Thời tiết giao mùa, bệnh hô hấp 'tấn công' trẻ

(Baonghean.vn) - Thời tiết giao mùa, vi khuẩn, virus phát triển mạnh nên trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. 4 ngày trở lại đây, tỷ lệ trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tăng đột biến.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mỗi ngày tiếp nhận khoảng hơn 200 trẻ tới khám và nhập viện, trong đó có 50% số trẻ mắc các bệnh về hô hấp.

Thạc sĩ. BS Bùi Anh Sơn - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Sản Nhi khám cho bệnh nhân
BS Bùi Anh Sơn - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám cho bệnh nhân.

Thạc sĩ. BS Bùi Anh Sơn - Trưởng khoa Hô hấp cho biết: “Thời tiết giao mùa, vi khuẩn, virus phát triển, nên trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.Từ đầu tháng 10 đến ngày 4/11 có 748 bệnh nhân điều trị tại khoa. Riêng 4 ngày gần đây đã có 236 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân nặng lên đến 22 ca.

Vào khoa chủ yếu là bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên. Tỷ lệ trẻ đến khám và điều trị tăng đột biến so với thời điểm bình thường. Số chỉ tiêu giường bệnh tại khoa hiện chỉ có 55 giường nên thường xuyên trong tình trạng quá tải. Chúng tôi phải kê thêm giường ngoài hành lang mới đủ cho bệnh nhân nằm”.

Tại khoa Hô Hấp Bệnh viện Sản Nhi đang phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm
Tại khoa Hô Hấp Bệnh viện Sản Nhi phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm.

Chị Lê Thị Mai - mẹ cháu bé Trần Thị Phương 8 tháng tuổi (xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc) cho biết: "Ở nhà cháu bị hắt hơi sổ mũi, sốt, không chịu ăn uống gì, quấy khóc, tôi ra hiệu thuốc mua thuốc cho cháu uống hai ngày liên tục mà không đỡ nên quyết định đưa cháu vào viện khám. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản cấp. Điều trị tại bệnh viện được hơn một ngày, cháu đỡ rất nhiều. Hiện, cháu đã ăn được và ngủ được”.

Theo bác sĩ Sơn, các bệnh hô hấp trẻ mắc phải chủ yếu là viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Đối với các bé sơ sinh và nhẹ cân, phải điều trị vất vả và dai dẳng hơn. Trong tổng số bệnh nhi đến khám, hơn 50% bệnh liên quan đến đường hô hấp, viêm phổi… Đặc biệt, viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh, vì thế, bác sĩ yêu cầu cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến bệnh đối với bệnh nhi ngoại trú, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Cách phòng bệnh cho trẻ

Thạc sĩ. BS Bùi Anh Sơn khuyến cáo, phụ huynh không nên quá lo lắng, hãy chăm sóc trẻ chu đáo để phòng bệnh trong giai đoạn chuyển mùa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa, cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ốm. Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Thức ăn phải làm ấm trước khi cho trẻ ăn, bổ sung nước và nước trái cây, vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh nhiễm lạnh do trẻ bị nóng, toát mồ hôi. Đặc biệt, khi đi ra đường nên đeo khẩu trang cho bé, tránh hít nguồn bệnh qua đường hô hấp.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường như: bỏ bữa, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon, hắt hơi, chảy nước mũi thì bố mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để được khám và điều trị theo lộ trình của bác sĩ, không nên chữa bệnh theo mạng internet để tiền mất, tật mang. Tuyệt đối không dùng than củi, lò than sưởi ấm cho trẻ bởi nguy cơ gây viêm đường hô hấp, nặng có thể gây ngạt thở, nguy hiểm tính mạng cho trẻ. Tuyệt đối không mua thuốc ngoài điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay không ít bà mẹ cứ thấy con hắt hơi, sổ mũi là ra hiệu thuốc mua kháng sinh về cho con uống mà không cần theo đơn bác sỹ. Thậm chí, khi trẻ sốt thông thường do mọc răng hay thời tiết thay đổi… nhiều bà mẹ vẫn “vô tư” mua kháng sinh ở tiệm thuốc về cho con uống. Hành động trên của phụ huynh rất nguy hiểm, khiến bệnh của trẻ kéo dài,  gây khó khăn cho việc điều trị về sau, rủi ro và tốn kém gấp nhiều lần.

Thu Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới