khi bị bỏng mà chỉ làm điều này sau 20 phút hoặc hơn.

4. Đừng di chuyển một người bị thương mà không có mặt của các chuyên gia y tế

Nếu tai nạn xảy ra trên đường, bạn không nên di chuyển người bị thương và chắc chắn đừng cố kéo người đó ra khỏi xe. Bởi như vậy, bạn chỉ làm cho mọi việc tồi tệ hơn thôi. Nguyên tắc này có thể được bỏ qua trong những tình huống cực đoan nhất, ví dụ, nếu chiếc xe bị cháy.

Cách xử lý được khuyên khi có tai nạn là:

- Gọi xe cứu thương

- Nếu bạn có thể, hãy tắt động cơ của chiếc xe và ngắt điện ắc-quy

- Cầm máu

- Giúp nạn nhân bình tĩnh

5. Nếu một ai đó nghẹn, không vỗ lưng của họ

Những gì bạn cần làm là giúp họ bình tĩnh, nói với họ hít thở sâu và chậm lại. Điều này sẽ giúp giảm bớt nghẹn và đẩy các vật chặn đường thở của họ ra khỏi vị trí nguy hiểm.

6. Đừng cố gắng kéo lưỡi của người bị bất tỉnh khi ngã từ trên cao xuống

Sẽ rất nguy hiểm nếu đặt người bị bất tỉnh nằm ngửa vì lưỡi của họ có thể bị thụt vào trong và chặn đường thở. Để đảm bảo điều này không xảy ra, bạn chỉ cần để họ nằm nghiêng hoặc xoay đầu và đừng cố gắng kéo lưỡi của họ ra ngoài.

7. Không buộc garo vết thương chảy máu động mạch

Trong các động mạch, máu được bơm ở tốc độ cao dưới áp lực lớn, vì vậy, máu chảy ra từ vết thương không phải là một dòng nhỏ mà ồ ạt như đài phun nước. Trong trường hợp như vậy, bạn cần đặt ngay miếng vải lên miệng vết thương và đè chặt lên đó để tạo lực đè. Việc sử dụng băng garô để cầm máu là phương thức cuối cùng có thể dùng tới và chỉ dùng khi việc cầm máu bằng lực đè thất bại vì nó có thể gây tổn thương tới các tế bào còn nguyên vẹn.

8. Đừng chà phần tê buốt của cơ thể

Khi chà xát vị trí bị tê buốt, bạn có thể làm hỏng các mao mạch và khiến tình hình tệ hơn. Ngâm nước nóng cũng là một cách không tốt trong trường hợp này. Nếu bị tê buốt, bạn cần cố gắng làm ấm cơ thể chầm chậm, bằng cách đặt bàn tay vào trong nước lạnh và tăng nhiệt độ nước lên từ từ.

9. Đừng đẩy bản thân vào nguy hiểm

Trong trường hợp khẩn cấp, bạn hãy luôn luôn xem xét đến những hành động không gây nguy hiểm cho chính mình và giúp mình tồn tại. Ví dụ, nếu bạn chạm vào một người bị điện giật thì thương vong sẽ là cả hai thay vì một. Trong trường hợp này, bạn cần tắt nguồn điện hoặc dùng gỗ để tách nạn nhân khỏi nguồn điện.

Bạn cần nhớ rằng, trong trường hợp khẩn cấp, hành động gây nguy hiểm cho cả bạn và nạn nhân thì còn tồi tệ hơn là không làm gì cả. Bạn chỉ nên giúp đỡ nếu chắc chắn khả năng mình có thể và luôn gọi thẳng đến các dịch vụ khẩn cấp.

Theo Ngoisao.net

TIN LIÊN QUAN

Tin mới