Cách chăm sóc da cho trẻ trong tiết trời nóng nực

(Baonghean.vn) - Mùa hè với thời tiết oi bức cùng với độ ẩm cao và môi trường nhiều khói bụi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh ngoài da phát triển, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các biểu hiển ngứa, lở loét trên da ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bé.

7 bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè

Viêm da, viêm nang lông do vi khuẩn

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời tiết nắng nóng mùa hè khiến da tiết ra nhiều mồ hôi, bụi bẩn bám vào dễ dẫn đến hiện tượng bị nhiễm khuẩn da, ngứa da… Thường gặp nhất là các viêm da do tụ cầu, liên cầu như viêm nang lông, bệnh chốc, nhọt… Bệnh biểu hiện là các mụn mủ, kích thước vài milimet đến vài centimet, xung quanh có quầng da đỏ, đau nhức và có thể có biểu hiện toàn thân như sốt, tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Bệnh tuyến mồ hôi

Mồ hôi tiết ra nhiều còn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm tuyến mồ hôi, đặc biệt ở trẻ nhỏ với các biểu hiện mụn nước, sẩn li ti, đỏ da ở vùng có nhiều tuyến mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ. Người bệnh thường ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra mồ hôi. 

Viêm da tiếp xúc do côn trùng và viêm da dị ứng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về mùa hè, da tiếp xúc với côn trùng hoặc bị côn trùng đốt thường dẫn đến viêm da tiếp xúc kích ứng. Khi bị viêm da do tiếp xúc với côn trùng, da thường bị đỏ, ngứa, sau đó có thể xuất hiện một số mụn nước, mụn mủ nhỏ tại vùng da tiếp xúc.

Nhiễm nấm

Mùa hè da thường dễ bị nhiễm một số dạng nấm sợi do mồ hôi ra nhiều, mặc đồ ẩm ướt. Các bệnh nhiễm nấm da thường gặp là lang ben, nấm kẽ chân, nấm bẹn. 

Viêm da do virut

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một số bệnh da có nguyên nhân do virut như: bệnh thủy đậu, zona (do virut Varicella zoster gây ra), bệnh herpes (virut Herpes), bệnh tay - chân - miệng (Enterovirus 71 và Coxsackievirus A16). Biểu hiện của thủy đậu là các mụn nước đơn độc, lõm giữa, rải rác toàn thân. Bệnh zona thường biểu hiện là chùm mụn nước mọc trên nền da đỏ phân bố theo đường đi của các dây thần kinh ngoại biên, kèm theo đau nhức nhiều.

Bệnh da do ánh nắng

Một số bệnh da có nguyên nhân do ánh nắng hoặc nặng lên khi đi ra nắng. Chẳng hạn như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, Lupus ban đỏ bán cấp và Lupus ban đỏ dạng đĩa, bệnh porphirin da và pellagra, sẩn ngứa đa dạng do ánh sáng, viêm da ánh sáng, khô da sắc tố đều nặng hơn trong mùa hè…

Nổi mề đay ở trẻ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nổi mề đay là một bệnh ngoài da phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Biểu hiện của bệnh là những mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi cao trên da mặt, kích thước và số lượng thay đổi khác nhau có thể ở bất cứ vị trí nào trên da, khi mề đay khỏi thường không để lại dấu vết.

Có thể do trẻ bị tiếp xúc với một số vật lạ qua da, qua đường hô hấp, do ăn uống, thuốc, mỹ phẩm, côn trùng, ký sinh trùng, vi khuẩn, thời tiết thay đổi … Một số trẻ bị nổi mề đay do di truyền và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

Cách chăm sóc da cho trẻ trong tiết trời nóng nực

Luôn giữ vệ sinh da để phòng bệnh ngoài da cho trẻ. Ảnh minh họa.
Luôn giữ vệ sinh da để phòng bệnh ngoài da cho trẻ. Ảnh minh họa.

- Da của bé yêu rất nhạy cảm, chính vì thế trước khi sử bất cứ loại kem bôi hay phấn rôm cũng như quần áo bạn cần phải chắc chắn rằng chúng không gây kích ứng và tổn thương cho da bé.

- Khi lựa chọn quần áo cho trẻ, bạn nên chọn loại được làm từ chất liệu cotton vừa mềm, mịn lại có độ thấm hút tốt hơn.

- Việc chăm sóc và vệ sinh cho da bé là điều rất cần thiết, tuy nhiên nó không có nghĩa là bé cần được thường xuyên tắm rửa hàng ngày. Mà trái lại việc tắm rửa thường xuyên cho bé còn khiến cho da bé trở nên khô hơn, mất đi độ ẩm tự nhiên.

- Lưu ý trong khi tắm bạn cũng nên dùng các loại khăn mềm, được làm từ vải sợi để tắm cho bé yêu.

- Một trong những điểm rất quan trọng khi chăm sóc cho da bé là hãy bảo vệ trẻ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.

- Đừng quên mặc áo dài tay (hoặc là áo chống nắng) cho bé khi đi trời nắng, thêm vào đó bạn cũng nên thoa kem chống nắng và đội mũ rộng vành đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tấn công từ tia cực tím UVA và UVB nguy hiểm từ ánh nắng mặt trời.

- UVA và UVB cũng chính là “thủ phạm” hàng đầu gây nên chứng ung thư da, bạn cũng nên lưu ý, hạn chế cho trẻ ra nắng vào thời điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là thời điểm tia cực tím từ mặt trời hoạt động mạnh nhất và dễ gây nên những tổn hại cho làn da bé.

- Cần phải cẩn trọng với bất cứ chế phẩm nào muốn dùng trên da của bé.

- Mắc màn cho bé khi đi ngủ.

- Bổ sung đầy đủ nước cho bé.

- Cho bé ăn nhiều bữa, lựa chọn các đồ ăn thức uống thanh nhiệt cho trẻ.

Hoa Lê

(Tổng hợp) 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới